24/11/2024

Căng thẳng Mỹ – Iran chực chờ bùng nổ

Căng thẳng Mỹ – Iran chực chờ bùng nổ

Mỹ đã quy trách nhiệm cho các nhóm dân quân Iraq được chính quyền Iran hậu thuẫn đứng đằng sau vụ tấn công khiến hàng chục lính Mỹ và đồng minh thương vong.

 

Căng thẳng Mỹ - Iran chực chờ bùng nổ - Ảnh 1.

Quan tài của một binh sĩ Mỹ tại Iraq được đưa về nước – Ảnh: AFP

Washington đã đáp trả các vụ tấn công bằng rocket mà họ cho là do Iran giật dây đúng chất Mỹ: giội tên lửa một cách chính xác xuống các căn cứ kẻ thù. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng hạ lệnh cho quân đội Mỹ trả đũa vụ tấn công nhắm vào căn cứ Taji khiến ít nhất 3 lính Mỹ và Anh thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương hôm 11-3.

Những cuộc tấn công vào lực lượng của Mỹ sẽ tiếp tục vì Iran không gặp vấn đề gì khi chiến đấu đến người cuối cùng của dân quân Shiite và tin rằng họ có thể buộc người Mỹ rời khỏi Iraq.

Ông Dennis Ross (cựu trợ lý đặc biệt của tổng thống Barack Obama về Trung Đông) nhận định với Hãng thông tấn AFP

Đáp trả giới hạn

Rạng sáng 13-3 (giờ Việt Nam), những quả tên lửa đầu tiên của Mỹ đã giội xuống 5 kho chứa vũ khí của nhóm dân quân Kataeb Hezbollah được Iran hậu thuẫn trên lãnh thổ Iraq, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Vụ không kích được thực hiện vào ban đêm để hạn chế thương vong cho dân thường.

“Các kho vũ khí này thường xuyên được sử dụng để chống lại các lực lượng quân sự Mỹ và đồng minh tại Iraq”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đây là một hành động “tự vệ chính xác trước mối đe dọa từ những nhóm dân quân Shiite được Iran hỗ trợ”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh: “Mỹ sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công chống lại công dân, lợi ích của Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ”.

“Như chúng tôi đã chứng minh trong những tháng gần đây, chúng tôi sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ lực lượng của chúng tôi ở Iraq và khu vực” – ông Esper tuyên bố. Người đứng đầu Lầu Năm Góc trước đó nhấn mạnh mọi biện pháp đáp trả đều đã được tính tới.

Nhưng có vẻ như cuối cùng Washington đã chọn cách ít leo thang căng thẳng nhất và rằng kịch bản không kích giết chết một nhân vật cấp cao như tướng Qasem Soleimani của Iran hồi tháng 1 sẽ không xảy ra trong lần này.

Không rõ liệu các cuộc không kích ngày hôm qua có đủ sức làm nản chí các tay súng được Iran hỗ trợ ở Iraq hay không.

Tác chiến phi đối xứng

Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội sau vụ tấn công vào Taji cho thấy một chiếc xe tải được gắn các dàn pháo phản lực phóng loạt nằm giữa những đám cây bụi trên sa mạc.

Những hình ảnh đó không còn xa lạ gì với người Mỹ trong suốt 18 năm qua khi Washington bắt đầu nhúng chân vào các cuộc chiến ở Trung Đông. Các tay súng nổi dậy đã dựa vào những chiến thuật thô sơ nhưng hiệu quả để đánh lừa và tiêu diệt kẻ thù vượt trội về mặt công nghệ như Mỹ.

Theo báo New York Times, với số lượng ít ỏi binh sĩ Mỹ còn lại ở Iraq, các nhóm vũ trang thân Iran đã hoàn thiện một chiến thuật làm tiêu hao sinh lực kẻ thù khiến quân đội Mỹ không còn đủ tự tin để tự vệ.

Khoảng 30 quả rocket 107mm đã được bắn về phía Taji trong sự việc ngày 11-3, trong đó 18 quả đã trúng đích mà không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Đó đã là vụ tấn công thứ 22 nhắm vào các cơ sở có người Mỹ tại Iraq kể từ tháng 10 năm ngoái.

Năm 2015, khi quân Mỹ được đưa trở lại Iraq cho cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, các căn cứ của Washington được bảo vệ rất tốt với hệ thống C-RAM vốn được thiết kế để chống lại những quả rocket cỡ 107mm.

Cuộc chiến với Taliban ở Afghanistan sau đó khiến các căn cứ Mỹ ở Iraq phơi mình trước kẻ thù. Phần lớn các hệ thống vũ khí phòng vệ được tháo dỡ và chuyển sang Afghanistan.

Khi được hỏi vì sao không có hành động kháng cự nào ở căn cứ Taji, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark A. Milley, thừa nhận: “Ở đó không có loại vũ khí nào đánh chặn được rocket cỡ đó”.

Theo các quan chức quân đội Mỹ tại Iraq, chiến thuật tấn công của các nhóm dân quân thân Iran thường giống nhau. Đó là điều khiển xe tải có lắp bệ pháo phản lực phóng loạt và đậu cố định trong bán kính một vài kilômet so với mục tiêu.

Những hệ thống này thường được lắp bộ hẹn giờ bắn khoảng 30 phút – vừa đủ để người trên xe tìm chỗ nấp hoặc rời khỏi hiện trường. Những vũ khí tầm ngắn, không điều khiển này có giá rẻ, được sản xuất hàng loạt và khác xa so với các tên lửa đạn đạo mà Iran đã sử dụng để trả thù cho cái chết của tướng Soleimani hồi tháng 1.

Điều trớ trêu là dường như Mỹ là “thầy” của chiến thuật này khi hướng dẫn cho các nhóm vũ trang chống Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980 nhưng giờ đây lại phải tìm cách đối phó với nó.

Trả thù cho tướng Soleimani?

Vụ nã rocket vào Taji diễn ra vào đúng ngày sinh nhật thứ 63 của ông Soleimani, một điều cho thấy các nhóm vũ trang Shiite ở Iraq vẫn đang tìm cách trả thù những gì người Mỹ đã làm.

DUY LINH
TTO