20/11/2024

Học ngành khoa học xã hội, ra trường làm việc gì?

Học ngành khoa học xã hội, ra trường làm việc gì?

Có rất nhiều thay đổi lớn về xu hướng ngành nghề, trong đào tạo và cơ hội nghề nghiệp của khối ngành khoa học xã hội và nhân văn. Việc tuyển sinh các ngành này cũng ngày càng ‘rộng cửa’.
Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn tại Báo Thanh Niên  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn tại Báo Thanh Niên  Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thông tin này được chuyên gia đến từ các trường ĐH chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Chọn ngành học tương lai khối ngành khoa học xã hội và nhân văn” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 12.3. Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Lĩnh vực làm việc rộng

Theo PGS-TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, trong xã hội càng hiện đại, vai trò của các ngành khoa học xã hội và nhân văn càng lớn.
Lý giải nhận định trên, PGS-TS Vũ Hữu Đức cho rằng trước đây để đuổi kịp các nước phát triển cần chạy theo công nghệ, sau đó là kinh tế và nay để cuộc sống hạnh phúc thì mục tiêu chính là ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ngành học này sẽ giúp triển khai công nghệ thành công, tạo lập ra những sản phẩm công nghệ đáp ứng phát triển xã hội tốt nhất. Đây còn là ngành giúp giải quyết các vấn đề bền vững, ví dụ pháp lý, xung đột văn hóa, giúp con người sống hạnh phúc hơn…
Thực tế cho thấy sinh viên tốt nghiệp các ngành này có thể tham gia vào nhiều vị trí công việc khác nhau.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Hoàng Thị Hường, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ: “Ví dụ ngành ngữ văn là ngành học để hiểu biết về cái đẹp, học làm người và có thể tham gia vào nhiều vị trí công việc khác nhau. Vấn đề là khi học mình có những định hướng cụ thể cho bản thân về nghề nghiệp sau này”.

Xu hướng đào tạo liên ngành

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đặc thù nghề nghiệp và yêu cầu việc làm với các ngành đào tạo này cũng có nhiều thay đổi theo thực tế.
Theo PGS-TS Vũ Hữu Đức, để có công việc tốt, sinh viên cần hiểu biết rộng rãi về nghề nghiệp, con đường ra trường và thăng tiến. “Hơn nữa, đừng sợ hãi về thị trường lao động. Không nên nhìn nghề nghiệp một cách cố định mà hãy nhìn ở sự phát triển. Ngay cả những ngành mà tên nghề nghiệp rất rõ như công tác xã hội nhưng sau 3 – 5 năm làm công việc này, người lao động có thể phát triển thành các doanh nghiệp xã hội làm công việc của người quản lý điều hành…”, ông Đức nói.
PGS-TS Vũ Hữu Đức cho rằng hiện nay xu hướng của các trường ĐH là đào tạo liên ngành, tiến tới xuyên ngành để trang bị cho người học tầm nhìn rộng. Xuyên ngành, liên ngành ở đây là tăng cường các môn bổ trợ bên cạnh kiến thức chuyên ngành. Sinh viên kinh tế sẽ được học thêm về công nghệ, xã hội. Ngược lại, sinh viên ngành khoa học xã hội phải học thêm về công nghệ, logic…

Tuyển sinh “rộng cửa” hơn

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, năm 2019 tổng chỉ tiêu các ngành thuộc khối này là 104.769, riêng chỉ tiêu cho phương thức THPT quốc gia trên 76.000. Năm 2019, đây cũng là khối ngành có tỷ lệ chọi cao nhất trong các khối ngành.
Theo thạc sĩ Tư, những năm trước đó mức độ hạn chế về tổ hợp xét tuyển dẫn đến những hạn chế trong lựa chọn ngành học của thí sinh. Nhưng các năm gần đây, sự giao thoa giữa các môn tự nhiên và xã hội trong tổ hợp xét tuyển đã tạo thêm lựa chọn cho người học trong tuyển sinh đầu vào các khối ngành này.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Hoàng Thị Hường cũng cho rằng việc tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học xã hội đang rất “rộng cửa”. Tiến sĩ Hường ví dụ tại Trường ĐH Duy Tân, các ngành khoa học xã hội có tổ hợp xét tuyển truyền thống thuộc khối C và D. Nhưng ở một số ngành vẫn xét cả thí sinh xét tuyển khối A như truyền thông đa phương tiện, ngành du lịch, quản trị khách sạn…
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, theo thạc sĩ Trương Quang Trị, thí sinh xét tuyển các ngành này của trường có thể chọn nhiều phương thức: Điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ, kỳ thi riêng do trường tổ chức, điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, tuyển thẳng học sinh giỏi và quốc tế. Trong đó, riêng xét tuyển học bạ, trường cũng có nhiều hình thức xét khác nhau như: điểm học bạ lớp 12 theo 3 môn tổ hợp xét tuyển; điểm trung bình lớp 12; điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12…
Còn thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đã có những điều chỉnh kịp thời về tuyển sinh tạo thêm điều kiện cho thí sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 năm nay. Cụ thể, trường chính thức nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 16.3 đến 15.5. Bên cạnh xét học bạ dựa vào điểm ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển lớp 12, trường này còn bổ sung thêm phương thức xét điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
“Ở phương thức xét tuyển học bạ, ngay từ 16.3 này, thí sinh đã tốt nghiệp các năm về trước hoặc thí sinh đang chờ tốt nghiệp trong năm nay vẫn có thể nộp phiếu đăng ký để trường lưu làm cơ sở ưu tiên khi xét tuyển sau này”, thạc sĩ Phương thông tin.
HÀ ÁNH
TNO