23/12/2024

Cách giải quyết các xung đột trong chọn ngành

Cách giải quyết các xung đột trong chọn ngành

Trong lúc cân nhắc chọn ngành, rất nhiều thí sinh rơi vào tình huống xung đột giữa sở thích với năng lực, mong muốn của bản thân với kỳ vọng của gia đình hoặc với nhu cầu thực tế. Làm cách nào để giải quyết xung đột này?
Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn chọn ngành học ở ĐH tại Báo Thanh Niên chiều 11.3  /// Đào Ngọc Thạch

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn chọn ngành học ở ĐH tại Báo Thanh Niên chiều 11.3  Đào Ngọc Thạch
Tại chương trình tư vấn chủ đề “Chọn ngành ĐH, yếu tố nào quan trọng nhất?”, được trực tuyến trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên chiều 11.3, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên bổ ích về vấn đề trên.

Năng lực hay đam mê quan trọng hơn ?

Là một chuyên gia thường xuyên giải đáp thắc mắc cho thí sinh về lựa chọn ngành nghề, thạc sĩ giáo dục học Chế Dạ Thảo (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nêu một thực tế: “Có rất nhiều mâu thuẫn diễn ra trong quá trình các em chọn ngành. Xung đột trong nội tại bản thân các em, giữa việc các em thích với khả năng của chính mình, giữa bản thân với những người xung quanh và những gì diễn ra trong cuộc sống thực tế. Trong nghề nghiệp, mỗi người thường bị thu hút bởi 3 – 5 ngành nghề khác nhau nhưng khả năng có đáp ứng được hay không còn liên quan đến tố chất, năng lực học tập, điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình. Ít bạn nào đặt câu hỏi mình làm được cái gì, năng lực mình ở nhóm ngành nào, công việc nào?”.
Thạc sĩ Thảo cho rằng đôi khi thí sinh chọn được ngành mình thích, mình có khả năng theo đuổi, nhưng lại xung đột với mong muốn của cha mẹ, hoặc nhu cầu nhân lực thực tế lại đang bão hòa ở ngành học đó…
Để giải quyết những xung đột này, thạc sĩ Thảo cho biết: “Các em phải lắng nghe và quan sát cuộc sống để biết đâu là ưu điểm của mình. Cần tập trung vào 3 yếu tố: hiểu mình, hiểu nghề, hiểu thị trường để tìm ra sự giao thoa giữa sở thích, năng lực của bản thân với các điều kiện khách quan xung quanh”.
Tuy nhiên, giữa sở thích – đam mê với năng lực, nhu cầu thị trường lao động, thì thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho rằng năng lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất để chọn ngành. “Phải có năng lực thì các bạn mới học tốt, làm tốt ngành nghề đó. Còn đam mê, đôi khi phải trải nghiệm mới có được. Khi có năng lực, bạn mới phát huy được điểm mạnh của mình cả trong quá trình học tập lẫn làm việc. Bạn sẽ tạo ra các giá trị hành nghề để doanh nghiệp cần bạn”.

Chọn ngành không nên “đóng khung”

Tham gia chương trình, bạn Lê Thúy đưa ra thắc mắc trên Facebook.com/thanhnien: “Em là một cô bé hòa đồng, thích chia sẻ và cho bạn bè lời khuyên. Các bạn nói em sau này nên làm tư vấn viên hoặc chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên em lại thích học kinh tế. Nếu sau một năm học thấy không phù hợp thì em có thể chuyển ngành khác hay không?”. Một bạn đọc khác cũng băn khoăn: “Nếu khả năng diễn đạt hạn chế thì em có thể học ngành tâm lý học và luật hay không? Cơ hội việc làm của 2 ngành này?”.
Thạc sĩ Chế Dạ Thảo đưa ra lời khuyên: “Khi chọn ngành, các em không nên “đóng khung” ý nghĩ rằng học ngành này ra thì chỉ làm được một công việc duy nhất. Ví dụ ngành luật có đến 27 đầu công việc khác nhau. Ngành tâm lý cũng vậy, có thể làm việc ở rất nhiều môi trường: giáo viên, tư vấn học đường, nghiên cứu tâm lý, công việc trị liệu, can thiệp hỗ trợ tâm lý tại các bệnh viện…”.
Từ đó, thạc sĩ Dạ Thảo cho rằng khi thấy mình có tố chất phù hợp với ngành tâm lý, nếu muốn học về kinh tế cũng hoàn toàn có thể được vì làm kinh tế cũng có những tố chất giao thoa, giúp cho công việc phát huy được hiệu quả.
Về vấn đề học xong năm nhất nếu không phù hợp có thể chuyển ngành hay không, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn nhận: “Chọn sai ngành rồi chọn lại rất mất thời gian và công sức. Tuy nhiên, nếu sinh viên gặp khó khăn, không phù hợp với ngành theo học thì trường vẫn tư vấn hỗ trợ, nhưng chỉ được giải quyết sau học kỳ 1 của năm. Các em phải đáp ứng được điều kiện là điểm trung bình tích lũy học kỳ 1 từ 2.0/4.0, ngành chuyển đến có mức điểm trúng tuyển bằng hoặc thấp hơn ngành đã học và có tổ hợp môn xét tuyển phù hợp”.
MỸ QUYÊN
TNO