24/11/2024

Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn, mặn

Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn, mặn

Ngành nông nghiệp của 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An đã và đang hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất…
Nông dân bất lực bên ruộng lúa khô cháy /// Bắc Bình

Nông dân bất lực bên ruộng lúa khô cháy  Bắc Bình
Hàng chục ngàn héc ta lúa chưa ngậm đòng đã chết khô, hơn 150.000 ha cây ăn trái, hoa màu… cũng đang xác xơ, héo rũ vì hạn hán và xâm nhập mặn. Trong khi đó, dòng nước đẩy mặn đã không về từ ngày 1 – 6.3 như dự báo, khiến cây trồng ở các tỉnh cuối nguồn ĐBSCL xem như… cạn phương cứu chữa.
Ngành nông nghiệp của 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An đã và đang hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất tại ĐBSCL trong đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2020. Dự báo đến cuối tháng 4 mới kết thúc đợt hạn hán, xâm nhập mặn này nhưng thiệt hại thực tế đối với ngành nông nghiệp đã nghiêm trọng hơn so với đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô năm 2016.

Bất lực nhìn lúa khô cháy

Cụ thể, vụ đông xuân năm nay tại 3 tỉnh trên có hơn 100.000 ha lúa đã được xuống giống, nhưng ngay trong dịp Tết Canh Tý 2020 đã có khoảng 50% diện tích lúa thiếu nước trầm trọng khi chưa ngậm đòng. Tình trạng thiếu nước kéo dài liên tục hơn tháng qua và ước đã có hơn 10.000 ha lúa đông xuân, chủ yếu ở Bến Tre, mất trắng. Còn tại Tiền Giang và Long An, mặc dù ngành nông nghiệp cho biết chưa có thống kê thiệt hại nhưng hầu hết nông dân ở vùng ngọt hóa Gò Công, Bảo Định (Tiền Giang) và Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Bến Lức, TP.Tân An (Long An) nói họ không còn một tia hy vọng nào đối với cánh đồng lúa đông xuân của mình. “Ruộng giờ khô cứng đi không lún thì lúa nào mà sống nổi? 7 công lúa mà gia đình tôi thuê đất của người ta làm đã bị chết sạch. Lúa chết nhanh đến nỗi không cắt kịp cho bò ăn nữa”, bà Phan Thị Hiền (50 tuổi, ngụ xã Bình Thanh, H.Giồng Trôm, Bến Tre) than thở.
Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn, mặn1

Vặt bỏ trái non để cứu thanh long

Ngoài lúa, khoảng 150.000 ha cây ăn trái ở 3 tỉnh này cũng đang trong cơn khát nước ngọt và “hấp hối” từ hơn tháng qua. “Cây ăn trái và thanh long nếu tưới nước có độ mặn từ 0,7%o trở lên sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khó có khả năng phục hồi như cũ. Trong trường hợp không có nước tưới, bà con chỉ nên vặt bỏ trái để dành dinh dưỡng cho cây chứ nhất định không được tưới nước mặn”, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, khuyến cáo.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, các loại cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long ruột đỏ… đều không thể sinh trưởng được nếu bị tưới nước có độ mặn trên 0,5 %o. Trong khi đó, từ hơn nửa tháng qua, lượng nước ngọt phù hợp để tưới cho cây đã cạn kiệt, không thể tìm ra được nguồn nước thay thế.

Đến lúc này, thật lòng là tỉnh vẫn chưa thể khẳng định được giải pháp nào hiệu quả giúp người dân giảm bớt thiệt hại mùa màng… Câu chuyện thiệt hại chỉ có thể dừng lại nếu nước ngọt xuất hiện mà thôi

Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre

Sự khắc nghiệt vượt tầm dự báo

“Vùng ngọt hóa Gò Công, Bảo Định đã thiếu nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng cả tháng qua và UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban bố tình trạng nguy hiểm khẩn cấp, nhưng tỉnh nỗ lực lắm cũng chỉ kéo nước ngọt từ hệ thống Nhà máy BOO Đồng Tâm chia sẻ về đấu nối với hệ thống nước máy tại 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Tây để giải quyết bài toán nước ngọt sinh hoạt cho dân mà thôi. Riêng về nước ngọt để “giải cứu” cho vườn cây ăn trái và các cánh đồng lúa đang sắp chết khô thì chịu”, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, chia sẻ.
Lúa cháy khô, cây trái héo rũ vì hạn, mặn2

Nhiều loại cây ăn trái đặc sản ở Bến Tre, Tiền Giang người trồng phải vặt bỏ trái non để hy vọng cứu sống cây qua cơn hạn mặn

Theo ông Pháp, sau khi nhận được dự báo của Bộ NN-PTNT rằng sẽ có nước ngọt xuất hiện trên sông trong thời gian từ 1 – 6.3 này, địa phương đã khẩn trương triển khai chuẩn bị lấy nước vào kênh nội đồng, cũng như phát động người dân sẵn sàng trữ nước. Thế nhưng, đến hết ngày 4.3 vẫn chưa thấy xuất hiện nguồn nước ngọt nào tại các sông rạch trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát hiện bất cứ luồng nước ngọt nào như dự báo. Hiện nay, Bến Tre thậm chí còn không thể giải quyết được bài toán nước ngọt sinh hoạt cho người dân tại TP.Bến Tre vì hệ thống nước máy trên địa bàn đã bị nhiễm mặn đến hơn 5%o.
“Dù cường độ mặn, diễn biến không phức tạp như năm nay nhưng đợt xâm nhập mặn mùa khô 2016 tỉnh Bến Tre đã bị thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến lúc này, thật lòng là tỉnh vẫn chưa thể khẳng định được giải pháp nào hiệu quả giúp người dân giảm bớt thiệt hại mùa màng… Câu chuyện thiệt hại chỉ có thể dừng lại nếu nước ngọt xuất hiện mà thôi”, ông Lâm nói.
Trong khi đó, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch phòng chống xâm nhặp mặn mùa khô năm 2020 và đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm, chủ động trong thực hiện liên tục cả giải pháp công trình và phi công trình. Tuy vậy, tình hình xâm nhập mặn năm nay có cường độ mạnh chưa từng thấy nên thiệt hại là khó tránh khỏi. Ngoài nỗ lực thực hiện các giải pháp khả thi nhất, tỉnh cũng đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính quan tâm hỗ trợ khẩn cấp kinh phí 171,35 tỉ đồng để chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn hiệu quả hơn và mang tính bền vững trong những năm tiếp theo”.
Bơm nước nhiễm phèn, mặn để… cứu lúa !
Bơm nước nhiễm phèn, mặn để... cứu lúa !

Ảnh: Trần Thanh Phong

Trong mấy ngày qua, tình trạng nắng hạn, nhiễm mặn ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đang trở nên khốc liệt khiến nhiều nông dân phải “làm liều”, bơm nước nhiễm phèn, mặn để… cứu lúa.
Ông Sơn Thal (79 tuổi, ấp Tân Lập, xã Tân Hưng, H.Long Phú), cho biết gia đình ông có 14 công lúa chuẩn bị trổ đòng nhưng mặt ruộng đã khô cạn, nứt nẻ, trong khi nước trên tuyến kênh nội đồng đã cạn kiệt, lại bị nhiễm phèn, mặn nặng nề. Nhìn trà lúa còn tươi tốt, chuẩn bị trổ bông ông không nỡ để chúng chết khát nên “liều mạng” dùng máy bơm vét nguồn nước còn đọng lại dưới dòng kênh, với hy vọng vớt vát được bông nào hay bông đó, còn hơn là để chúng chết khô, mất trắng.
Theo ông Thal, không chỉ gia đình ông mà hơn chục hộ dân ở xóm này cũng đang “tích cực” bơm nước đã nhiễm phèn, mặn vào đồng ruộng để cứu lúa (ảnh). Mặc dù trà lúa hiện đang còn xanh tươi, nhưng theo bà con dự báo với đà nắng hạn khốc liệt như hiện nay thì khả năng cũng không thu hoạch được gì, bởi mặt ruộng khô nứt nẻ, lại nhiễm mặn nên lúa trổ bông sẽ bị lép, không đủ no cho hạt gạo.
Trần Thanh Phong
TNO