‘Sống sót’ và vượt lên corona
‘Sống sót’ và vượt lên corona
COVID-19 là một phép thử, đem lại nhiều rủi ro cho kinh doanh. Nó đồng thời cũng đem lại cơ hội cho Chính phủ thể hiện năng lực làm chính sách trước thực tế có nhiều việc cần làm.
Thời gian dịch SARS bùng nổ giai đoạn 2002-2003 là thời kỳ đen tối của Hàn Quốc, vì không chỉ bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch mà còn bị tác động do chiến tranh Iraq. Đồng thời thị trường tài chính gặp bất ổn, vỡ nợ tín dụng diễn ra. Nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn đã trụ lại, vượt qua khủng hoảng.
Cơ hội từ nỗ lực vượt khó
Chẳng hạn khi ấy ở Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư vẫn còn nghi ngại liệu Samsung có cạnh tranh được Nhật Bản trong ngành điện tử. Lúc Hàn Quốc sản xuất ôtô, không ít quan điểm cho rằng sẽ không phát triển được vì người Hàn có tâm lý chuộng hàng ngoại. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã không nghĩ theo đám đông.
Và đặc biệt nhiều tập đoàn lớn, nhỏ lúc ấy đã năng động tận dụng những cơ hội để “sống sót” và vượt lên, xây dựng lại kế hoạch, tái cấu trúc công ty để khi dịch bệnh và tình hình không tốt qua đi họ có những phương án mới, bước chuẩn bị mới.
Thực ra từ cuối năm 2019, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra, vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã yếu dần. Các nhà đầu tư chọn Trung Quốc làm nơi sản xuất, đầu tư đã cân nhắc thêm những quốc gia khác an toàn hơn.
Trung Quốc đang là công xưởng của thế giới. Trước khi dịch bùng phát, lãnh đạo doanh nghiệp có thể còn phân vân nhưng khi dịch xảy ra, họ sẽ phải hướng đến việc phân bố tài sản hợp lý, giảm thiểu rủi ro khi có chiến tranh, dịch bệnh. Nên sắp tới sẽ có việc di chuyển nguồn đầu tư, di chuyển tài sản sang quốc gia mới có nền đầu tư an toàn hơn như Việt Nam hay Indonesia.
Với quan điểm đầu tư dài hạn, thời điểm hiện nay tôi vẫn nghĩ đây là cơ hội để hoán đổi danh mục đầu tư ở Việt Nam. Đây cũng chính là thời điểm các nhà đầu tư thấy được đâu là những công ty tốt. Chẳng hạn dịp này chúng ta đánh giá được chất lượng của hãng hàng không nào tốt nhất vượt qua được dịch bệnh.
Về phía doanh nghiệp, dịp này là cơ hội rà soát lại hệ thống vận hành để đưa ra những cải tiến, hoàn thiện dịch vụ. COVID-19 cũng là phép thử cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để từ đó vươn lên quy mô lớn hơn, có quan điểm dài hạn hơn.
Về chính sách, các tập đoàn nước ngoài đang cân nhắc nhiều hơn về vấn đề quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuyển chuỗi cung ứng, nhà máy đến Việt Nam. Đây là động lực để Việt Nam đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chính sách.
Chính phủ cần linh hoạt
Hậu quả của dịch COVID-19 là nặng nề. Đầu tiên là cú sốc đối với chuỗi cung ứng, tiếp theo là làm suy giảm tổng cầu, ngưng trệ các hoạt động kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ cần linh hoạt với 2 công cụ cốt lõi là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó có việc giảm thuế thu nhập cá nhân, nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện tại, trạng thái thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn (dòng tiền hoạt động) với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là rất rõ. Do đó, Ngân hàng Nhà nước bên cạnh giải pháp hỗ trợ thanh khoản đi kèm giãn nợ và giảm lãi suất cần tính đến việc hỗ trợ tín dụng cho nhóm ngành sản xuất để nối lại vận hành, bù đắp nguồn cung nguyên vật liệu và thiết bị bị hụt từ đầu Trung Quốc.
Riêng nhóm ngành thiệt hại nặng nhất là hàng không và du lịch phải có giải pháp đồng bộ từ Chính phủ tới bộ, ban ngành để thu hút lại du khách từ các khu vực khác trên thế giới. Có thể áp dụng mô hình của Thái Lan từng tung ra các combo (gói) kích cầu du lịch sau đợt thảm họa sóng thần. Hay mới đây nhất, để hỗ trợ ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi corona, Chính phủ Thái Lan đã quyết định giảm thuế nhiên liệu bay, giảm phí và một loạt biện pháp hỗ trợ khác.
Ngoài ra, đây cũng là thời cơ thuận lợi để kích hoạt chính sách tăng đầu tư hạ tầng nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc dưới tác động của chiến tranh thương mại và dịch bệnh lần này. Các hoạt động kép và linh hoạt này sẽ nhanh chóng tạo ra sự phục hồi cho sản xuất và tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Lo lắng nhưng không bi quan
Tôi hoạt động tại thị trường Việt Nam từ năm 2007. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, thị trường từng chạm đỉnh 1.000 điểm. Kể cả khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung xảy ra cũng tiếp tục xoay quanh mức 950-1.000 điểm. Thời gian này thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục rớt điểm, việc VN-Index xuyên qua đáy 900 điểm khiến không ít nhà đầu tư thêm lo lắng.
Việt Nam đang có chính sách phòng chống dịch rất tốt, kiểm soát được số người nhiễm bệnh, không có người tử vong. Đấy là một tín hiệu tốt và cũng chính là điểm tựa tâm lý cho đại đa số nhà đầu tư trong nước. Nếu so sánh với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới thì thị trường Việt Nam vẫn là nơi đầu tư an toàn, chưa bị ảnh hưởng nặng nề bằng các thị trường khác.