23/11/2024

Ý thành ‘ổ dịch’ châu Âu với ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, Hàn Quốc ‘vỡ trận’

Ý thành ‘ổ dịch’ châu Âu với ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, Hàn Quốc ‘vỡ trận’

Số người mắc COVID-19 ở Ý tính đến sáng 29-2 đã tăng vọt lên 888 người nhiễm, 21 người chết. Trong khi chỉ một tuần trước đó, vào ngày 21-2, Ý mới có 3 người nhiễm SARS-CoV-2.

Ý thành ổ dịch châu Âu với ca nhiễm COVID-19 tăng vọt, Hàn Quốc vỡ trận - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế tại sân bay Milan ở Ý kiểm tra thân nhiệt hành khách – Ảnh: Euobserver

Theo báo Euobserver, cho tới nay dịch COVID-19 đã lây lan tới hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới. Theo Hãng tin AFP, có khoảng 20 quốc gia ở châu Âu có người nhiễm. Số ca nhiễm ở Pháp cũng tăng gấp đôi trong 24 giờ qua, từ 18 ca tăng lên 38 ca.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nước ông phải chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trong khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho rằng quốc gia này cũng đang đối mặt với dịch bệnh.

Ý thành ổ dịch ở châu Âu

Mặc dù hiện tại dịch vẫn tập trung tại hai điểm nóng là Lombardy và Veneto ở miền bắc nước Ý, nhưng một số ca nhiễm đã xuất hiện ở miền nam nước này. Hơn 12 thành phố tại các vùng Lombardy và Veneto đã bị phong tỏa, khoảng 50.000 người dân không được phép đi khỏi địa phương. Nhưng bất chấp thực tế, SARS-CoV-2 vẫn đã lây lan tới 7 khu vực khác, trong đó có Sicily.

Giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon, khuyến cáo về khả năng “gần như chắc chắn sẽ xảy ra tình huống tương tự tại các nước khác ở châu Âu. Chúng ta cần chuẩn bị ứng phó với những tình huống khác, như các ổ dịch lớn hơn tại Ý hay châu Âu”.

Đồng quan điểm này, trong cuộc họp khẩn bàn giải pháp ứng phó khủng hoảng dịch bệnh với các đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) tại Rome, ông Roberto Speranza – bộ trưởng Y tế Ý, nhấn mạnh “virus không biết tới những biên giới, chúng sẽ không dừng lại ở những nơi đó”.

Ông Roberto kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế với Ý trong chiến dịch ngăn chặn ổ dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay tại châu Âu.

Một phái đoàn chuyên gia phối hợp giữa ECDC và WHO tại Ý đã bắt tay đánh giá tình hình dịch COVID-19, mặc dù chưa biết nó còn tiếp tục đến khi nào. Việc này nhằm tìm hiểu rõ hơn cơ chế phát triển của dịch bệnh và hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát, phòng chống dịch của Ý.

Ngoài ra, phái đoàn công tác cũng thu thập thêm các dữ liệu liên quan tới mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như các thông tin liên quan tới những bối cảnh cho thấy virus corona chủng mới đang lây lan dễ dàng và nhanh chóng hơn.

“Công tác điều phối, phối hợp giữa các lĩnh vực trong nước Ý với các nước khác trong EU sẽ là vấn đề chủ chốt” – bà Ammon chia sẻ.

Thử thách với hệ thống y tế EU

Giám đốc văn phòng WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge, khuyến cáo châu lục này phải “được chuẩn bị” để ứng phó với dịch COVID-19.

Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét, đánh giá lại những kế hoạch ứng phó trong tình thế sẽ xảy ra đại dịch của mỗi nước. Sau đó báo cáo lại cho Brussels về năng lực y tế của họ, trong đó bao gồm cả năng lực chẩn đoán và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với virus corona chủng mới.

“Dịch bệnh này là cuộc thử nghiệm với các cơ chế phản ứng khẩn cấp toàn cầu đã có, cũng như thử nghiệm các khả năng phối hợp của chúng ta trong nội bộ EU” – bà Stella Kyriakides, ủy viên châu Âu phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm, nói.

“Tại EU, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn ngăn chặn, nhưng căn cứ vào thực tế tình hình có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào, hệ thống y tế công tại EU cần phải sẵn sàng xử lý được số ca nhiễm virus corona chủng mới gia tăng” – bà Stella Kyriakides nói tiếp.

Cũng theo bà Stella Kyriakides, một điều cốt lõi để giúp EU có thể phản ứng với dịch bệnh hiệu quả và thống nhất chính là cần đảm bảo việc trao đổi thông tin theo thời gian thực, có những biện pháp phối hợp giữa các nước thành viên.

Theo ECDC, về đại thể, mức độ sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 tại EU vẫn đang ổn và nguy cơ lây nhiễm còn đang ở mức thấp cho tới trung bình.

Trong khi đó, một số người dân nghi ngại trước việc các nước thành viên EU không đóng cửa biên giới, khi tại Hàn Quốc đang dấy lên làn sóng đòi luận tội tổng thống Hàn Quốc do không sớm cấm người Trung Quốc nhập cảnh trong những ngày Hồ Bắc bùng dịch.

Những nước ở châu Âu đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 gồm: Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Áo, Croatia, Hi Lạp, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, Gruzia, Bắc Macedonia, Na Uy, Romania, Thụy Sĩ. Ngoài ra, vừa có thêm trường hợp nhiễm COVID-19 mới ở Hà Lan.

Hàn Quốc “vỡ trận”

han quoc

Các nhân viên y tế chuẩn bị làm việc tại một cơ sở xét nghiệm COVID-19 ở Daegu (Hàn Quốc) ngày 28-2 – Ảnh: Yonhap

Trong vòng 10 ngày, số người nhiễm virus corona chủng mới tại Hàn Quốc đã tăng như vũ bão. Ngày 18-2 chỉ có 31 người nhiễm, đến ngày 28-2 đã tăng thành 2.337 người nhiễm.

Cách xử lý cuộc khủng hoảng sai lầm?

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) mới đây đưa tin Hàn Quốc đã xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở nước này là một phụ nữ Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán – nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh do virus corona chủng mới. Ca nhiễm đầu tiên này được ghi nhận vào ngày 20-1.

Tổng thống Moon Jae In đang nhận hậu quả vì dự báo sai về dịch bệnh, mỗi ngày trôi qua đối với ông là một quả núi đè lên khi số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt, chỉ riêng ngày 27-2 là 505 ca mới và ngày 28-2 lại có 571 ca mới.

Chính giới Hàn Quốc không tiếc lời chỉ trích ông Moon vì cách xử lý cuộc khủng hoảng sai lầm, cụ thể là chậm trễ trong việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc, không cung cấp đủ khẩu trang phòng bệnh cho người dân. Không kể áp lực từ phe đối lập, hơn 1 triệu người đã ký tên vào bản kiến nghị trên mạng yêu cầu luận tội nhà lãnh đạo Hàn Quốc.

“Bắt muỗi mà không đóng cửa”

Nhà phân tích Choe Sang Hun của báo New York Times nhận xét mọi phương án đều phức tạp đối với Hàn Quốc khi SARS-CoV-2 bùng lên từ Trung Quốc.

Cũng vì thế mà chính phủ của Tổng thống Moon Jae In đã do dự trước quyết định cấm người dân Trung Quốc đại lục nhập cảnh, thậm chí sau khi 40 quốc gia (trong đó có Mỹ, Triều Tiên) đã làm, Hàn Quốc chỉ cấm mỗi dân Trung Quốc đến từ tâm dịch Hồ Bắc.

Giới chỉ trích cho rằng chính thái độ thiếu dứt khoát đó đã khiến virus dễ lây lan bám rễ ở Hàn Quốc, phá hoại thêm cơ hội phục hồi kinh tế vốn đã ảm đạm.

Trong bài xã luận đăng mới đây, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc thậm chí nói thẳng rằng: “Chống dịch mà không cấm người Trung Quốc nhập cảnh chẳng khác nào bắt muỗi trong lúc cửa sổ còn mở”. (P.LONG)

TTO