01/11/2024

Từ SARS đến COVID-19, bài học chống dịch đáng suy ngẫm của Singapore

Từ SARS đến COVID-19, bài học chống dịch đáng suy ngẫm của Singapore

Khi Hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) lan đến Singapore vào năm 2003, các chuyên gia y tế chưa sẵn sàng nên rất lúng túng trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm.
Nhân viên một tòa nhà ở Singapore kiểm tra thân nhiệt người ra vào /// AFP

Nhân viên một tòa nhà ở Singapore kiểm tra thân nhiệt người ra vào   AFP
Rút kinh nghiệm từ việc đương đầu với dịch SARS, sau đó đảo quốc này đã có hệ thống chống dịch rất tốt và tỏ ra hiệu quả trước dịch COVID-19, theo South China Morning Post.
Chuyên gia kinh tế học sức khỏe Phua Kai Hong cho biết đã có nhiều thay đổi về các lĩnh vực ưu tiên trong hệ thống y tế tại Singapore trong 2 thập niên trước khi dịch SARS bùng phát. Điều này giải thích vì sao giới chuyên gia y tế không ở tư thế sẵn sàng đối phó với SARS.
“Tại các trường y tế công, chúng ta nhận thấy xu hướng sụt giảm đào tạo, nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm. Phần lớn bác sĩ và chuyên gia khi đó chuyển sang các bệnh mãn tính và bệnh do tuổi tác”, theo ông Phua, phó giáo sư từng giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, dịch SARS bùng phát khiến 230 người tại Singapore bị nhiễm và 33 bệnh nhân tử vong trong vòng 3 tháng.

Lời cảnh tỉnh

Kể từ đó, quốc gia này chú trọng hơn đến việc chủ động đối phó bệnh truyền nhiễm và hiệu quả thấy rõ khi xảy ra dịch COVID-19. Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây khen ngợi nỗ lực của Singapore trong việc đối phó virus Corona chủng mới gây dịch bệnh này.
Theo tờ Today, Bộ Y tế Singapore ghi nhận 90 trường hợp lây nhiễm, trong đó có 53 người đã xuất viện. Trong thông điệp hôm 8.2, Thủ tướng Lý Hiển Long cho hay rằng chính dịch SARS đã giúp quốc gia này “chuẩn bị tốt hơn nhiều” khi đối phó với virus Corona chủng mới.
“Chúng tôi đã mở rộng và nâng cấp các cơ sở y tế. Chúng tôi có năng lực nghiên cứu tiên tiến hơn để nghiên cứu virus. Chúng tôi có các bác sĩ, y tá được huấn luyện tốt hơn để đối phó với tình hình này”, ông nêu rõ.

Theo chuyên gia Lisa Ng thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star) thuộc mạng lưới Miễn dịch học Singapore, SARS là “lời cảnh tỉnh” đối với đảo quốc vì “bệnh dịch không có biên giới”, trong khi Singapore dễ bị lây nhiễm vì chủ trương mở cửa và kết nối với thế giới.

Tuy nhiên, từ đó các cơ quan chính phủ rút ra bài học là cần duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa giới khoa học và lĩnh vực y tế công cộng để đối phó với dịch bệnh, bà chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, sự phối hợp đã tỏ ra hiệu quả và càng được củng cố qua các đợt đối phó với dịch sốt Chikungunya vào năm 2008 và virus Zika vào năm 2016.

Kế hoạch hành động

Bên cạnh đó, bà Ng cho rằng những dịch bệnh trước đây đã làm thay đổi tư duy của giới khoa học. Trước đây, mục tiêu của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là có nghiên cứu đăng trên các chuyên san. Nhưng các dịch bệnh khiến họ muốn chuyên môn của mình có hiệu quả thực tế hơn.
Chuyên gia Sebastian Maurer-Stroh tại A*Star cho rằng chiến lược của Singapore đã thay đổi. “Các kế hoạch sẵn sàng được chuẩn bị từ dịch SARS vào năm 2003 được đưa ra khỏi những ngăn tủ và biến thành hành động. Từ đó, các kế hoạch được điều chỉnh để thích nghi hơn. Mọi thứ được sẵn sàng để đối phó với các virus mới”, ông cho biết.
Từ SARS đến COVID-19, bài học chống dịch đáng suy ngẫm của Singapore - ảnh 1

Phun khử trùng cống rãnh và vườn tược tại Singapore vào năm 2016   Ảnh chụp màn hình SCMP

Chuyên gia này còn nhận định một bài học khác là cách các cơ quan ở Singapore phối hợp đối phó dịch bệnh.

“Các cơ quan phối hợp rất tốt vì những mảng nhỏ tạo nên bức tranh lớn cần thiết để từ đó giúp đối phó sự phức tạp của dịch bệnh”, theo ông Maurer-Stroh.
Chuyên gia kinh tế học sức khỏe Phua thì cho rằng cách Singapore đối phó với SARS cũng như đối phó chiến tranh. Khi đó, Bộ Nội vụ thành lập một ủy ban liên bộ nhằm đưa ra các định hướng chiến lược và thành lập một lực lượng chuyên trách.
“Các bạn cần cách tiếp cận toàn chính phủ với tất cả các bộ ngành tham gia. Khi xảy ra chiến tranh hay dịch bệnh thì đó là cách đối phó rất tốt”, ông nhận định.

Theo dõi, phát hiện

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Singapore có khả năng phát hiện các ca nhiễm bệnh tốt hơn gấp 3 lần so với nhiều nước khác, nhờ năng lực giám sát dịch bệnh và truy tìm những người có tiếp xúc.
Khả năng truy tìm những người tiếp xúc với bệnh nhân cũng được phát triển nhờ đối phó với dịch SARS, bắt đầu tại bệnh viện và bệnh nhân chia sẻ chi tiết các hoạt động của họ và những người đã tiếp xúc trong vòng 2 tuần.
Từ SARS đến COVID-19, bài học chống dịch đáng suy ngẫm của Singapore - ảnh 2

Nhân viên một cửa hàng ờ Singapore đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19   Ảnh: Reuters

Một nhóm chuyên trách sau đó sẽ gọi để xác nhận những người “tiếp xúc” gần với bệnh nhân nhiễm virus Corona, gồm những người từng ở gần bệnh nhân trong phạm vi 2m trong thời gian 30 phút trở lên.

Trong một số trường hợp, các hãng hàng không phải cung cấp chi tiết về hành khách và các camera an ninh trên cả nước được tận dụng để theo dõi tiền sử di chuyển của bệnh nhân.
Điều này cho phép Singapore khoanh vùng những người có khả năng bị lây nhiễm để cơ quan chức năng kiểm tra và cách ly những trường hợp cần thiết.
Phối hợp trên “mặt trận” nghiên cứu
Theo South China Morning Post, Singapore đã đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ năm 2003, chẳng hạn như các lĩnh vực hệ gien học, sinh học phân tử, phân tích dữ liệu, thông tin sinh học. Các viện chuyên ngành liên tiếp được thành lập sau dịch SARS, trong đó có Trung tâm Bệnh truyền nhiễm quốc gia và Trường Y khoa Duke-NUS. Quan trọng là nhiều chuyên gia ở Singapore trở nên nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, trong đó có giám đốc Chương trình Bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Đại học Quốc gia Singapore Wang Linfa thuộc nhóm chuyên gia đang nghiên cứu vắc xin và thuốc đặc trị COVID-19.
KHÁNH AN
TNO