Cơ khí èo uột, nông nghiệp khó cơ giới hoá
Cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng cơ khí nông nghiệp.
Quan điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhất thiết phải gắn liền với đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất cũng là vấn đề được nhiều đại biểu phản ánh, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Theo Bộ NN-PTNT, cơ giới hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi, tỷ lệ khâu làm đất nông nghiệp đạt 94%; khâu gieo, trồng đạt 42%; khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65% và đây là tiền đề quan trọng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Nhưng theo Bộ Công thương, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp Việt Nam chỉ đạt 1,4 mã lực (HP) canh tác, thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan là 4 HP/ha; Trung Quốc 8 HP/ha; Hàn Quốc 10 HP/ha. Việt Nam đang phải nhập khẩu 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, phần lớn từ Trung Quốc chiếm 60%, còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dẫn chứng về hiệu quả đầu tư cơ giới hóa, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, cho rằng chỉ riêng ngành lúa gạo đầu tư máy móc vào thu hoạch, lưu kho đã giúp tổn thất sau thu hoạch trước đây từ 20% đến nay giảm xuống chỉ còn 10%, tương đương khối lượng 1,5 triệu tấn lúa và giá trị đạt khoảng 6.000 tỉ đồng.
Cũng theo ông Hòa, cơ khí dành cho nông nghiệp ở Việt Nam đang ở trong tình trạng èo uột, khi một loạt nhà máy chuyên về cơ khí nông nghiệp trước đây sau khi chuyển đổi cơ chế thì gần như không còn đầu tư vào mảng cơ khí nông nghiệp. Thời gian gần đây có THACO đầu tư sản xuất máy kéo, máy cày. Thị phần máy móc, thiết bị nông nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ chiếm chưa đến 30%, không có các doanh nghiệp phụ trợ.
Ông Hòa cho rằng, trong 10 năm qua ngân hàng đã giải ngân 11.000 tỉ đồng và hỗ trợ 1.000 tỉ đồng lãi suất khuyến khích đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp; nhưng chỉ tính riêng về giá trị làm lợi khi đầu tư ở ngành lúa gạo thì số tiền giải ngân, hỗ trợ này chưa tương xứng.
“Cơ chế vay vốn, hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa cần mạnh mẽ, với nguồn lực lớn hơn và đối tượng nên mở rộng đến doanh nghiệp đang có liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp để cơ giới hóa nhanh hơn, để sớm xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn”, ông Hòa kiến nghị.
Ông Đinh Quang Khuê, Chủ tịch HĐQT DOVECO, cho rằng ở góc độ các công trình nghiên cứu lớn, nghiên cứu cơ bản nguồn lực có thể đầu tư mạnh hơn cho các viện, các trường học.
Còn đầu tư công nghệ ứng dụng trong cơ giới hóa, tự động hóa thì ưu tiên các doanh nghiệp lớn có sẵn tiềm lực như THACO, VINFAST hoàn toàn đủ khả năng nghiên cứu, sản xuất nhiều loại thiết bị, máy móc phục vụ ngành nông.
“Nhiều loại máy móc, công nghệ chế biến đặt mua ở Đức, Ý khi có trục trặc gì, chúng tôi phải sang tận nơi đặt hàng, rất tốn kém và mất thời gian. Khi các doanh nghiệp trong nước làm được, chúng tôi sẵn sàng mua, đặt hàng sản xuất, khi hỏng hóc, thay thế phụ tùng linh kiện sẽ thuận tiện hơn, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Khuê lý giải về đề xuất tại hội nghị.
HOÀNG PHAN
TNO