Hỗ trợ doanh nghiệp vượt ‘bão Covid-19’
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt ‘bão Covid-19’
Gia hạn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản… kết hợp cùng việc miễn, giãn, giảm thuế cần được triển khai nhanh, mạnh và kịp thời hơn nữa để các doanh nghiệp sớm vượt qua “cơn bão” dịch Covid-19.
Giảm lợi nhuận, hạ lãi suất, giãn nợ
Trao đổi với Thanh Niên chiều 19.2, lãnh đạo một loạt ngân hàng (NH) cho biết, ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà băng đã lập tức nhập cuộc. VietinBank lập ngay Ban Chỉ đạo do Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ đứng đầu, yêu cầu toàn bộ chi nhánh rà soát, báo cáo về hội sở về thiệt hại của khách hàng. Đặc biệt, tập trung vào các doanh nghiệp (DN) như du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, xuất khẩu nông, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng.
|
Theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, ngay sau khi nhận được báo cáo, NH đã lập tức hạ lãi suất cho các DN gặp khó khăn trực tiếp, đang gián đoạn hoạt động kinh doanh với phía Trung Quốc. DN nào còn xoay xở được đơn hàng mới thay thế ngay hoặc cần tham gia xúc tiến mở thị trường thì các chi nhánh VietinBank sẵn sàng đáp ứng vốn cho họ, không để đình trệ. DN nào vay vốn rồi mà gặp khó khăn tiêu thụ, như nhập khẩu nhiên liệu, mua hàng hóa bị kéo dài thời gian do phía Trung Quốc đóng cửa thì phải giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn.
Tại Vietcombank, tính đến ngày 19.2 đã có hàng ngàn khách hàng được hạ lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Vietcombank quyết định, tất cả DN hiện hữu đang kinh doanh thuộc lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là các khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may… từ Trung Quốc được giảm 1%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 1,5%/năm cho khoản vay trung dài hạn bằng VND. Với các khoản vay USD, lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được giảm 0,5%/năm, còn khoản vay trung và dài hạn giảm 0,75%/năm. Ngoài ra, với các khoản vay mới, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm bằng VND và 0,5%/năm bằng USD.
Ở khối NH cổ phần, VPBank đánh giá trước mắt có 1.000 DN bị thiệt hại lớn do dịch bệnh, chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản… Từ đó, nhà băng này quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. KienLongBank thậm chí giảm lãi suất cho vay xuống chỉ còn 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối… cho đến hết ngày 30.4.
Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng trả nợ, lãi vay cho DN, các NH cũng đang băn khoăn do chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể về cơ chế gia hạn, cơ cấu, giãn nợ. “Thiệt hại bất ngờ, khách quan như dịch bệnh Covid-19 cần có cơ chế đặc thù. Khi giãn nợ, khoanh nợ thì các khoản nợ này có được giữ nguyên nhóm nợ như trước không hay phải chuyển nhóm nợ? Vì nếu chuyển sẽ thành nợ xấu. Ngoài ra, đối với các DN đã được gia hạn, điều chỉnh 1 lần rồi giờ có được điều chỉnh tiếp không, thời gian khi nào và trong bao lâu”, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), kiến nghị.
Lãnh đạo một nhà băng khác cũng đề xuất, NHNN xem xét, nếu có thể được cho vay tái cấp vốn cho các NH thương mại với lãi suất ưu đãi để đồng hành cùng các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngoài ra, nghiên cứu gói hỗ trợ quy mô vài chục nghìn tỉ đồng để hỗ trợ. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, chiều 19.2 cho biết NHNN sẽ sớm ban hành văn bản, có thể dưới dạng thông tư để hướng dẫn cụ thể. Còn tinh thần chung là những khoản vay đối với các khách hàng khó khăn vì dịch khi điều chỉnh kỳ hạn, giãn nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ. NH không cần phải quá lo lắng về việc nhảy nhóm nợ hay nợ xấu.
Không phạt chậm nộp, giảm thuế
Theo một lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng các giải pháp về chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong đó, tập trung việc giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng người dân, DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Các giải pháp trên sẽ được báo cáo Chính phủ trước ngày 15.3.
Cụ thể, Bộ Tài chính định hướng chính sách thuế hỗ trợ, đặc biệt ở các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn như logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Tính toán việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát. Ngoài ra, cũng có thể giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các DN logistics, DN bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.
Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị
Trước đó và hiện tại, các DN và hiệp hội đều có kiến nghị hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Cụ thể, Hiệp hội DN TP.HCM vừa có báo cáo tình hình các DN trên địa bàn TP ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, hầu hết DN ở các ngành đều bị giảm sút doanh thu. Rõ nét nhất là dệt may, hàng không, du lịch lữ hành, lưu trú, giao dịch NH, kinh doanh ăn uống, nông nghiệp… Những DN nhỏ và vừa sau dịch bệnh sẽ khó khôi phục hoạt động sản xuất bình thường như trước. Đặc biệt với các DN có quy mô nhỏ và vừa, vốn đã yếu về sức cạnh tranh trên thị trường, gặp thời điểm bệnh dịch không kịp trở tay, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp dẫn đến nhiều DN thua lỗ sẽ phải ngưng hoạt động. Do đó, hiệp hội kiến nghị TP.HCM áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay NH, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung ngành nghề vào chương trình kích cầu… để hỗ trợ DN.
Trước đó vào ngày 12.2, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cũng gửi công văn đến các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đề xuất hỗ trợ DN ngành nhựa trong thời điểm Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. VPA cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 sản phẩm nhựa của Việt Nam, với kim ngạch đạt 148,7 triệu USD, chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa. Nếu tình hình kéo dài đến hết quý 1/2020 thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng xuất khẩu của DN. Đồng thời ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, chi phí DN phải gánh chịu trong thời gian không có đơn hàng. “Hiệp hội đề nghị các bộ đề xuất Chính phủ, NHNN xem xét cơ chế hỗ trợ DN trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế…”, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA nêu ý kiến.
Cũng rơi vào tình trạng khó khăn do tác động của dịch bệnh, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề nghị UBND TP đề xuất Chính phủ, NHNN xem xét cho phép DN được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… Theo HoREA, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ vừa hoàn thành dự thảo “Về các giải pháp chỉ đạo, điều hành để giữ vững mục tiêu phát triển KT-XH năm 2020 và ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19” để trình Thủ tướng ký ban hành. Trong đó bao gồm các giải pháp về tài chính, tiền tệ; xuất nhập khẩu… Dự báo, số lượng các DN đóng cửa, dừng hoạt động chắc chắn sẽ tăng lên. Do đó, Bộ KH-ĐT đề xuất cần sớm có giải pháp về tài chính, tín dụng để đảm bảo thanh khoản, hồi phục sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan, bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc.
ANH VŨ – MAI PHƯƠNG
TNO