24/11/2024

Nguy cơ Mỹ – Trung ‘chính trị hoá’ dịch COVID-19

Nguy cơ Mỹ – Trung ‘chính trị hoá’ dịch COVID-19

Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ “chính trị hoá” dịch COVID-19 do căng thẳng Mỹ – Trung Quốc gia tăng xuất phát từ mất niềm tin lẫn nhau.
Người dân đeo khẩu trang cùng mặt nạ phòng dịch bệnh tại Thượng Hải ngày 17.2 /// Reuters

Người dân đeo khẩu trang cùng mặt nạ phòng dịch bệnh tại Thượng Hải ngày 17.2  Reuters
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tháng 2 cáo buộc Mỹ đã có phản ứng thái quá và không phù hợp trước tình hình dịch COVID-19, cụ thể là những quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần qua cảnh báo các biện pháp hạn chế người đến và từ Trung Quốc có nguy cơ đe dọa thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn mất gần 2 năm để đàm phán. “Tôi hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc động thái này và tiếp tục ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 mà không cần phải áp dụng những biện pháp hạn chế không cần thiết đối với thương mại và con người”, ông Vương nói với Reuters.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên quan điểm bảo vệ người dân Mỹ, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi trước con số thống kê ca nhiễm lẫn tử vong đầy biến động của Trung Quốc lẫn nguồn gốc của virus Corona chủng mới.
Dù đa số chuyên gia ủng hộ cần phải có phản ứng khẩn cấp, nhưng một số không đồng tình rằng các lệnh cấm đi lại và từ chối nhập cảnh sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Bà Lauren Sauer, chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins nhận định: “Chúng tôi không có bằng chứng để chứng minh sự hiệu quả của lệnh cấm này”.

Trung Quốc e dè trước đề nghị giúp đỡ từ Mỹ

Giới quan sát nhận định sự mất lòng tin giữa hai bên ngày càng gia tăng, thể hiện rõ qua việc Bộ Ngoại giao cùng truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục chỉ trích Mỹ không hỗ trợ gì nhiều mà chỉ gieo rắc hoảng loạn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong “cuộc chiến của nhân dân” chống lại COVID-19. Hồi tháng 1, chính phủ Mỹ đề nghị gửi các chuyên gia tham gia nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để hỗ trợ và điều tra tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Bắc Kinh ban đầu từ chối lời đề nghị đó.
Sau khoảng thời gian trì hoãn hơn 2 tuần, chính phủ Trung Quốc cuối cùng cho phép nhóm chuyên gia của WHO đến thăm Bắc Kinh, Quảng Đông, Tứ Xuyên để điều tra tình hình dịch COVID-19 kể từ ngày 17.2. Ông Mễ Phong, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đưa ra thông báo này, nhưng không nhắc đến tâm dịch Vũ Hán có nằm trong lịch trình của đoàn hay không.
Nguy cơ Mỹ - Trung ‘chính trị hóa’ dịch COVID-19 - ảnh 1

Người dân đeo khẩu trang và mặc áo mưa phòng dịch bệnh, trên đường phố Thượng Hải ngày 17.2  Reuters

“Giữa lúc thiếu thốn khẩu trang, dụng cụ y tế để dập dịch, Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì không muốn thể hiện hình ảnh yếu đuối và cần sự giúp đỡ, nhất là từ người Mỹ”, nhà phân tích Adam Ni của trang China Neican bình luận, theo tờ South China Morning Post.
Trong khi đó, ông Wang Zhengxu, chuyên gia tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, nhận định Trung Quốc không nhận thấy sự chân thành của chính phủ Mỹ trong đề nghị hỗ trợ. “Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc, nhưng thực tế, ý định hay chiến lược chung của Washington dường như là nhân cơ hội này để gia tăng áp lực với Trung Quốc về mặt chính trị”, ông Wang lưu ý.
Ông Yanzhong Huang, chuyên gia tại tổ chức Hội đồng về quan hệ đối ngoại (Mỹ), kêu gọi hai bên nên tránh “chính trị hóa” dịch COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới.
Trong khi đó, các thuyết âm mưu cùng những mối lo ngại thiếu căn cứ khoa học tiếp tục nổi lên giữa lúc Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus liên tục ca ngợi công tác dập dịch của Trung Quốc nhưng lại tuyên bố không thể biết được dịch bệnh COVID-19 sẽ lan rộng đến đâu.
Ngày 17.2, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton tiếp tục tái khẳng định thuyết âm mưu vốn đã bị giới chuyên gia bác bỏ khi cho rằng virus Corona chủng mới xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, nơi dịch COVID-19 bùng phát.
PHÚC DUY
TNO