24/11/2024

Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới

Cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể nóng lên khi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng hết hạn.
Mỹ vừa trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2 mới cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II 	 /// Ảnh: Hải quân Mỹ

Mỹ vừa trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2 mới cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II   Ảnh: Hải quân Mỹ
Mỹ và Nga chỉ còn đúng 1 năm để đàm phán gia hạn trước khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START-3) hết hiệu lực vào tháng 2.2021. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ Mỹ sẽ không gia hạn giữa lúc Trung Quốc tăng cường phát triển kho vũ khí hạt nhân mà không bị giới hạn bởi bất kỳ hiệp ước nào.

Hoài nghi về thoả thuận hạt nhân

START-3 giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân có thể triển khai của Mỹ và Nga là 1.550, đồng thời giảm một nửa số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược mỗi bên, thiết lập cơ chế kiểm tra nhằm ngăn chặn gian lận. Đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa muốn đàm phán để gia hạn START-3 thêm 5 năm, đồng thời nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước và cảnh báo mối đe dọa từ Trung Quốc. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từng tuyên bố sẽ ngăn chặn gia hạn START-3 nếu không có Trung Quốc tham gia đàm phán, theo tờ The Washington Times. Giới chuyên gia nhận định trong vòng 1 năm, Mỹ khó có thể lôi Trung Quốc vào cuộc đàm phán ba bên trước khi START-3 hết hạn.
Trong khi đó, hồi cuối năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng gia hạn START-3 “vô điều kiện”. Ông Putin nói Moscow đã nhiều lần đưa ra đề xuất với Washington nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào, theo Sputnik.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ giữ nguyên quan điểm hoài nghi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân và đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Nga thời Chiến tranh lạnh, với cáo buộc Nga gian lận. “Chúng tôi không thể bị hiệp ước ràng buộc trong khi Nga vi phạm các điều khoản”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh lúc công bố quyết định rút khỏi INF. Nga cũng cáo buộc lại Mỹ và đã rút khỏi hiệp ước này.
Đối với START-3, chuyên gia Pranay Vaddi tại Viện Nghiên cứu Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Mỹ) nhận định Mỹ sẽ viện lý do sự vắng mặt của Trung Quốc và Nga tiếp tục phát vũ khí hạt nhân để không gia hạn. Nga có thể phá vỡ các mục tiêu của hiệp ước vì đang phát triển nhiều vũ khí chiến lược mới, chẳng hạn tên lửa siêu thanh, tên lửa hành trình dùng năng lượng hạt nhân, theo ông Vaddi.

Thách thức mới từ Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng lực lượng hạt nhân với tên lửa tầm xa có thể mang nhiều đầu đạn, tàu ngầm mang tên lửa và máy bay ném bom chiến lược. Bắc Kinh không muốn tham gia bất kỳ thỏa thuận nào do lo ngại sẽ phơi bày kho vũ khí hạt nhân, theo các nhà phân tích.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã khẳng định lực lượng hạt nhân Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Nga, Mỹ nên không cần phải tham gia đàm phán với hai nước này, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh với ông Putin về một thỏa thuận “bao gồm cả Trung Quốc” trong tương lai.
Theo các nhà quan sát, nếu START-3 không được gia hạn thì sẽ dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ với Nga và cả Trung Quốc. Mỹ và Nga đang sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, theo số liệu từ Hiệp hội Kiểm soát vũ khí. Cụ thể, Mỹ sở hữu khoảng 6.185 đầu đạn hạt nhân và Nga có 6.490 đầu đạn trong kho vũ khí. Tiếp đó là Pháp với 300 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc là khoảng 290.
PHÚC DUY
TNO