25/12/2024

Chủ ô tô vẫn phải mở tài khoản để phạt ‘nguội’?

Từ năm 2016 đến nay, Công an TP.Hà Nội đã 2 lần đề xuất áp dụng phương thức nộp phạt “nguội” qua tài khoản với quan điểm việc này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông.

 

Chủ ô tô vẫn phải mở tài khoản để phạt ‘nguội’?

Từ năm 2016 đến nay, Công an TP.Hà Nội đã 2 lần đề xuất áp dụng phương thức nộp phạt “nguội” qua tài khoản với quan điểm việc này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông.
 
 
 
 

Người dân đến làm thủ tục nộp phạt tại Đội CSGT Bến Thành (TP.HCM) /// Ảnh: Độc Lập

Người dân đến làm thủ tục nộp phạt tại Đội CSGT Bến Thành (TP.HCM)  ẢNH: ĐỘC LẬP

 
Không chỉ vi phạm quyền tài sản cá nhân, các chuyên gia nhận định việc yêu cầu chủ phương tiện đăng ký ô tô phải có số tài khoản để bảo đảm thi hành nghĩa vụ khi bị công an phạt “nguội” cũng không có tác dụng về mặt quản lý nhà nước.
 
Sau kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế luật Giao thông đường bộ năm 2008 mới được Bộ GTVT hoàn thành tiếp tục nêu đề xuất bổ sung quy định liên quan tài khoản giao thông của chủ phương tiện phục vụ việc phạt “nguội” và trả phí đường bộ.
 
Quy định không ở đâu có!

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn luật sư TP.HCM, thẳng thắn cho rằng nếu ban hành quy định này, đây sẽ là một “thành tựu luật pháp” mà chỉ riêng VN mới có, không quốc gia nào trên thế giới có thể làm và dám làm. Ông giải thích luật pháp đã quy định quyền chủ sở hữu tài sản của cá nhân bao gồm quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản. Tiền trong ngân hàng là tài khoản của người dân, không cơ quan, đơn vị nào có quyền cưỡng chế nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

 
Về luật Ngân hàng, không tổ chức cá nhân nào có quyền yêu cầu ngân hàng tự động trích xuất tiền từ tài khoản của người khác khi không có sự đồng ý của chủ tài khoản. “Không có ngân hàng nào dám tự ý trích xuất tiền trong tài khoản cá nhân của khách hàng, trừ trường hợp có ký kết giữa khách hàng và ngân hàng cho phép bất cứ khi nào nhận được giấy báo phạt, biên bản xử phạt của công an, cơ quan nhà nước thì ngân hàng được tự động chuyển tiền. Nếu cần sự đồng thuận, tự giác của người dân như vậy thì quy định trên hoàn toàn không có ý nghĩa gì”, ông nói.
 
Không giải quyết được chây ì
Đây không phải lần đầu tiên quy định này được nêu ra. Từ năm 2016 đến nay, Công an TP.Hà Nội đã 2 lần đề xuất áp dụng phương thức nộp phạt “nguội” qua tài khoản với quan điểm việc này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông.
 
Điều này bắt nguồn từ thực tế ngành công an đang nỗ lực tăng phạt “nguội”, giảm phạt “nóng” nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng nhưng gặp nhiều khó khăn do tình trạng chây ì, trốn tránh không đóng phạt. Một cán bộ thuộc Công an TP.HCM cho biết nhiều trường hợp chủ xe mua bán không sang tên đổi chủ, chủ phương tiện thường xuyên thay đổi chỗ ở, hay do doanh nghiệp giải thể, khiến việc chuyển thông báo vi phạm đến tay chủ phương tiện còn chậm hoặc không thể đến được, gây khó khăn cho quản lý nhà nước.
 
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nhận định có sự nhầm lẫn giữa việc phạt “nguội” và hình thức đóng phạt. Phạt “nguội” là hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông thông qua hệ thống camera và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý. Khi tiếp nhận các thông tin, hình ảnh được cung cấp, trung tâm sẽ tiến hành việc in ảnh, truy xuất thông tin người và xe thông qua dữ liệu đăng ký xe. Qua đó xác định các thông tin như chủ phương tiện, địa chỉ rồi gửi thông báo tới các đối tượng vi phạm. Cuối cùng người vi phạm sẽ được mời đến trung tâm để xử phạt.
 
“Với những người chây ì, không chịu nộp phạt thì bắt họ lập tài khoản có cả trăm triệu nhưng họ không đồng ý thì cũng làm gì được, ngân hàng nào dám tự động rút tiền? Còn với những người ý thức tự giác thì trả qua tài khoản hay tiền mặt cũng như nhau”, ông Sanh đặt vấn đề.
Theo ông, ở các nước, người vi phạm giao thông chỉ được cho phép thực hiện nghĩa vụ nộp phạt trong một thời gian nhất định, nếu chủ xe không lên nộp, gửi thông báo vi phạm lần 2, 3 thì đưa ra tòa, có trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Nộp phạt càng muộn thì mức phạt càng cao. “Không quan tâm xe mượn hay xe không sang tên, phải phạt thật nặng cả người bán và người mua xe không chịu sang tên, coi thường pháp luật. Nếu người bán không biết bán cho ai hoặc trong trường hợp khai ra người mua nhưng không biết đang ở đâu thì phải truy đến cùng, đưa ra tòa, xử hình sự vì rất có thể những người mua chui bán lậu đó đang là tội phạm. Phải giải quyết tận gốc vấn đề, không thể làm hời hợt rồi lại đưa ra những quy định vô lý như vậy”, ông Sanh đề xuất và nhấn mạnh muốn tăng công khai minh bạch, giảm hối lộ, cách duy nhất là không cho phép phạt trực tiếp trên hiện trường, tách bạch giữa cơ quan xử phạt và cơ quan thu tiền giống nhiều nước khác đang làm.
 
 
HÀ MAI