Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho 100% học sinh học trực tuyến
Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho 100% học sinh học trực tuyến
Ngày 11-2, nhiều trường học trong cả nước vẫn đóng cửa phòng virus corona. Nhưng 100% thầy, trò Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) vẫn học bình thường theo thời khóa biểu. Chỉ khác là những lớp học hoàn toàn trực tuyến.
Sân trường, những dãy ghế trong khuôn viên và chiếc trống trường nằm im lìm. Không có bóng dáng học sinh… Nhiều thầy cô giáo vẫn vội vã đến trường, chuẩn bị cho tiết học. Một số giáo viên “lên lớp” tại nhà nhưng quần áo vẫn chỉnh tề.
Cùng lúc, tất cả giáo viên bộ môn có tiết dạy theo thời khóa biểu cũng điểm danh học sinh của lớp mình.
Không chỉ nhìn thấy tên học sinh “sáng đèn” mà các thầy cô, kiểm tra qua giọng nói của học sinh, thông báo các em đã có mặt.
Hầu hết học sinh cũng có mặt trước máy tính để bắt đầu tiết học. Sĩ số học sinh cũng được cập nhật ở từng “Teams lớp”.
Các bài giảng được soạn từ trước trên Powerpoint. Nhưng theo các thầy cô, để dạy online bài giảng sẽ chi tiết hơn rất nhiều. Theo cô Ngọc Châu Vân – giáo viên dạy hóa, phải điều chỉnh để bài dạy dễ hiểu nhất. Sau bài dạy, thầy cô sẽ phải cung cấp hệ thống các câu hỏi chính, có đáp án để học sinh tự “tóm tắt kiến thức mới vừa học”. Ngoài ra, giáo viên có thể đưa lên hệ thống bảng câu hỏi trắc nghiệm để học sinh trả lời nhanh, sau đó là phần giao bài tập.
Thầy Phạm Trường Nghiêm có khá nhiều “tiểu xảo” để thu hút học sinh, khiến các em không dễ gì ngủ gật dù là học từ xa.
Trong mỗi nội dung bài thầy gửi, thầy yêu cầu học sinh nào nhận được, hiểu được phải “thả tim”.
Bài giảng chuẩn bị sẵn, nhưng thầy vẫn có thể “viết bảng” để học sinh nhìn thấy.
Học từ xa nhưng tôi thấy không xa, mà lại rất gần. Thao tác trên máy rất nhanh. Một lệnh của thầy đưa ra, tất cả học sinh đều nghe, nắm được và thực hiện. Thầy cùng lúc kiểm tra được tất cả học sinh, chứ không chỉ gọi 1-2 em trả lời như trên lớp trực tiếp
Thầy Phạm Trường Nghiêm
Tương tác với học sinh trong lớp học online trở nên thân thiện, vui vẻ không ngờ trong tiết học toán của cô giáo Đỗ Thị Y Linh. Cô thuộc thế hệ giáo viên lâu năm nhưng cũng không thua kém khi phải dạy học với ứng dụng công nghệ thông tin.
Với những giáo viên dạy văn, tưởng thuận lợi hơn nhưng lại rất thách thức khi học sinh vốn sợ nghe giảng những tác phẩm vừa dài vừa trừu tượng.
“Chúng tôi phải chọn để điều chỉnh lại nội dung dạy học, dạy những bài học sinh dễ nắm bắt, dễ thực hành. Bài giảng cũng không thể dàn trải, mà phải tìm điểm nhấn để học sinh chú ý. Nếu không, các trò sẽ ngủ gật” – cô Hà Song Hải Liên chia sẻ.
“Mục đích của tôi không phải chỉ là kiến thức vì sau đợt nghỉ chống dịch, trường tôi sẽ vẫn có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức để đảm bảo chất lượng. Nên điều quan trọng hơn kiến thức trong lúc này mà tôi mong muốn thầy, trò nhà trường thực hiện là thông điệp “Không ngừng học. Thay vì ngồi đó kêu ca, than vãn thì hãy hành động, vượt lên khó khăn”.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh – hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
Giáo viên chủ nhiệm phải kết hợp kiểm soát học sinh trong các lớp học online nên có thể “vào” tất cả các tiết học khác của lớp mình chủ nhiệm để xem thầy, trò học. “Chúng tôi hồi hộp như chuẩn bị thi giáo viên dạy giỏi hay vào tiết học có người dự giờ. Vì bây giờ không phải chỉ có cô trò chúng tôi mà còn có mấy chục phụ huynh có thể cũng đang theo dõi, có giáo viên chủ nhiệm, cán bộ giáo vụ và ban giám hiệu” – cô Hà Song Hải Liên cho biết.
Nhiều người đã lo ngại khi các trường thông tin dạy online thì có học sinh học, có học sinh vắng không ai kiểm soát. Nhưng ở trường này, học sinh không “vào lớp” thì phụ huynh phải xin phép, có lý do chính đáng.
“Học sinh học, giáo viên chúng tôi cũng học. Trường tôi mới tập dượt ứng dụng dạy học online được 1 năm, và đây là cơ hội để tất cả chúng tôi phải nỗ lực” – cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ. Chất lượng dạy học cần một quá trình để đánh giá chính xác. Nhưng điều đáng giá chính ở việc “không than vãn mà hãy hành động”. Đó là phẩm chất có thể học được từ một biến cố là dịch bệnh.
Trong một buổi học văn, cô giáo Hà Song Hải Liên cũng bất ngờ, xúc động khi cô vừa kết thúc bài học thì học sinh có mặt trên teams đã chuyển lên một clip chúc mừng sinh nhật kèm theo “lời chúc sinh nhật online”.
Câu chuyện đẹp đẽ khép lại một buổi học.
Rủ nhau hát Quốc ca online
Một phụ huynh cho biết sau tiết 5 chiều thứ hai, con chị mở máy, bật Quốc ca. Cậu bé giơ tay chào lá cờ trên màn hình máy tính và hát. “Vì tầm này học sinh cả trường chào cờ, hát Quốc ca nên cháu cũng chào cờ, hát Quốc ca online cùng các bạn” – mẹ cậu học sinh nói.