Ngày 6.2, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp cụ thể cũng như tính toán thiệt hại của khách hàng trong đợt dịch nCoV. Từ đó, có phương án tín dụng phù hợp, đặc biệt là với những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp.
Giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới…
Đây là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của ngân hàng với xã hội, người dân
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Tại buổi làm việc, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng (NH) cần đảm bảo hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch, mà cần đảm bảo các giao dịch cho người dân, doanh nghiệp (DN). “Không vì dịch bệnh mà gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động chung, nhất là việc phục vụ người dân, DN giao dịch với NH”, Phó thống đốc yêu cầu. Đồng thời ông cũng đề nghị các NH thương mại (NHTM) xây dựng kịch bản, giải pháp hỗ trợ cụ thể hay một chương trình hành động nhằm ứng phó với dịch bệnh này. Phó thống đốc có gợi ý một số giải pháp như cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới để khách hàng bị thiệt hại có điều kiện nuôi trồng, kinh doanh mới.
Về lãi suất, NHNN khuyến khích các NHTM nên giảm lãi suất cho những đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh (ngoài những lĩnh vực ưu tiên đang hưởng lãi suất cho vay 6%/năm). “Đây cũng là cơ hội để NHTM khẳng định thương hiệu và tiềm lực tài chính của mình cũng như sự đồng hành, chia sẻ với DN, cộng đồng, là lúc chúng ta thể hiện trách nhiệm của NH với xã hội, người dân”, Phó thống đốc nói. Về phía NHNN, ông Tú cho biết NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Đặc biệt, trong điều kiện thanh khoản hiện dồi dào, NH không thiếu vốn, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Nếu cần thiết, NHNN cũng sẽ điều chỉnh, qua đó gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ DN.
Thêm gói lãi suất từ 6,5%/năm
Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch nCoV, các NHTM triển khai các giải pháp phòng chống dịch tới từng nhân viên, khách hàng như sử dụng khẩu trang, phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng, phun khử trùng nơi làm việc, chỉ đạo các chi nhánh phòng giao dịch, thực hiện tốt phòng dịch. Bên cạnh đó khuyến khích khách hàng giao dịch không tiền mặt, thanh toán trực tuyến.
Tại buổi làm việc, các NHTM cho biết đã chủ động phân tích tình hình, rà soát, đánh giá khó khăn của những DN, lĩnh vực bị ảnh hưởng dịch, xây dựng kịch bản ứng phó, có các giải pháp cụ thể như cơ cấu lại nợ, chưa chuyển nhóm nợ, hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất… hỗ trợ DN và người dân.
Theo ông Trần Văn Tần, Ủy viên HĐQT VietinBank, NH này đã có văn bản đánh giá sơ bộ thiệt hại do dịch nCoV gây ra với nền kinh tế gửi cho các chi nhánh toàn quốc, đồng thời chỉ đạo các chi nhánh rà soát lại nắm bắt cụ thể khi có diễn biến mới. VietinBank đang có dự thảo văn bản với các biện pháp cụ thể đối với nhóm ngành lĩnh vực ảnh hưởng do dịch nCoV. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất 6%/năm, VietinBank đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực khác lãi suất là 6,8%/năm. VietinBank thường xuyên nắm bắt, rà soát khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, từ đó có các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ…
Tương tự, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc Eximbank, cho hay Eximbank đã có sự chuẩn bị khá tốt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhờ đó tăng huy động cao hơn cho vay, thanh khoản khá bền vững. NH dự kiến đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi khoảng 6,5%/năm.
Tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, cũng cho biết nhà băng này đã có kế hoạch, rà soát, đánh giá khách hàng, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như cơ cấu lại thời hạn cho vay, có chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch nCoV.
Một số nhà băng cũng đề nghị NHNN báo cáo Thủ tướng để có cơ chế đặc thù cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng.
THANH XUÂN – ANH VŨ