Cản đường xe cứu hoả, cứu thương: Đừng gây ra tội vì thiếu ý thức!
Ngày càng có nhiều vụ người đi đường cố tình cản trở các xe làm nhiệm vụ cấp bách như cứu hoả, cứu thương. Hành vi này khiến dư luận hết sức bất bình bởi lẽ việc cứu hoả, cứu người là vô cùng cấp bách, cần được ưu tiên tuyệt đối.
Cản đường xe cứu hoả, cứu thương: Đừng gây ra tội vì thiếu ý thức!
Ngày càng có nhiều vụ người đi đường cố tình cản trở các xe làm nhiệm vụ cấp bách như cứu hoả, cứu thương. Hành vi này khiến dư luận hết sức bất bình bởi lẽ việc cứu hoả, cứu người là vô cùng cấp bách, cần được ưu tiên tuyệt đối.
Người đàn ông này không chịu nhường đường cho xe cứu thương tại ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) nên đã xảy ra va quẹt giữa hai xe – Ảnh: H.THUẬN
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hiện có tình trạng các xe loại này thường lạm dụng quyền ưu tiên khi không làm nhiệm vụ, không chở người cấp cứu cũng bật đèn, hụ còi xin đường… Người dân và cơ quan chức năng suy nghĩ gì về chuyện này?
* Đại tá TRẦN SƠN (nguyên phó trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông – Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an):
Vì cái chung cũng là trách nhiệm với bản thân
Tôi đã xem video clip ôtô không nhường đường cho xe cứu hỏa xảy ra tại TP.HCM. Đây là một hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ nghiêm trọng. Trong số thứ tự các xe được quyền ưu tiên thì xe cứu hỏa đặt lên hàng đầu, khi phải đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, có tín hiệu, đèn, còi và tính chất công việc nhằm đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.
Mọi hành vi cản trở đều phải bị xử lý nghiêm và hành vi của người lái ôtô không nhường đường cho xe cứu hoả là không thể chấp nhận được.
Hình ảnh này nói lên ý thức tuân thủ pháp luật của người lái ôtô rất kém và cả thể hiện sự kém văn hóa. Bởi văn hoá khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hoá nơi công cộng, là một tập hợp những đặc trưng về cách ứng xử, chấp hành các quy định chung về pháp luật, tuân theo các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ khi tham gia giao thông của một xã hội.
Cụ thể hơn, việc nhường đường cho xe cứu hoả trong trường hợp này hoặc nhường đường cho các loại xe ưu tiên khác không chỉ thể hiện việc tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, mà còn có trách nhiệm với chính bản thân và cả cộng đồng.
* Bác sĩ CKII NGUYỄN DUY LONG (giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Sở Y tế TP.HCM):
Tránh ỷ mình là xe ưu tiên
Việc điều khiển xe cứu thương tiếp cận bệnh nhân là cả một quá trình khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kẹt xe ngày càng phức tạp hiện nay.
Năm 2017 đơn vị tôi xuất gần 15.000 lượt xe để cấp cứu cho trên 12.000 bệnh nhân, riêng quý 1-2018 nhận được trên 5.000 cuộc gọi cấp cứu. Điều này cho thấy cường độ lao động của nhân viên lái xe cấp cứu là khá căng thẳng.
Xe cấp cứu là xe ưu tiên, quy định cho phép trong những tình huống cấp bách được vượt đèn đỏ. Nhiều nhân viên lái xe cấp cứu vô cùng bức xúc bởi một số người đi đường cố tình “kiếm chuyện”, chặn đường cự cãi vì nhiều lý do.
Trong đó có cả lý do khách quan và chủ quan vì xe hú còi nhiều, đi quá nhanh hoặc thậm chí thấy… ghét. Với mục đích cuối cùng là cứu người, do vậy khi gặp những trường hợp cố tình “nhây” này, nhân viên lái xe thường liên hệ công an gần đó, tìm cách hoà giải nhanh gọn để đi nhanh.
Thế nhưng việc cản trở xe ưu tiên (nếu có) chỉ rơi vào một vài tình huống ở vài người chứ không mang tính điển hình. Bởi vì rất nhiều người đi đường dù biết có tiếng còi báo cấp cứu nhưng họ không thể chủ động được, họ muốn tránh nhưng không biết tránh đi đâu giữa vòng vây kẹt xe, nhất là gần khu vực đèn xanh đèn đỏ. Để hài hoà việc này, đòi hỏi nhân viên cấp cứu phải dung hoà, tránh ỷ mình là xe ưu tiên để áp đặt người đi đường.
Tài xế ôtô không chịu nhường đường, xe cứu hỏa phải bám đuôi trên đường Lê Văn Khương, Q.12, TP.HCM vào sáng 9-7
* Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN VỸ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Đừng để rơi vào hoàn cảnh mới thấm thía
Hành vi cố tình không nhường đường cho xe cứu hoả, cứu thương là không thể chấp nhận ở góc độ pháp lý hay đạo lý ứng xử. Pháp luật đã có quy định và nó cũng đã trở thành sự hiểu biết cơ bản của mọi người rằng xe cứu hoả, cứu thương, hộ đê… là các loại xe được ưu tiên nhường đường vì tính chất cấp thiết, cứu người, cứu tài sản của các loại xe trên.
Việc không nhường đường cho các xe ưu tiên trên có thể dẫn đến hậu quả nặng nề hơn cho tài sản, tính mạng con người. Có thể người đi đường từng có người thân bị bệnh cần cấp cứu hay rơi vào tình huống cần cứu hỏa thì mới thấm thía được nỗi mong chờ về sự có mặt kịp thời của các loại xe ưu tiên. Lúc đó họ mới thấm thía về hành động nhường đường, chắt chiu thời gian là như thế nào.
Đương nhiên không nên đợi rơi vào hoàn cảnh cần kíp để thấm thía, để chấp hành việc nhường đường. Nhất là ở đô thị của chúng ta, tình trạng kẹt xe, ùn tắc trên đường ngày càng nhiều hơn nên cũng có lúc không biết tránh vào đâu để nhường đường. Tuy nhiên ngay khi có thể, bắt buộc các phương tiện phải nhường đường ngay.
Việc không nhường đường cho xe ưu tiên thể hiện thói quen ứng xử theo các quy tắc xử sự chung trong cộng đồng của nhiều người thực sự là chưa tốt. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành các chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng làm sao để nó phải trở thành thói quen ứng xử.
Tước giấy phép người lái ôtô 2 tháng
Ngày 14-7, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết Công an Q.12 đã xác minh, mời người lái ôtô không nhường đường cho xe cứu hoả đến làm việc. Chiếc xe trên mang biển số 51F-93.839 do ông Đồng Xuân Nguyên (42 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) đứng tên chủ sở hữu.
Tài xế ôtô không chịu nhường đường, xe cứu hoả phải bám đuôi trên đường Lê Văn Khương, Q.12, TP.HCM
Hành vi của ông Nguyên đã vi phạm Luật giao thông đường bộ. Căn cứ nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Công an Q.12 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyên 2,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (hạng B2) hai tháng.
SƠN BÌNH
* Anh NGUYỄN TIẾN DŨNG (tài xế xe du lịch ở TP.HCM):
Chớ lấy cái sai thiểu số làm hại đa số!
Tôi có theo dõi clip ôtô không nhường đường cho xe cứu hỏa trên quãng đường khá dài ở quận 12.
Thực sự hành động đó là không chấp nhận được, mặc dù tôi cũng băn khoăn vì lý do gì mà tài xế lại hành xử như vậy.
Công việc của tôi thường chở khách ngoài đường. Khi thấy tín hiệu xe ưu tiên, ngay lập tức tôi dừng, tránh cho xe vượt một cách an toàn nhất. Chỉ trừ những lúc đường ùn tắc, kẹt xe thì đành chịu.
Nhiều lần đi đường, tôi cũng có thấy tình trạng các xe cứu thương sau khi trả bệnh nhân cho cơ sở y tế, chạy xe không về vẫn cố tình bật còi ưu tiên để chạy cho nhanh.
Tuy nhiên không nên vì vậy mà người đi đường trở nên lờn hay bất chấp các tín hiệu từ xe ưu tiên.
Ai đi đường cũng biết quy định về nhường đường xe ưu tiên để làm nhiệm vụ khẩn cấp nên mọi người cần phải chấp hành nghiêm túc. Đừng lấy cái sai thiểu số làm hại đa số!
* Luật sư TRƯƠNG TIẾN DŨNG (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai):
Tại sao chưa xử lý hình sự?
Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả đạo đức và văn hóa ứng xử của người lái xe.
Ở góc độ pháp lý, ôtô không nhường đường cho xe cứu hoả đang phát tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm vụ là đã vi phạm Luật giao thông đường bộ. Theo nghị định 46/2016 của Chính phủ thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Còn tại khoản 5, điều 260 Luật hình sự có quy định về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Theo đó, người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Nhưng tôi được biết, pháp luật chúng ta từ trước đến nay chưa xử lý hình sự về hành vi cản trở hoặc không nhường đường cho xe cứu hoả làm nhiệm vụ. Tại sao chúng ta chưa xử lý hình sự để răn đe những người cản trở xe cứu hoả đi làm nhiệm vụ?
* Cô ISABELLE TÀT (người Mỹ, thực tập sinh):
Ở Mỹ, có ý thức nhường đường từ nhỏ
Tôi đã ở VN một năm và đúng là tôi nhận thấy mỗi khi có xe cứu thương hay xe cứu hỏa thì mọi người ít nhường đường hơn so với ở Mỹ.
Tôi không rõ lý do vì sao người Việt lại làm vậy, nhưng tôi có nghe một số người giải thích rằng một số người không nhường đường cho xe ưu tiên vì họ cho rằng một số xe cứu thương hú còi báo động giả để được ưu tiên dù không chở bất cứ bệnh nhân nào trên xe.
Ở Mỹ, không có làn xe dành riêng cho xe ưu tiên nhưng mỗi khi nghe tiếng còi báo động là tất cả các loại xe phải giảm tốc độ và tấp vào lề để nhường đường. Nếu bị cảnh sát phát hiện không nhường đường thì sẽ bị phạt hành chính.
Từ trước đến nay, khi lưu thông trên đường, tất cả mọi người ở Mỹ đều có ý thức nhường đường. Trẻ con từ nhỏ khi đi xe cùng bố mẹ thì luôn thấy bố mẹ tấp xe vào lề khi có xe cứu thương, cứu hoả nên ý thức đó hình thành tự nhiên từ nhỏ.
* Chị NGUYỄN NGỌC MAI (căn hộ 4.10, block A, chung cư Carina, Q.8):
Có bị cháy nhà mới thấy đó là tội ác
Theo tôi, hành động cố tình không nhường đường cho xe cứu hoả là hành động tội ác. Là người may mắn thoát chết trong vụ cháy chung cư Carina tôi thấu hiểu nỗi hoảng loạn, mất mát. Đã có những nạn nhân được tìm thấy gục chết gần cửa thoát hiểm. Trong khi chỉ đủ một ít sức hay một khắc thời gian nữa là có thể đẩy cửa thoát ra bên ngoài. Thật quá đau xót!
Bản thân tôi và nhiều người trong lúc cố thủ trong phòng, xung quanh tối om, khói độc tứ phía, hoảng loạn mà nghe được tiếng xe cứu hỏa đến thì đó là niềm hi vọng được cứu thoát duy nhất và lớn nhất thời điểm ấy. Bởi thời gian đợi xe cứu hoả đến được đếm ngược bằng niềm hi vọng, bằng tính mạng, bằng tài sản của những người gặp nạn. Tôi may mắn được cứu. Từ đó đến nay gia đình tôi vẫn chưa được quay lại căn hộ của mình, phải thuê nơi ở khác vì chung cư vẫn đang được sửa chữa.
Rơi vào hoàn cảnh gặp nạn cháy nổ, bệnh tật nguy cấp chẳng ai mong muốn. Tôi mong rằng không cần thêm những trường hợp rơi vào hoàn cảnh như tôi để thấu hiểu, để ứng xử đúng đắn với các loại xe ưu tiên khi lưu thông trên đường. Khi nghe còi tín hiệu của các xe ưu tiên, mong mọi người đi đường hãy nghĩ “có ai đó đang rất cần cứu giúp” và mặc nhiên nhường đường.