24/11/2024

Xuất khẩu cách mạng Hồi giáo

Khi Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini tuyên bố khai sinh ra nước Cộng hoà Hồi giáo Iran năm 1979, tầm nhìn của ông không dừng lại ở biên giới.

 

Xuất khẩu cách mạng Hồi giáo

Khi Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini tuyên bố khai sinh ra nước Cộng hoà Hồi giáo Iran năm 1979, tầm nhìn của ông không dừng lại ở biên giới.


 

Xuất khẩu cách mạng Hồi giáo - Ảnh 1.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran trong một cuộc duyệt binh năm 2019. Lực lượng này chỉ nghe theo mệnh lệnh của lãnh tụ tối cao Iran và đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu cách mạng Hồi giáo – Ảnh: AFP

 

Sứ mệnh thống nhất các cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới trở thành nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền non trẻ ở Iran.

Tháng 2-1989, để thể hiện uy quyền toàn cầu, Đại giáo chủ Iran Khomeini ra một “mệnh lệnh tôn giáo” (fatwa) tuyên án tử đối với Salman Rushdie, công dân Anh gốc Ấn Độ, vì đã dám viết Những vần thơ của quỷ Sa Tăng - một cuốn sách mà ông cho là xúc phạm và phỉ báng đạo Hồi.

Hồi giáo thế giới đoàn kết lại!

Khomeini ra lệnh cho các tín đồ Hồi giáo, không phân biệt Shiite hay Sunni, nếu gặp được Rushdie phải có “bổn phận” giết chết người đàn ông này ngay lập tức. Người Hồi giáo thực sự tức giận trước quyển sách của Rushdie, họ đốt hình nộm và sách của ông, những người biên dịch và xuất bản cuốn sách bị tấn công, thậm chí bị dọa giết. Cảnh sát Anh buộc phải cử người bảo vệ Rushdie 24/7.

Năm 2005, 16 năm sau khi ông Khomeini qua đời, Đại giáo chủ Iran lúc này là Ali Khamenei tuyên bố án tử đối với Rushdie vẫn còn đó và chỉ có người đã ban bố fatwa mới có quyền hủy bỏ nó. Mặc dù bị “truy nã”, Rushdie vẫn còn sống đến hôm nay và viết tiếp nhiều tác phẩm.

Theo quan điểm của ông Khomeini, mối quan hệ giữa các quốc gia phải dựa trên cơ sở tâm linh, không phải lợi ích quốc gia. Vì thế giới quan đó, Khomeini xem Mỹ và Liên Xô, hai cường quốc hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, là hai “tội đồ” lớn nhất vì đã phân chia khu vực ảnh hưởng và tạo ra các quốc gia độc lập, phá vỡ sự thống nhất của các ummah (cộng đồng Hồi giáo).

“Sự thức tỉnh Hồi giáo”

Sau cái chết của ông Khomeini năm 1989, cựu tổng thống Ali Khamenei trở thành đại giáo chủ, lãnh tụ tối cao trọn đời thứ 2 của Iran. Ông tiếp nhận thế giới quan từ người tiền nhiệm và bắt đầu hiện thực nó bằng chiến lược xuất khẩu cách mạng Hồi giáo ra thế giới, với công cụ đắc lực là lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo.

Mùa xuân năm 2013, phát biểu trong một hội nghị quốc tế của các giáo sĩ Hồi giáo, Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập” thực chất là “Sự thức tỉnh Hồi giáo” khi người dân vùng lên, lật đổ các chính quyền không chính danh ở những nước Hồi giáo Bắc Phi và Trung Đông như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Iraq và thậm chí là Saudi Arabia.

Khamenei kết luận sự thức tỉnh này sẽ mở đường cho một cuộc cách mạng tôn giáo trên toàn thế giới, thống nhất các ummah và chấm hết sự thống trị của trật tự quốc tế do phương Tây vẽ ra. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gọi đây là Pax Islamica, một thuật ngữ tương tự như Pax Romana hay Pax Britannica, chỉ sự hòa bình được đảm bảo khi La Mã và Anh quốc trở thành bá chủ, giữ vai trò người phân xử toàn cầu.

 

Đại giáo chủ Iran tin rằng cuộc cách mạng sẽ chỉ kết thúc khi một thủ lĩnh thực sự (mahdi) xuất hiện, và các lãnh tụ tối cao của Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ chỉ tạm thời nhận lãnh trách nhiệm thống nhất Hồi giáo khi mahdi chưa lộ diện.

Các cuộc chiến ủy nhiệm ở Trung Đông

Đối chọi với việc bị liệt vào “Trục ác quỷ” của Mỹ, Iran đẩy mạnh việc thành lập cái gọi là “Trục kháng chiến” ở Trung Đông, trong đó tập hợp các lực lượng chống Mỹ và Israel. Khái niệm “Trục ác quỷ” lần đầu được tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra năm 2002, trong đó cáo buộc Iran, Iraq và Triều Tiên là những nước tài trợ khủng bố và có ý định sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

“Trục kháng chiến” do Iran lãnh đạo gồm Syria và các nhóm vũ trang được Tehran hỗ trợ trong khu vực như Hamas tại dải Gaza nằm sát Israel, hay Hezbollah – lực lượng quân sự và chính trị mạnh nhất ở Lebanon, cũng như vài nhóm nhỏ khác ở Syria và đôi khi là Houthi tại Yemen – lực lượng sẵn sàng bắn tên lửa đạn đạo nhắm vào Saudi Arabia một khi nhận được “đèn xanh” từ Iran. Tổng số tay súng của mạng lưới này có thể lên tới gần 200.000, chưa kể các loại vũ khí hiện đại do Iran cung cấp như pháo phản lực cỡ lớn, tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Quy mô của mạng lưới ủy nhiệm này cho phép Iran tấn công phá hoại bất kỳ địa điểm nào trong khu vực, nhưng vẫn có thể phủ nhận mọi trách nhiệm trực tiếp theo kiểu “ném đá giấu tay”. Mục đích ban đầu của mạng lưới này là để thực thi chiến lược xuất khẩu cách mạng Hồi giáo và thách thức các chính quyền thế tục và vương triều phi Shiite ở Trung Đông. Sự hiện diện của Mỹ, một quốc gia phi Hồi giáo tại khu vực, khiến Iran khó chịu và được xem là chướng ngại vật cản trở sứ mệnh thống nhất Hồi giáo.

Trong thời kỳ Mùa xuân Ả Rập, dân chúng Bahrain, đa số thuộc Hồi giáo Shiite, đã nổi lên chống lại vua Hamad thuộc hệ phái Sunni. Người ta tin rằng có bàn tay của Iran nhúng vào biến cố này. Cuộc nổi dậy Bahrain bị dập tắt sau khi Saudi Arabia đưa quân can thiệp. 

Trong tiến trình xuất khẩu cách mạng khó tránh các vụ đối đầu giữa Iran và Mỹ tại Trung Đông, do đây là khu vực tập trung nhiều đồng minh và căn cứ của Mỹ. Tuy nhiên, các vụ đụng độ diễn ra gần như liên tục và tích tụ theo năm tháng, giống như vết thương hở chưa kịp lành đã bị khoét thêm lần nữa.

Kissinger: bản đồ Trung Đông là phi Hồi giáo

Cựu ngoại trưởng kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger từng nhận xét rằng bằng cách tuyên bố Iran là Cộng hòa Hồi giáo đầu tiên trên thế giới, ông Khomeini và các đại giáo chủ Iran sau này đã đặt bản thân lên hết thảy các giáo sĩ Hồi giáo toàn cầu, nhấn mạnh họ không chỉ là người đứng đầu Iran mà còn là lãnh tụ tối cao của cộng đồng Hồi giáo.

Theo ông Kissinger, Đại giáo chủ Iran Khomeini khi còn sống luôn xem bản đồ Trung Đông là một sản phẩm “sai lầm và phi Hồi giáo” của những nước đế quốc và độc tài vì đã dám chia cắt cộng đồng Hồi giáo (ummah) tại Trung Đông thành những quốc gia riêng biệt, có chủ quyền.

 

 

DUY LINH

TTO