24/11/2024

Việt Nam không cần có quá nhiều cảng biển

Việt Nam không cần thiết phải có quá nhiều cảng biển mà cần xem mỗi cảng biển có thể phát triển đến đâu, tập trung tối ưu hoá hệ thống cảng biển để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế các cảng biển quốc gia, quốc tế.

 

Việt Nam không cần có quá nhiều cảng biển

Việt Nam không cần thiết phải có quá nhiều cảng biển mà cần xem mỗi cảng biển có thể phát triển đến đâu, tập trung tối ưu hoá hệ thống cảng biển để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế các cảng biển quốc gia, quốc tế.



 

 

Việt Nam không cần có quá nhiều cảng biển - Ảnh 1.

Cảng biển, logistic và vận tải biển là ba yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế biển – Ảnh: N.BÌNH

 

Ông Nguyễn Văn Bình, trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) tại cảng Tân Cảng Cát Lái ngày 13-1 về việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, bộ mặt cảng biển Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển hơn trước đặc biệt là khu vực TP.HCM. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thời gian tới, cảng biển Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng phát triển hệ thống cảng biển trải dài khắp cả nước nhưng chất lượng, quy mô lại hạn chế. 

Hiện địa phương nào có biển cũng xây dựng cảng biển trong khi chi phí khá tốn kém nhưng khả năng khai thác không cao. Trong khi đáng ra, Việt Nam không nhất thiết có quá nhiều cảng biển mà cần tập trung tối ưu hóa hệ thống cảng biển hiện có, đồng thời cải thiện khả năng khai thác kết nối cảng biển với hệ thống giao thông của Việt Nam. Những bất cập được nhìn nhận là nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics Việt Nam bị đội giá cao. 

“Chúng ta cần tối ưu hoá hệ thống cảng biển không chỉ cho địa phương đó mà cần nhìn cả vùng, khu vực. Với tư cách làm một công ty quân đội, Tân Cảng Sài Gòn cần quan tâm thêm góc độ này”, ông Bình lưu ý.

Cũng theo ông Bình, có ba lĩnh vực trọng tâm mà Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cần lưu ý là cảng biển, logistic và vận tải biển – các lĩnh vực lưỡng dụng kinh tế quốc phòng đã góp phần tạo nên thành công của tổng công ty. Chẳng hạn, việc thiếu các trung tâm logistic phần nào tác động đến chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến giao thông, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao… 

Do đó, ông Bình đề nghị Tân Cảng Sài Gòn nghiên cứu, phát triển mạnh logistics gắn với cảng biển để kinh doanh hiệu quả nhất, tìm cơ chế phù hợp để đơn vị có thêm điều kiện tham gia nhiều hơn vào thị phần vận tải biển của Việt Nam.

Ngoài ra, với vai trò doanh nghiệp đầu ngành, ông Bình cũng đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nghiên cứu lựa chọn đối tác chiến lược mạnh trên thế giới và đề xuất Chính phủ các giải pháp để tổng công ty tham gia xứng đáng vào thị phần vận tải biển của quốc gia.

Theo ông Ngô Minh Thuấn, tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện đơn vị là nhà khai thác cảng container cảng container chuyên nghiệp, hiện đại và lớn nhất Việt Nam với gần 50% thị phần cả nước, tốp 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.

Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, đây cũng là nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói bên thứ 3 chuyên nghiệp; liên tiếp đứng đầu tốp 20 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam. Chiếm 65% thị phần vận tải container bằng sà lan tuyến TP. Hồ Chí Minh – Cái Mép; 70% thị phần tuyến đồng bằng sông Cửu Long; 43% thị phần tuyến sà lan Việt Nam – Campuchia.

Hoạt động kinh doanh vận tải và các ngành kinh tế biển của công ty chiếm 20% thị phần vận tải biển nội địa với đội tàu bốn chiếc, dẫn đầu về lĩnh vực cung cấp dịch vụ hậu cần dầu khí… 

Đề nghị sửa quy định tiền lương…

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã nêu ra một số kiến nghị như xem xét điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp Nhà nước, cho phép một số doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và nắm giữ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế được giữ lại phần lợi nhuận sau thuế nộp ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định về tiền lương đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước…

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tổng công ty, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh đất nước ta thời gian tới sẽ tập trung chuyển mình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng phát triển về chất và sẽ có nhiều thay đổi để thích nghi với quá trình đó.

 

 

N.BÌNH

TTO