Nhà đầu tư điện gió muốn được ‘đối xử công bằng’ với điện mặt trời
Việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió vì quá tải lưới điện để ưu tiên phát điện mặt trời khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi bị cắt giảm công suất.
Nhà đầu tư điện gió muốn được ‘đối xử công bằng’ với điện mặt trời
Việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió vì quá tải lưới điện để ưu tiên phát điện mặt trời khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi bị cắt giảm công suất.
Ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận – đã đưa ra kiến nghị như vậy tại hội nghị các nhà đầu tư điện gió do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 13-1. Cuộc họp có nhiều kiến nghị gửi tới Bộ Công thương nhưng đại diện cơ quan này lại không tham dự.
Theo ông Thịnh, điện mặt trời và điện gió đều là khách hàng của EVN, nhưng việc cắt giảm công suất dự án năng lượng tái tạo thời gian qua dẫn tới nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Dẫn chứng, có 3 dự án ở Bình Thuận, Ninh Thuận đang phải chịu chung cảnh cắt giảm công suất cùng các dự án điện mặt trời trên địa bàn mặc dù đã hai lần có văn bản kiến nghị EVN đưa điện gió ra khỏi danh sách cắt giảm, hoặc cắt giảm ít vì cho rằng các dự án điện gió không phải nguyên nhân gây quá tải.
Trong khi đó, ông Thịnh cho hay về mặt kinh tế giá điện gió chỉ 8,5 cent, thấp hơn so với 9,35 cent của điện mặt trời; kỹ thuật điện gió thân thiện hơn nhiều, nhưng vẫn không được giải quyết.
Việc cắt giảm công suất khiến các chủ đầu tư điện gió “thiệt đơn thiệt kép”. Thực tế, hiện đang là mùa gió tốt nhưng các nhà máy điện gió bị cắt giảm tới 61% công suất và chỉ phát điện được 39%, sản lượng điện phát chỉ đạt 3 triệu kWh, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 11 triệu kWh.
“Nếu cứ như thế này các ông điện gió sẽ chết. Vừa rồi có sự cố cháy tuabin, có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến cắt giảm công suất không cần phải xem xét ký. Rất đau khổ vì chuyện này.
Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này thì sẽ phải kiến nghị tiếp tới cấp cao hơn vì đây là vấn đề sống còn. Cần đưa các dự án này ra khỏi danh sách bị cắt giảm công suất hoặc cắt ít thôi để chúng tôi thấy rằng được đối xử công bằng” – ông Thịnh khuyến nghị.
Trước kiến nghị của nhà đầu tư, tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định với các dự án ký hợp đồng sẽ tìm mọi cách đưa vào giải tỏa hết công suất. Trường hợp với địa phương quá tải lưới điện mà nhiều dự án vẫn xin bổ sung quy hoạch, EVN sẽ đề nghị không bổ sung quy hoạch.
Thông tin về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam, đại diện ban thị trường điện (EVN) cho biết EVN đã ký với các nhà đầu tư 40 dự án điện gió, tập trung ở Bình Thuận. Trong đó có 9 dự án đã vận hành thương mại và 31 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa đi vào vận hành thương mại.
“Qua tính toán kiểm tra, điều kiện giải tỏa công suất các dự án cho thấy các khu vực cơ bản giải tỏa công suất tốt vào năm 2021, chỉ riêng khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận gặp khó khăn. Do đó, 31 dự án này các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ đi vào vận hành thương mại (COD)” – vị này cho hay.
Bên cạnh đó, hiện còn 59 dự án bổ sung quy hoạch, cũng vẫn tập trung tương đối nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Vì vậy, theo đánh giá năm 2021 ngoài một số khu vực sẽ bị quá tải lưới điện, như Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận, thì cơ bản việc truyền tải lưới điện được đáp ứng.
Từ kinh nghiệm vận hành hệ thống điện mặt trời, đại diện ban thị trường điện cho rằng không thể chắc chắn giá FIT có được giữ nguyên sau năm 2021, nên với những vùng cảnh báo quá tải lưới, EVN cho rằng cần nhanh chóng làm việc để ký hợp đồng đấu nối.
TTO