24/11/2024

Bắn nhầm máy bay Ukraine, Iran lãnh hậu quả gì?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11-1 yêu cầu Tehran phải mở một cuộc điều tra đầy đủ, đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý sau khi Tehran thừa nhận đã bắn nhầm máy bay Boeing 737-800 của Ukraine.

 

Bắn nhầm máy bay Ukraine, Iran lãnh hậu quả gì?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11-1 yêu cầu Tehran phải mở một cuộc điều tra đầy đủ, đưa những người có trách nhiệm ra trước công lý sau khi Tehran thừa nhận đã bắn nhầm máy bay Boeing 737-800 của Ukraine.



Bắn nhầm máy bay Ukraine, Iran lãnh hậu quả gì? - Ảnh 1.

Tổng hợp: Bình An – Nguồn: WSJ – Đồ họa: Như Khanh

 

Viết trên Facebook cá nhân, tổng thống Ukraine yêu cầu Iran cho hồi hương các thi thể, bồi thường cũng như xin lỗi chính thức qua các kênh ngoại giao. 

 

“Chúng tôi hi vọng cuộc điều tra sẽ được tiếp tục không cố ý chậm trễ và không bị cản trở. 45 chuyên gia của chúng tôi phải có quyền truy cập đầy đủ các yếu tố của cuộc điều tra” – ông Zelensky nhấn mạnh.

 

Khó đưa Iran ra tòa

 

Theo phụ lục 13 của Công ước hàng không dân dụng quốc tế, nếu tai nạn máy bay xảy ra do bị tấn công (dù vô ý hay cố tình), quốc gia nơi xảy ra thảm kịch sẽ tiến hành điều tra nhưng quy tắc có nới rộng hơn. 

 

Trong trường hợp tai nạn máy bay Ukraine mới đây, không nhất thiết phải tham khảo ý kiến quốc gia của nhà sản xuất (Boeing của Mỹ) hoặc hãng hàng không (Ukraine) vì dữ liệu kỹ thuật của họ có thể vô dụng.

 

Ngược lại, các nước có nạn nhân thiệt mạng có thể can thiệp vào vụ án. Chuyên gia an toàn hàng không Xavier Tytelman lo ngại nếu Iran không muốn tuân thủ phụ lục 13 thì không thể ép buộc và không có tòa án nào trên thế giới có thể kết án Iran vì điều này.

 

Trước đó, vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines (Malaysia) bị tên lửa bắn hạ trên không phận Ukraine ngày 17-7-2014, cuộc điều tra quốc tế được tiến hành theo chỉ đạo của Hà Lan, quốc gia có 193/283 hành khách thiệt mạng. 

 

Nga không mặn mà hợp tác. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc muốn thành lập tòa án đặc biệt cũng “bó tay” vì Nga sử dụng quyền phủ quyết.

 

Về trách nhiệm của Nhà nước Iran, nữ luật sư Jean Chevrier chuyên về luật hàng không (Pháp) giải thích không thể áp dụng luật pháp Canada (nước có 63 nạn nhân) để điều chỉnh. Bà giải thích: “Về vấn đề pháp lý, có quyền miễn trừ tài phán liên quan đến quốc gia nước ngoài. Chúng ta không thể đưa quốc gia nước ngoài ra tòa đối với loại tai nạn hàng không này”.

 

Trường hợp tương tự đối với cá nhân bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho vụ bắn tên lửa vào máy bay dân dụng Ukraine vì quyền miễn trừ tài phán còn được áp dụng đối với công dân của một quốc gia thực hiện hành vi bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nếu người lính hành động trong khuôn khổ chức năng đã giao, chỉ có nhà nước phải chịu trách nhiệm pháp lý.

 

 

Về mặt gián tiếp, Iran vẫn có thể bị trừng phạt. Các nước phương Tây có thể sử dụng các phương tiện gây áp lực, đặc biệt là ngoại giao, hoặc Mỹ có thể gia tăng các biện pháp trừng phạt. Đây là điều Liên minh châu Âu đã làm đối với Nga vài ngày sau vụ tai nạn máy bay MH17.

 

Ưu tiên của chúng tôi vẫn là làm sáng tỏ hồ sơ trên tinh thần minh bạch và công bằng. Đây là thảm kịch quốc gia và mọi công dân Canada đều để tang. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác trên thế giới để bảo đảm một cuộc điều tra đầy đủ và sâu rộng. Chính phủ Canada mong chờ chính quyền Iran hợp tác đầy đủ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau, quốc gia có 63 nạn nhân thiệt mạng.

Đây là một thảm kịch lớn và là một sai lầm không thể tha thứ. Cuộc điều tra nội bộ của quân đội đã kết luận rất đáng tiếc các tên lửa được phóng đi do nhầm lẫn đã gây ra vụ tai nạn máy bay Ukraine và làm 176 người vô tội thiệt mạng.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Bắn nhầm máy bay Ukraine, Iran lãnh hậu quả gì? - Ảnh 4.

Nhầm lẫn là do bất tài?

 

Tướng Amirali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trụ thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, giải thích trên truyền hình hôm 11-1: “Chúng tôi đang trong trạng thái sẵn sàng nổ ra chiến tranh toàn diện với Mỹ. Hệ thống phòng không tưởng nhầm chiếc máy bay dân dụng là một tên lửa hành trình”. Ông Hajizadeh bày tỏ hối tiếc và nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ tên lửa Iran bắn nhầm máy bay dân dụng của Ukraine.

 

Tướng Hajizadeh giải thích chưa có lệnh bắn nhưng tên lửa vẫn được khai hỏa do nhiễu sóng, binh sĩ nhầm máy bay Ukraine là tên lửa hành trình và chỉ có 10 giây để quyết định “bắn hay không bắn”. Bộ tham mưu quân đội Iran giải thích máy bay Ukraine bị nhầm là “máy bay thù địch” và dường như đang tiếp cận “một trung tâm quân sự nhạy cảm” của Vệ binh cách mạng.

 

Các cơ quan tình báo phương Tây tin rằng máy bay Ukraine đã trúng tên lửa bắn đi từ tổ hợp phòng thủ tên lửa SA-15 Gauntlet (còn được gọi là M1 Tor) của Iran. 

 

Chuyên gia về phòng thủ tên lửa Michael Elleman ở Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết sự nhầm lẫn còn xuất phát từ vấn đề thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Từ sau chiến tranh Iran – Iraq (1980-1988), các đơn vị phòng không Iran đã không kinh qua trận mạc. Ngoài ra, trình độ huấn luyện của lực lượng phòng không Iran cũng là một vấn đề.

 

Tiến sĩ Carlo Kopp, người đồng sáng lập Công ty tư vấn Air Power Australia (Úc), nhận xét với nhiều phương tiện nhận dạng và dữ liệu chuyến bay riêng biệt của máy bay chở khách, không thể nào tha thứ cho chuyện bắn nhầm máy bay Ukraine. Ông cho rằng chỉ có bất tài mới dẫn đến nhầm lẫn chết người như thế.

 

Gánh nặng bồi thường

Hiện Iran chưa thông tin về bồi thường cho các nạn nhân và Hãng hàng không quốc tế Ukraine nhưng có thể tham khảo mức bồi thường từ những vụ tương tự.

Trong thảm kịch năm 1988 khi tuần dương hạm USS Vincennes của Mỹ phóng hai tên lửa bắn nhầm chuyến bay mang số hiệu 655 của Hãng Iran Air khiến 290 người thiệt mạng, Mỹ đã trả cho Iran 101,8 triệu USD để bồi thường cho gia đình các nạn nhân theo sau một vụ dàn xếp tại Tòa án công lý quốc tế.

 

BẢO ANH

 

HOÀNG DUY LONG

TTO