Giá nhà đắt nhất thế giới, nhà đầu tư Hồng Kông sang Việt Nam tìm cơ hội
Trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất của TP.HCM, Hồng Kông dẫn đầu với gần 40% tổng số vốn. Tiếp đó là Singapore (18,21%), Hàn Quốc (10%), British Virgin Islands (9,74%), Nhật Bản (9,26%).
Giá nhà đắt nhất thế giới, nhà đầu tư Hồng Kông sang Việt Nam tìm cơ hội
Trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất của TP.HCM, Hồng Kông dẫn đầu với gần 40% tổng số vốn. Tiếp đó là Singapore (18,21%), Hàn Quốc (10%), British Virgin Islands (9,74%), Nhật Bản (9,26%).
Ảnh: Ngọc Dương
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cả nước năm 2019 đạt 38 tỉ USD, trong đó nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản đạt khoảng 3,31 tỉ USD, chiếm 10,4%, đứng thứ hai.
Hồng Kông dẫn đầu top 5
Nguồn vốn FDI vào TP.HCM đạt 8,3 tỉ USD, tăng 39,4% so với năm 2018, với Top 5 nhà đầu tư lớn nhất đến từ Hồng Kông (39,14%), Singapore (18,21%), Hàn Quốc (10%), British Virgin Islands (9,74%), Nhật Bản (9,26%). Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai trong thu hút nguồn vốn FDI với giá trị khoảng 2,06 tỉ USD, chiếm 24,9% tổng nguồn vốn FDI của thành phố. Năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài có xu thế lựa chọn phương thức hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản trong nước để phát triển các dự án.
Vì sao các nhà đầu tư Hồng Kông “thích” rót vốn vào thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung? Câu trả lời là do giá nhà đất tại thị trường nội địa rẻ hơn nhiều so với ở Hồng Kông trong khi suất sinh lời lại cao hơn. Tính đến năm 2019, giá nhà tại Hồng Kông đã 9 năm liên tục xếp ở vị trí số 1 trong danh sách những thị trường nhà đắt đỏ nhất thế giới so với thu nhập, báo cáo từ công ty tư vấn kế hoạch hóa đô thị Demographia cho biết. Theo số liệu trong Chỉ số nhà ở cao cấp tại các thành phố thế giới của Savills (Savills World City Prime Index) công bố hồi tháng 8.2029, giá mỗi m2 nhà ở Hồng Kông rơi vào khoảng 50.700 USD, tương đương khoảng 1,2 tỉ đồng. Đến cuối năm, giá nhà ở Hồng Kông có giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ngôi quán quân. Cụ thể, Hồng Kông có mức giá căn hộ đắt đỏ nhất với 45.500 USD/m2, kế đến là Singapore với 25.600 USD/m2, Tokyo (Nhật Bản) là 15.800 USD/m2 và Bangkok (Thái Lan) là 4.500 USD. Trong khi đó, tại TP.HCM và Hà Nội có mức giá lần lượt là 3.800 USD/m2 và 3.200 USD/m2, vẫn thấp hơn mức giá 4.500 USD/m2 tại thị trường Bangkok.
Chỉ nhìn vào mức giá này cũng thấy được sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam so với khu vực nói chung và các nhà đầu tư Hồng Kông nói riêng. Điều đó cũng lý giải vì sao các nhà đầu tư Hồng Kông dẫn đầu trong top 5 nhà đầu tư lớn nhất tại TP.HCM trên thị trường bất động sản.
Bất động sản khó khăn, xây dựng sụt giảm 50%
Thế nhưng, bất động sản TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất của TP.HCM năm 2019 bị sụt giảm đáng kể so với năm 2018 và nhất là so với năm 2017 do thị trường bất động sản gặp khó khăn. Thu tiền sử dụng đất 2019 chỉ đạt 14.650 tỉ đồng, giảm 11,2% so với năm 2018 và giảm 18,2% so với năm 2017; Thu tiền thuê đất đạt 6.031 tỉ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018. Năm 2019, số nợ tiền sử dụng đất là 974 tỉ đồng tăng 33,4% so với năm 2018; Số nợ tiền thuê đất là 2.837 tỉ đồng, tăng đến 85,9% so với năm 2018. Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở chưa được UBND thành phố ban hành quyết định thu tiền sử dụng đất, do vướng mắc về cách tính tiền sử dụng đất đối với các thửa đất công xen kẹt trong dự án và cả các phương pháp xác định giá đất, nên các chủ đầu tư không thể thực hiện được nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Do vậy, dự án không hội đủ điều kiện để được huy động vốn từ khách hàng, làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhất là chi phí tài chính và làm tăng giá bán nhà, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu.
Năm 2019, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận. Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ.
MAI KA
TNO