Lão nông thu tiền tỉ nhờ cá bống tượng
Chỉ có 5 công đất nhưng mỗi năm ông Trần Tấn Lộc (71 tuổi, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Thuận, Kiên Giang) thu lãi gần 1 tỉ đồng nhờ mô hình nuôi, lai tạo và cung cấp cá bống tượng giống.
Lão nông thu tiền tỉ nhờ cá bống tượng
Chỉ có 5 công đất nhưng mỗi năm ông Trần Tấn Lộc (71 tuổi, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Thuận, Kiên Giang) thu lãi gần 1 tỉ đồng nhờ mô hình nuôi, lai tạo và cung cấp cá bống tượng giống.
Ông Trần Tấn Lộc kiểm tra chất lượng nguồn cá giống bống tượng trước khi cung ứng cho khách hàng Bách Hỷ
Vượt khó làm giàu
“Nhiều năm trước, tôi phải “trầy da, tróc vẩy” với việc lai tạo giống và nuôi ba ba, tôm càng xanh, nuôi lươn thương phẩm. Không ít lần thất bại mới có thành quả như hôm nay”, ông Trần Tấn Lộc mở đầu câu chuyện về quá trình đi đến thành công của mình.
Ông Lộc có 7 người con, nhà chỉ có 5 công đất trồng lúa. Ngoài trồng lúa, ông đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi và lai tạo các loại giống ba ba, lươn, cá… Từ năm 1991 – 1994, ông lai tạo giống ba ba, lươn, rắn… thành công nhưng đầu ra con giống không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Đến năm 1995, việc lai tạo ba ba thuận lợi, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Không bằng lòng với thành quả đã có, ông Lộc tiếp tục tìm con giống khác có giá trị kinh tế cao hơn. “Cuối năm 1995, tôi mua được 2 cặp cá bống tượng từ người dân. Qua tìm hiểu, biết cá này có giá rất cao, đầu ra thuận lợi nên tôi quyết tâm lai tạo giống”, ông Lộc nhớ lại.
Ông Lộc cho biết thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư xây bể, mua bình ô xy, cải tạo ao nuôi… tốn nhiều chi phí nên phải cầm xe máy, thế chấp giấy tờ đất và tài sản khác để vay 100 triệu đồng. Có vốn, ông đầu tư 5 bể ươm cá giống và cải tạo 4 ao nuôi cá bống tượng thương phẩm. Cặp cá bống tượng giống sinh sản lần đầu ông đều giữ lại nuôi. Năm đầu tiên (1996), từ 4 ao cá bống tượng ban đầu, ông Lộc thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Từ đó về sau, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, dù giá cá bống tượng giống, cá thương phẩm có dao động nhưng ông đều có lãi gần 1 tỉ đồng/năm.
Theo ông Lộc, để nuôi cá bống tượng đạt hiệu quả, cần chú ý việc chọn nguồn giống và khâu đào ao. Khi vét ao, cần vét bớt bùn lỏng, đào lớp sâu và lớp cạn tạo thành bậc thang để cá thoải mái lưu trú. Cá thả thưa, mật độ khoảng 200 con/100 m2, với trọng lượng từ 100 – 150 gram/con để đảm bảo cá khỏe khi ra môi trường mới.
Cha truyền con nối
Hơn 20 năm qua, nguồn cá bống tượng giống của ông Lộc được cung cấp khắp các tỉnh thành ĐBSCL. Đặc biệt, bà con đến mua con giống đều được ông nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật đào ao, xây bể và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá. Từ nguồn cá giống của ông, nhiều người dân ở xã Vĩnh Thuận như anh Bùi Văn Công (35 tuổi, ngụ ấp Bờ Xáng), anh Lê Trung Kiên (31 tuổi, ngụ ấp Ranh Hạt)… đã nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng anh Kiên, từ năm 2010 đến nay nuôi 3 ao, sau 12 – 14 tháng, thu lợi nhuận 120 triệu đồng.
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Chuông (50 tuổi, ngụ ấp Kinh 13) đầu tư 2 ao với hơn 400 m2/ao và mua cá giống của ông Lộc về nuôi, thu lợi nhuận từ 200 – 300 triệu đồng/năm. Ông Chuông cho biết: “Cá giống của ông Lộc rất tốt, khi mua sẽ được ông tận tình hướng dẫn kỹ thuật đào ao, chăm sóc cá… nên hiệu quả luôn đạt rất cao”.
Trường hợp anh Bùi Văn Công, ban đầu thuê 20 công đất nuôi tôm và đào 3 ao nuôi cá bống tượng, thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, riêng 3 ao nuôi cá bống tượng thu hơn 200 triệu đồng/năm. Qua hơn 5 năm, anh Công mua trên 20 công đất.
Hiện có 3 người con của ông Lộc nối nghiệp ông nuôi cá bống tượng thương phẩm và đều có thu nhập ổn định. Riêng con út của ông là anh Trần Công Lanh, sau khi học xong thạc sĩ chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, anh về nhà hỗ trợ kỹ thuật, tiếp bước cha với nghề ép và nuôi cá bống tượng.
BÁCH HỶ
TNO