24/11/2024

Ấn Độ: cứ 15 phút có một phụ nữ bị cưỡng hiếp

Trong năm 2018, tại Ấn Độ, cứ 15 phút lại ghi nhận một trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp, đây là số liệu giật mình do dữ liệu thống kê của chính phủ nước này công bố ngày 9-1.

 

Ấn Độ: cứ 15 phút có một phụ nữ bị cưỡng hiếp

Trong năm 2018, tại Ấn Độ, cứ 15 phút lại ghi nhận một trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp, đây là số liệu giật mình do dữ liệu thống kê của chính phủ nước này công bố ngày 9-1.


 

Ấn Độ: cứ 15 phút có một phụ nữ bị cưỡng hiếp - Ảnh 1.

Một loạt vụ cưỡng hiếp các bé gái ở Ấn Độ làm dấy lên sự phẫn nộ của dư luận về các mức độ bạo lực đã ở mức “đại dịch” nhắm vào phụ nữ nước này – Ảnh: AFP

 

Theo Đài Channel News Asia, báo cáo tình hình tội phạm thường niên do Bộ Nội vụ Ấn Độ công bố ngày 9-1 cho biết số vụ phụ nữ bị cưỡng hiếp xảy ra năm 2018 ở nước này là gần 34.000 vụ, hầu như không thay đổi so với năm trước đó.

Tuy nhiên, chỉ hơn 85% số vụ bị truy tố và chỉ 27% bị kết án. Các tổ chức hoạt động vì quyền phụ nữ cho rằng các tội ác gây ra với phụ nữ thường có xu hướng bị xem nhẹ và cảnh sát chưa chú trọng điều tra làm rõ những vụ việc này.

“Đất nước này vẫn đang do đàn ông điều hành, một nữ thủ tướng như bà Indira Gandhi không làm thay đổi mọi chuyện. Hầu hết các thẩm phán vẫn là đàn ông”, bà Lalitha Kumaramangalam, nguyên phụ trách Ủy ban quốc gia về phụ nữ của Ấn Độ, nhận xét.

Cũng theo bà Kumaramangalam (thành viên của Đảng BJP của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi): “Có rất ít các phòng điều tra trong nước và các phiên tòa xét xử nhanh, cũng có rất ít thẩm phán”.

Một nghiên cứu năm 2015 do Trung tâm nghiên cứu luật và chính sách tại Bengaluru nhận thấy mặc dù đã có các phiên tòa xét xử nhanh song vẫn chưa thể giải quyết số vụ án quá lớn.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu năm 2016 do tổ chức Partners for Law in Development tại New Delhi thực hiện, trung bình để xét xử một vụ cưỡng hiếp phải mất 8,5 tháng, lâu gấp 4 lần so với khoảng thời gian được khuyến nghị.

 

Vụ cưỡng hiếp tập thể và giết chết một phụ nữ trên xe buýt ở New Delhi năm 2012 đã khiến hàng chục ngàn người dân trên toàn Ấn Độ đổ ra đường biểu tình phản đối.

Trước sức ép dư luận và đòi hỏi của các chính trị gia và nhiều ngôi sao điện ảnh, sau vụ việc đó, Ấn Độ cũng đã có những hình phạt nghiêm khắc hơn và có cơ chế tổ chức những phiên tòa xử lý nhanh các vụ cưỡng hiếp, tuy nhiên tình trạng bạo lực nhắm vào nữ giới vẫn không giảm.

Cho tới nay, Ấn Độ vẫn bị xem là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất với phụ nữ.

Các số liệu thống kê vừa công bố của Chính phủ Ấn Độ cũng cho thấy số vụ cưỡng hiếp được thống kê chưa hẳn đã phản ánh đúng thực tế, vì ở một số khu vực tại Ấn Độ, việc trình báo vụ việc vẫn là điều cấm kỵ.

 

 

ĐỖ DƯƠNG

TTO