24/11/2024

Trung Đông giữa vòng xoáy xung đột

Nhắc đến Trung Đông, người ta nói về những mỏ dầu dồi dào của thế giới, trung tâm của nhiều tôn giáo lớn, nhưng người ta cũng nói về xung đột và những bất ổn không ngừng.

 

Trung Đông giữa vòng xoáy xung đột

Nhắc đến Trung Đông, người ta nói về những mỏ dầu dồi dào của thế giới, trung tâm của nhiều tôn giáo lớn, nhưng người ta cũng nói về xung đột và những bất ổn không ngừng.



 
 
 

Người tị nạn Syria tại Jordan /// Reuters

Người tị nạn Syria tại Jordan   Reuters

 

Nằm ở ngã ba Á – Âu – Phi, Trung Đông nắm giữ vị trí địa chính trị quan trọng và luôn được xem là tâm điểm chiến lược của thế giới vì có nhiều dầu mỏ. Ngược dòng thời gian mới thấy, những bất ổn ở Trung Đông đã có từ lâu, trong khi chúng kéo dài chưa hồi kết thì lại có hàng loạt những bất ổn mới bị khơi lên.
 
Các chuyên gia khi phân tích về vùng đất này đều nhìn nhận có những vấn đề nội tại phức tạp khiến Trung Đông trùng trùng nỗi lo. Đó là tranh chấp lãnh thổ như giữa Israel và Palestine, tranh chấp về quyền lợi của các dân tộc, những nhóm người cư trú không phải bên trong lãnh thổ một quốc gia mà phân tán ở nhiều nước, trong đó nổi bật là nhóm người Kurd đang rải rác ở Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là những bất đồng kéo dài hàng ngàn năm giữa hai dòng Sunni và Shi’ite trong lòng thế giới Hồi giáo. Và đó còn là cuộc cạnh tranh quyền lực về vai trò và tham vọng lãnh đạo trong thế giới Ả Rập. Chính những vấn đề ấy khiến các nước Trung Đông bao năm nay vẫn ngổn ngang chia rẽ.
 
Chính trị là thế, quân sự ở Trung Đông cũng không kém phần phức tạp. Hiện nay, bên cạnh quân đội chính thức của các quốc gia trong khu vực, tại Trung Đông còn có các nhóm vũ trang, phe cánh nổi dậy, các tổ chức khủng bố và đặc biệt là lực lượng quân sự từ các nước bên ngoài khu vực. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, bàn cờ ở Trung Đông vốn rối rắm lại càng trở nên khó lường vì lắm tay chơi.
 
Mỹ bắt đầu thực sự để tâm đến Trung Đông kể từ thời Tổng thống Harry S.Truman năm 1945 và qua nhiều thời kỳ, chính sách đối với khu vực này càng được Mỹ chú trọng. Hiện Mỹ vẫn hiện diện ở hầu hết các khu vực quan trọng bao gồm vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, có mạng lưới đồng minh rộng khắp dù giữa các “bạn bè” của Mỹ có mâu thuẫn với nhau. Mỹ cũng tăng cường kiềm tỏa Iran trên mặt trận kinh tế. Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức một mặt vẫn nằm trong liên minh quân sự với Mỹ, mặt khác lại có nhiều khác biệt trong cách tiếp cận với Mỹ về xử lý thỏa thuận hạt nhân Iran hay vấn đề Israel – Palestine.
 
Một ông lớn khác đáng chú ý là Nga – nhân tố được xem là “người thế chân” có vai trò quyết định mới tại Trung Đông sau khi Mỹ rút khỏi Syria. Chính sách ngoại giao được các nhà phân tích xem là thực dụng đã cho phép Nga duy trì đối thoại với nhiều bên khác nhau, bao gồm Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Israel và cả người Kurd. Tuy nhiên, đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga hay bất cứ một thế lực nào cả trong và ngoài khu vực có thể làm Trung Đông một sớm một chiều trở nên hòa bình. Người ta chỉ biết trông chờ vào một sự ổn định chiến lược, để không phải ngày ngày thấp thỏm lo sợ vì xung đột, hay bão đạn chiến tranh.
 
Giữa sự bất ổn đó, người dân tại vùng chiến sự ở Trung Đông là những nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Nội chiến, xung đột vũ trang giữa các phe cánh, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố khiến họ mất mạng, mất nhà cửa và phải tìm cách tha hương đi tìm miền đất hứa. Theo thống kê của Cao ủy LHQ về người tị nạn, tại Syria có hơn 400.000 người chết kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011. Tính đến nay, gần 6 triệu người Syria phải đi tị nạn. Ở Yemen, số người thiệt mạng là khoảng 100.000 người tính từ cuộc nội chiến năm 2015 và có 200.000 người phải rời bỏ quê nhà. Người dân tại nhiều quốc gia khác ở khu vực cũng trong cảnh không có điều kiện phát triển vì xung đột, bạo lực, giằng xé quyền lực.
 
 
 
NGỌC MAI 

TNO