24/11/2024

Indonesia – Trung Quốc căng thẳng trên biển

Indonesia huy động binh sĩ, chiến đấu cơ, tàu chiến và cả ngư dân đến quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông để đối phó tàu hải cảnh lẫn tàu cá Trung Quốc.

 

Indonesia – Trung Quốc căng thẳng trên biển

Indonesia huy động binh sĩ, chiến đấu cơ, tàu chiến và cả ngư dân đến quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông để đối phó tàu hải cảnh lẫn tàu cá Trung Quốc.


 
 
 

Khinh hạm KRI Tjiptadi (gần) so kè với tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna ngày 30.12.2019 	 /// Ảnh: Chụp màn hình Reqnews.com

Khinh hạm KRI Tjiptadi (gần) so kè với tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna ngày 30.12.2019   Ảnh: Chụp màn hình Reqnews.com

 

 
Ngày 7.1, không quân Indonesia điều 4 chiến đấu cơ F-16 tuần tra ở quần đảo Natuna nằm ở phía nam Biển Đông, theo Reuters. Trước đó một ngày, chuyên trang Jane’s Navy International đưa tin Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) đã triển khai ít nhất 600 binh sĩ và 2 khinh hạm chống tàu ngầm đến Natuna Lớn, đảo lớn nhất trong quần đảo Natuna.

Đợt huy động lớn nhất

Trung Quốc dùng vệ tinh dân sự theo dõi căn cứ Nhật ?

Tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin những hình ảnh về căn cứ thuộc lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản tại TP.Naha, tỉnh Okinawa mới đây xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, cho thấy vệ tinh dân sự của nước này có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo cho mục đích quân sự. Cụ thể, có 3 tập tin định dạng GIF được một tài khoản có tên China Aerospace, cũng là tên nhà thầu chính trong chương trình không gian của Trung Quốc, đăng trên mạng Weibo vào ngày 2.1. Các tập tin GIF cho thấy máy bay cất và hạ cánh tại căn cứ ở Naha, trong đó có một ảnh cận cảnh cho thấy hơn 10 máy bay đang đậu tại căn cứ và xe cộ chạy ngang. Những tập tin GIF được ghi tác giả là Công ty công nghệ vệ tinh Chang Guang – công ty vệ tinh thương mại đầu tiên của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Nhật cho chiến đấu cơ xuất kích từ căn cứ Naha để ngăn chặn các máy bay của nước ngoài xâm nhập trái phép, đặc biệt sau khi Không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin trên.

 

Văn phòng thông tin TNI khẳng định với Jane’s Navy International rằng đây là đợt triển khai lớn nhất về mặt nhân sự và lượng thiết bị quân sự tới quần đảo Natuna. Số binh sĩ được triển khai bao gồm từ lực lượng lính thủy đánh bộ, lục quân và phòng không. Hai khinh hạm vừa được điều đến Natuna là KRI Teuku Umar và KRI Tjiptadi. Không rõ 2 khinh hạm này có nằm trong số 4 tàu chiến mà Indonesia vừa triển khai đến quần đảo Natuna hay không. Hôm 6.1, sĩ quan Tri Rohadi thuộc hải quân Indonesia cho hay lực lượng này sẽ điều thêm 4 tàu chiến, nâng tổng số chiến hạm ở khu vực lên 8 chiếc, theo kênh CNA. Trong khi đó, ông Imam Hidayat, người phụ trách các hoạt động trên biển thuộc Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia, cùng ngày tiết lộ với Reuters rằng hiện có 6 tàu chiến nước này đang hiện diện ở quần đảo Natuna và thêm 4 chiếc đang trên đường đến nơi.

Ngoài việc triển khai tàu chiến và binh sĩ, TNI cho hay không quân Indonesia cũng đã cho máy bay tuần tra biển hoạt động trên bầu trời quần đảo Natuna từ ngày 5.1. Động thái này được cho là nhằm đối phó với việc tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng xâm nhập xung quanh quần đảo Natuna. “Các hoạt động đánh bắt trái phép được các tàu tuần duyên nước ngoài theo cùng, là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Indonesia”, văn phòng thông tin của TNI nhấn mạnh trong thông cáo, được cho là đề cập những hoạt động gần đây của tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng an ninh Indonesia Mahfud MD hôm 6.1 tiết lộ với giới phóng viên rằng 120 ngư dân từ đảo Java sẽ được đưa đến quần đảo Natuna để đối phó tàu Trung Quốc và bảo vệ lãnh hải, theo Hãng tin Antara. “Chúng tôi muốn huy động các ngư dân từ bờ biển phía bắc và có thể từ những khu vực khác đến đó đánh bắt và làm những việc khác”, ông Mahfud tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho những ngư dân hoạt động xung quanh quần đảo Natuna.

“Không bao giờ công nhận đường lưỡi bò”

Trong tháng 12.2019, phía Jakarta cho biết hàng chục tàu cá Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh Natuna. CNA dẫn lời sĩ quan Tri Rohadi cho hay tàu cá Trung Quốc hiện diện tại khoảng 30 điểm, mỗi điểm có thể có tới 2 tàu. Ngoài ra còn có 3 tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực. “Chúng tôi hy vọng họ sẽ rời đi. Những tàu cá này đang đánh bắt trái phép. Nếu họ không đi, chúng tôi muốn đuổi bắt họ để họ hiểu luật Indonesia”, ông Rohadi nhấn mạnh và cho biết thêm Ban An ninh hàng hải và lực lượng trên không Indonesia cũng đang tuần tra khu vực.
 
Hôm 30.12.2019, Bộ Ngoại giao Indonesia tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc vào EEZ của nước này quanh quần đảo Natuna, gọi đó là “sự vi phạm chủ quyền” và đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống đối với ngư dân Trung Quốc. Hai ngày sau, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ra thông báo tàu Trung Quốc gần đây vi phạm EEZ của Indonesia. “EEZ của Indonesia được Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) công nhận… Trung Quốc là một bên phê chuẩn UNCLOS, vì vậy Trung Quốc phải có trách nhiệm thực thi UNCLOS. Indonesia sẽ không bao giờ công nhận đường chín đoạn (đường lưỡi bò – NV), một yêu sách đơn phương do Trung Quốc đưa ra mà không có sự công nhận hợp pháp theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, bà Marsudi nhấn mạnh.
 
 
VĂN KHOA 

TNO