Qua những vụ đã xét xử, truy tố cho thấy lỗ hổng kiểm tra, giám sát để cá nhân này móc ngoặc với các quan chức thâu tóm công sản, gây thiệt hại cực lớn.
Khởi nghiệp từ nghề nhôm kính, chỉ trong thời gian ngắn, Phan Văn Anh Vũ đã sở hữu khối tài sản khổng lồ ở tuổi 38. Đến năm 42 tuổi, Vũ bị bắt bởi hàng loạt sai phạm chủ yếu liên quan việc thâu tóm đất công, chiếm đoạt tài sản ngân hàng.
Để có được gia sản, quyền lực, phải kể đến những “tấm bình phong”, sự bảo kê và thủ đoạn tinh vi của Vũ.
Lợi dụng bình phong “phục vụ an ninh”
Với những thủ đoạn câu kết, móc ngoặc để thâu tóm đất công,
Phan Văn Anh Vũ đã khiến hơn 20 lãnh đạo tỉnh, thành, 3 tướng công an cùng hàng chục cán bộ, đảng viên rơi vòng lao lý. Tổng cộng Vũ “thâu tóm” khoảng 36 địa chỉ nhà, đất vàng công sản tại Đà Nẵng và TP.HCM; tổng diện tích khoảng 63 ha, tổng thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách.
Ngoài thâu tóm đất công, Vũ còn nhúng tay cả vào việc chiếm đoạt, lũng đoạn ngân hàng. Cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố Vũ đồng phạm cùng với cựu Tổng giám đốc Đông Á Trần Phương Bình trong việc chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 203 tỉ đồng.
Phan Văn Anh Vũ được tuyển dụng vào lực lượng công an nhân dân, biên chế là nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo – Bộ Công an, từ 1.10.2009, sau đó được thăng lên hàm thượng tá. Sau khi phát hiện những sai phạm của Vũ, ngày 20.9.2017, Bộ Công an đã có quyết định kỷ luật giáng cấp bậc từ thượng tá xuống trung tá, đồng thời cách chức phó trưởng phòng biệt phái và cho xuất ngũ ra khỏi lực lượng công an. Sau đó, Vũ bị khởi tố và bắt tạm giam, đến ngày 25.5.2018 thì bị khai trừ khỏi Đảng.
Theo hồ sơ các vụ án, trong quá trình hoạt động trên danh nghĩa cán bộ tình báo, Vũ được tổng cục cho phép sử dụng thêm các tên gọi khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ, đồng thời cho phép sử dụng 2 công ty để làm tổ chức bình phong, gồm: CTCP xây dựng Bắc Nam 79 và CTCP Nova Bắc Nam 79, đều do Vũ làm chủ tịch HĐQT, hoặc là người đại diện theo pháp luật.
Chiêu bài quen thuộc của Vũ trong quá trình thâu tóm đất là sử dụng pháp nhân tổ chức bình phong gửi văn bản tới các địa phương để xin thuê, chuyển quyền sử dụng đất để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ hoặc để phát triển…tiềm lực ngành tình báo. Cùng với đó, trên cơ sở tham mưu của tổng cục, lãnh đạo Bộ Công an ký các văn bản gửi các bộ, ngành, các địa phương đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bình phong do Vũ điều hành. Tuy nhiên, sau khi được giao quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với nhiều ưu đãi, đặc quyền, Vũ lập tức tiến hành chuyển quyền sử dụng đất từ công ty sang cho cá nhân mình hoặc liên kết, chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác, nhằm thu lợi bất chính mà không có bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào phục vụ cho ngành tình báo.
Cụ thể, năm 2009, Vũ lấy danh nghĩa tổ chức bình phong CTCP Bắc Nam 79 để xin Đà Nẵng cho mua cơ sở nhà đất tại số 319 Lê Duẩn, Q.Thanh Khê “phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. Nhà đất có diện tích gần 200 m2 này được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt bán cho Vũ với giá 6,8 tỉ đồng, sau đó giảm tiếp 10% nên số tiền thực trả của Vũ chỉ hơn 6,2 tỉ đồng. Ngay sau khi CTCP xây dựng Bắc Nam 79 được nhận quyền sử dụng nhà đất, Vũ đã chuyển đổi sang tên cho mình và đem cho thuê lại với giá 110 triệu đồng/tháng, sau đó tăng giá lên 121 triệu đồng/tháng. Cơ sở nhà đất này được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở T.Ư kết luận có giá trị trên 31,3 tỉ đồng.
Năm 2014, Tổng cục Tình báo có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL cho CTCP xây dựng Bắc Nam 79 nhận quyền thuê đất số 15 Thi Sách, Q.1, TP.HCM (do Hãng phim Giải phóng đang sử dụng theo hình thức thuê nhà của Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) để “phục vụ an ninh”. Sau đó, Vũ chỉ phải bỏ số tiền hơn 29 tỉ đồng để hỗ trợ cho Hãng phim Giải phóng và 6,7 tỉ đồng cho TP.HCM rồi ôm trọn lô “đất vàng” có diện tích 2.336,9 m2 này theo hình thức thuê 50 năm. Chỉ một phần trong dự án này được Vũ và đối tác cho thuê đã thu về khoản tiền hơn 1.033 tỉ đồng.
Móc ngoặc quan chức
Bao nhiêu quan chức dính chàm ?
1 Vụ án cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước (đã xét xử)
Phan Văn Anh Vũ: 8 năm tù
Phan Hữu Tuấn, cựu trung tướng – Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (Bộ Công an): 7 năm tù
Nguyễn Hữu Bách, cựu đại tá – Phó cục trưởng Tổng cục Tình báo: 6 năm tù.
2 Vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (đã xét xử)
Phan Văn Anh Vũ: 15 năm tù
Phan Hữu Tuấn: 4 năm tù
Nguyễn Hữu Bách: 42 tháng tù
Bùi Văn Thành, cựu trung tướng – Thứ trưởng Bộ Công an: 30 tháng tù
Trần Việt Tân, cựu thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an: 36 tháng tù.
3 Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan nhà đất 15 Thi Sách, TP.HCM (đã xử sơ thẩm)
Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 7 năm tù Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở TN-MT: 6 năm 6 tháng tù Trương Văn Út, cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN-MT: 5 năm tù
Lê Văn Thanh, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM: 4 năm tù
mNguyễn Thanh Chương, cựu Trưởng phòng Đô thị – Văn phòng UBND TP.HCM: 3 năm tù.
4 Vụ án thâu tóm đất công ở Đà Nẵng (đang xét xử), ngoài Phan Văn Anh Vũ còn có các bị cáo từng là quan chức địa phương:
Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP (2006 – 2011)
Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP (2011 – 2014)
Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Phó chủ tịch UBND TP
Phan Xuân Ít, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP
Nguyễn Điểu, cựu Giám đốc Sở TN-MT
Trần Văn Toán, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT
Lê Cảnh Dương, cựu Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư TP
Nguyễn Văn Cán, cựu Chánh văn phòng UBND TP
Đào Tấn Bằng, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng
Nguyễn Viết Vĩnh, cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị Đà Nẵng
Nguyễn Đình Thống, cựu Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng
Nguyễn Thanh Sang, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính
Nguyễn Thị Thu Hà, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính
Nguyễn Công Lang, cựu Giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng.
Riêng tại vụ án thâu tóm, trục lợi đất công tại Đà Nẵng đang xét xử, Vũ đã cho thấy mình là tay “đầu cơ” nhà đất ranh ma, lọc lõi. Vũ lập hàng loạt công ty do anh, em, vợ, lái xe… cùng với tấm “bình phong” của một tình báo công an đầy quyền lực, đứng sau giật dây thâu tóm 15/22 nhà, đất công và 6/7 dự án, gây thiệt hại cho ngân sách gần 22.000 tỉ đồng.
Năm 2006, biết Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư An Cư 2 mở rộng và khu dân cư An Cư 3 mở rộng, Vũ lập Công ty TNHH Minh Hưng Phát, chỉ đạo Nguyễn Quang Thành (em vợ) và Lê Viết Bảo Duy (lái xe thuê) đứng tên góp vốn. Vũ giao Thành làm giám đốc, song toàn bộ hoạt động kinh doanh đều trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Bằng mối quan hệ với lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, Vũ được cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định giao đất cho Công ty Minh Hưng Phát mà không qua đấu thầu, với mức giá hơn 117 tỉ đồng. Sau khi Minh Hưng Phát được cấp giấy chứng nhận, Vũ chỉ đạo em vợ sang ngay tên cho Vũ toàn bộ 22 lô đất của dự án. Giá trị thực của dự án này được xác định là gần 3.000 tỉ đồng. Vũ đã trục lợi gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 2.873 tỉ đồng.
Cũng với thủ đoạn quan hệ mật thiết với lãnh đạo TP.Đà Nẵng, tấm bình phong của một nhân viên tình báo, Vũ đã “kiếm” được 6/7 dự án khu du lịch, chung cư với số tiền cực “khủng”. Tại khu đất 3.264 m2 trên đường Ngô Quyền (Q.Sơn Trà) được quy hoạch làm khu công viên An Đồn, ngày 20.11.2009, Vũ đã lấy danh nghĩa công ty bình phong tình báo, xin nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất trên và ủng hộ cho Bệnh viện Ung bướu TP 500 triệu đồng với lý do để phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an. Sau đó, từng bước khu đất này rơi vào tay Vũ. Cáo trạng xác định, hành vi thâu tóm của Vũ đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng. Với 15.577 m2 đất khu du lịch ven biển Vegas Resort đến khu du lịch Bến Thành Non Nước ở đường Trường Sa, Vũ cũng áp dụng cách tương tự để thâu tóm.
Cần cơ chế kiểm tra, giám sát đặc biệt
Qua các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, có thể khẳng định đang tồn tại lỗ hổng rất lớn quy trình thanh kiểm tra, giám sát và đặc biệt là sự bảo kê, tiếp tay quyết liệt của các quan chức thoái hóa, biến chất.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc Vũ và loạt lãnh đạo bị đưa ra xét xử là một thiệt hại rất lớn cả về tinh thần, vật chất và uy tín của Đảng. Từ trước tới nay, Đảng luôn xác định việc sử dụng cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng, nhưng sau những trường hợp như thế này, vẫn cần phải xem xét, đánh giá về phẩm chất, đạo đức cán bộ, để giao việc cho đúng. Giao sứ mệnh lớn lao như bảo vệ an ninh quốc gia vào tay những người không xứng đáng sẽ tạo ra những đối tượng như Vũ và thiệt hại thì không thể đong đếm được.
“Phan Văn Anh Vũ đã giả mạo, lợi dụng sắc phục của ngành công an để thực hiện hành vi dối trá, tham ô, trục lợi cho cá nhân thì cần phải trừng trị thích đáng, để người khác không muốn, không dám trở thành Phan Văn Anh Vũ thứ hai. Nhưng đó vẫn chỉ là giải quyết về sự vụ. Cái cần nói đến nhiều hơn là xử lý về mặt cơ chế, chính sách để kiểm soát không cho những người không đủ phẩm chất, năng lực lọt vào hệ thống”, đại biểu Hòa đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, cũng nhận định để xảy ra những việc trên trong thời gian dài, hậu quả nghiêm trọng như vậy cho thấy công tác quản lý, kiểm tra giám sát của chúng ta còn có vấn đề. Riêng Phan Văn Anh Vũ đã làm nhiều lãnh đạo TP.HCM, Đà Nẵng cũng rơi vào vòng lao lý. “Đúng là quy định của pháp luật có cho phép các lực lượng áp dụng các biện pháp đặc biệt với những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng như vậy thì cơ chế kiểm tra, giám sát phải có một trình tự đặc biệt, vì đây là những vấn đề mang tính chất cơ mật”, ông Hồng nói và nhấn mạnh trong một chừng mực nhất định, rõ ràng là chưa có kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện sai phạm, gây ra những thiệt hại như chúng ta đều biết.
Cả ông Hồng và ông Hòa đều cho rằng cần phải nói đến việc thực hiện chức trách lãnh đạo các địa phương, bởi một mình Vũ không thể khuynh đảo như vậy. “Theo tôi thì các lãnh đạo địa phương đó không thể là nạn nhân được. Họ có thể hành vi câu kết với nhau, có thể làm ngơ, có thể đồng lõa để Vũ “nhôm” sai phạm. Tất nhiên, người ta sẽ lấy rất nhiều lý do để biện hộ cho việc này, mà lá bài lớn nhất là “an ninh quốc gia”, là Vũ “nhôm” có giới thiệu, để xuất của các đơn vị có chức trách… thì người ta tạo điều kiện. Những lý do đó chỉ là ngụy biện, để tạo ra sự ngoại phạm cho mình. Nếu họ làm đúng chức trách, đúng quy định thì không thể xảy ra những sai phạm tày đình như vậy. Lãnh đạo đến tầm đó rồi thì đều nhận thức rất rõ các quy định của pháp luật. Ngồi vị trí đó nói không biết là không đúng”, ông Hòa bày tỏ quan điểm.