Toàn cảnh căng thẳng Mỹ – Iran quanh vụ Đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị đập phá
Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ người biểu tình xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq, nhưng Iran đã đáp trả rất mạnh mẽ. Nhiều khả năng Tehran sẽ không dịu giọng.
Toàn cảnh căng thẳng Mỹ – Iran quanh vụ Đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị đập phá
Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ người biểu tình xông vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq, nhưng Iran đã đáp trả rất mạnh mẽ. Nhiều khả năng Tehran sẽ không dịu giọng.
An ninh Iraq và người biểu tình đứng bên ngoài khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq ngày 1-1 – Ảnh: REUTERS
Từ ngày 1-1, người biểu tình Iraq đã tạm ngưng gây sức ép lên Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq), sau khi những lãnh đạo dân quân và chính quyền yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình ngày càng có dấu hiệu bạo lực suốt hai ngày. Tuy nhiên, căng thẳng giữa các bên không vì vậy chấm dứt.
Lời kêu gọi kiềm chế trên được đưa ra sau khi người biểu tình ở Iraq xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đập phá, còn quân đội Mỹ xịt khí gas vào người biểu tình. Hôm 31-12-2019, trong đám đông biểu tình, người ta nghe câu “Cái chết cho nước Mỹ”.
Vụ bạo loạn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai khoảng 750 lính Mỹ tới khu vực trên, ông nói Iran phải chịu trách nhiệm “hoàn toàn” cho vụ tấn công đại sứ quán. Khoảng 3.000 lính bổ sung cũng đang chuẩn bị cho một đợt triển khai bất kỳ trong vài ngày tới, theo tạp chí TIME.
Nguyên cớ của vụ tấn công đại sứ quán bắt nguồn từ việc người biểu tình phản đối các đợt không kích của Mỹ làm chết 25 tay súng cuối tuần trước.
Nhưng vụ không kích của Mỹ cũng là một hành động trả đũa dành cho vụ tấn công bằng rocket vào căn cứ quân sự ở Iraq, khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng và làm bị thương các quân nhân Iraq.
Trong khi Mỹ tố Iran đứng sau cuộc biểu tình bạo lực, Tehran thẳng thừng bác bỏ. Vụ việc này tạo căng thẳng giữa Iraq và Mỹ, khi an ninh Iraq bị cho là đã không nỗ lực dẹp cuộc biểu tình. Theo AP, hiện còn khoảng 5.000 lính Mỹ đồn trú ở Iraq và một số người trong nhóm các tay súng do Iran bảo trợ muốn lính Mỹ phải rút lui.
Tóm tắt những diễn biến chính của căng thẳng nói trên:
Ngày 27-12-2019: Nhà thầu quân sự Mỹ bị giết trong cuộc tấn công bằng rocket tại Iraq
Một nhà thầu quân sự Mỹ đã thiệt mạng sau vụ tấn công nhằm vào khu quân sự Iraq gần thành phố Kirkuk, Iraq. Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, vụ tấn công này cũng làm bị thương 4 quân nhân Mỹ và 2 thành viên lực lượng an ninh Iraq.
Mỹ đổ lỗi cho các tay súng do Iran bảo trợ trong vụ việc trên. Hôm 30-12, nhóm tay súng này không nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Ngày 29-12-2019: Mỹ không kích giết 25 tay súng
Đáp lại vụ tấn công rocket, Mỹ ngày 29-12 thực hiện không kích tại 5 địa điểm khác nhau nhằm vào nhóm tay súng Kataeb Hezbollah được cho do Iran bảo trợ. AP đưa tin vụ không kích này đã làm chết 25 tay súng.
Trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman tuyên bố Mỹ và đối tác liên minh hoàn toàn tôn trọng chủ quyền Iraq và ủng hộ một Iran hùng mạnh, độc lập. “Mỹ, tuy nhiên, sẽ không ngại thực thi quyền tự vệ của mình”, ông Hoffman nói.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra khi chính quyền Iraq tỏ ý bất mãn vì cuộc tấn công này, cho rằng vụ không kích trên lãnh thổ Iraq là vi phạm chủ quyền.
Ngày 30-12-2019: Iraq thể hiện sự phản đối
Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi tại cuộc phát biểu trước nội các tuyên bố để tang 3 ngày đối với những người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ. Ông cũng cho biết đã cố gắng ngăn Mỹ nhưng bất thành.
Ngày 31-12-2019: Người biểu tình xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ
Sau lễ an táng các tay súng, người biểu tình xông vào khu vực tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, Iraq.
Người biểu tình tụ tập bên ngoài khu vực này và hô các khẩu hiệu như “Cái chết cho nước Mỹ” và “Cái chết cho Israel”.
AP tường thuật họ ném đá và chai nước vào tường tòa nhà ở khu vực trên, xông vào từ cửa chính, đốt cháy khu vực tiếp tân và phủ cờ của các tay súng cũng như vẽ graffiti lên tường nhà để thể hiện sự phản đối.
Điểm căng thẳng nữa nằm ở chỗ lực lượng an ninh Iraq bị tố không nỗ lực ngăn bạo lực biểu tình, ngược lại cho phép người biểu tình lọt qua kiểm tra an ninh. Các lãnh đạo của nhóm vũ trang được cho ủng hộ Iran cũng đã tham gia biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.
Sau vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ đưa quân bổ sung để hỗ trợ đại sứ quán, đồng thời kêu gọi Iraq giúp bảo vệ khu vực này.
Trên Twitter, Tổng thống Trump đổ lỗi cho Iran trong vụ nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng cũng như vụ xông vào tòa nhà đại sứ quán. Ông khẳng định “họ sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ” và “thêm vào đó, chúng tôi kỳ vọng Iraq sẽ dùng lực lượng an ninh để bảo vệ đại sứ quán”.
Ngày 1-1-2020: Lính Mỹ xịt hơi gas và người biểu tình rút lui
Ngày đầu năm, 1-1, người biểu tình tiếp tục phản đối và bắt đầu đốt cháy nóc nhà ở khu vực tiếp tân. Diễn biến này dẫn tới việc lính Mỹ xịt hơi gas vào đám đông.
Tổng thống Trump trong khi đó ra lệnh điều thêm lính tới Trung Đông. Được biết khoảng 750 lính đang được gửi đi và thêm 3.000 lính có khả năng được điều động trong vài ngày tới.
Cùng ngày, các lãnh đạo trong phe biểu tình tuyên bố rút lui vì đã đạt được mục đích.
TTO