Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM: Đổi mới môn thể dục
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã tăng thêm hai tiết giáo dục thể chất tự chọn cho học sinh từ học kỳ II năm học 2018-2019 ngoài số tiết quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM: Đổi mới môn thể dục
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã tăng thêm hai tiết giáo dục thể chất tự chọn cho học sinh từ học kỳ II năm học 2018-2019 ngoài số tiết quy định của Bộ GD-ĐT.
Hằng tuần, em đều mong đến ngày thứ ba để được học giáo dục thể chất tự chọn. Khi đó, em được phát huy khả năng đá bóng của mình.
PHẠM PHÚ KHANG
Cơ sở 2 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tại Q.2, TP.HCM một buổi chiều cuối năm 2019. Sân trường rộng thênh thang với nhiều nhóm nam sinh học và thi đấu bóng đá, bóng rổ, kỹ năng chạy chéo và vượt chướng ngại vật, aerobic, taekwondo… Chiều hôm ấy là giờ học thể dục tự chọn của dân “Trần chuyên”.
Từ nhu cầu rèn luyện thể chất
Cô Trần Thị Hồng Thủy – phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Bắt nguồn từ nhu cầu tăng cường rèn luyện thể lực của học sinh, từ học kỳ II năm học 2018-2019 trường thí điểm tăng thêm hai tiết giáo dục thể chất cho học sinh khối 6, khối 7, ngoài hai tiết giáo dục thể chất theo chương trình của Bộ GD-ĐT”.
Cô Thủy cũng cho biết từ năm học 2019-2020, chương trình này mở rộng cho học sinh khối 8 và khối 10. Ở hai tiết giáo dục thể chất tự chọn, học sinh sẽ chọn một môn học yêu thích như: vận động thể lực tổng hợp (bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy bền…); aerobic, võ nhạc taekwondo.
Phạm Phú Khang – học sinh lớp 6A5 – tâm sự: “Em thích bóng đá từ lâu nhưng chưa có điều kiện học. Em rất bất ngờ khi biết trường có dạy bóng đá cho học sinh. Tụi em được học ngay trên sân cỏ trong khuôn viên trường nên rất thuận lợi. Hằng tuần, em đều mong đến ngày thứ ba để được học giáo dục thể chất tự chọn. Khi đó, em được phát huy khả năng đá bóng của mình”. Phú Khang là một “hậu vệ” khá xuất sắc của lớp.
Bóng đá không chỉ có nam sinh, nhiều nữ sinh như Minh Tâm (lớp 7A8), Quỳnh Linh và Thiên Ân (lớp 7A9)… cũng chọn. Minh Tâm thổ lộ: “Em thích bóng đá lâu rồi nhưng mẹ em bảo con gái học bóng đá làm gì? Bây giờ được nhà trường khuyến khích nên mẹ không cấm cản nữa. Em rất vui vì điều này”.
Tương tự, Quỳnh Linh tâm sự: “Có bữa thầy còn cho chúng em thi đấu bóng đá với các bạn nam cùng khối. Tuy mệt thật nhưng rất vui và hào hứng vì chúng em được thỏa đam mê”.
Tăng sự minh mẫn, sáng tạo
Tuy vậy, để tổ chức thêm hai tiết giáo dục thể chất tự chọn ban đầu cũng gặp những khó khăn. Do số tiết học trong tuần của học sinh là cố định, không thể bắt học sinh đi học sớm hơn hoặc ra về trễ hơn. Nếu tăng tiết môn này chắc chắn phải giảm tiết học của môn khác.
“Thời gian đầu, một số giáo viên dạy các môn văn hóa không đồng tình vì nhà trường giảm số tiết dạy của họ. Mà giảm tiết đồng nghĩa với việc giảm thu nhập của giáo viên. Ngay cả phụ huynh cũng thế. Có người thắc mắc sao trường không tăng tiết những môn văn hóa để giúp học sinh bậc THCS thi đậu vào lớp 10 trường THPT top đầu, học sinh bậc THPT thi đậu vào trường ĐH nổi tiếng chứ tăng tiết thể dục thì ích lợi gì” – cô Hồng Thủy nhớ lại.
Tuy nhiên, khi ban giám hiệu nhà trường phân tích về tình trạng lười hoạt động dẫn đến béo phì ở học sinh, tình trạng học sinh chỉ biết giải trí bằng game, bằng iPhone, iPad… Học sinh cần có cơ thể khỏe mạnh để duy trì sự minh mẫn, sáng tạo… việc tăng tiết thể dục đã được các giáo viên và phụ huynh ủng hộ.
“Dự kiến nhà trường sẽ mở rộng chương trình trên theo dạng cuốn chiếu, tiến tới thực hiện đại trà cho 100% học sinh toàn trường vào những năm học tiếp theo” – cô Thủy nói thêm.
Bất ngờ với aerobic
Rất bất ngờ khi phòng học aerobic có khá nhiều nam sinh tham gia và tập khí thế. V.Việt – học sinh lớp 7 – bày tỏ: “Em nghĩ thể dục là môn học để rèn luyện thân thể, làm cho mình khỏe hơn là đạt yêu cầu. Em chọn aerobic vì được tập ở trong phòng. Em không thích ra ngoài nắng. Nhiều người cứ nghĩ aerobic là môn học của con gái chứ thực tế hơn 40% lớp học là nam. Nhìn vậy thôi chứ khi tập ra mồ hôi dữ lắm”.
TTO