26/11/2024

Trẻ mắc bệnh cúm tăng, phụ huynh ‘săn’ thuốc tamiflu giá cao

Nhiều trẻ lũ lượt đến khám tại các bệnh viện với các triệu chứng cúm. Bệnh lây lan nhanh khiến nhiều phụ huynh lo lắng và “mách” nhau “săn” mua tamiflu cho con uống, dù thuốc khan hiếm và đội giá. Có nên tự ý uống tamiflu?

 

Trẻ mắc bệnh cúm tăng, phụ huynh ‘săn’ thuốc tamiflu giá cao

Nhiều trẻ lũ lượt đến khám tại các bệnh viện với các triệu chứng cúm. Bệnh lây lan nhanh khiến nhiều phụ huynh lo lắng và “mách” nhau “săn” mua tamiflu cho con uống, dù thuốc khan hiếm và đội giá. Có nên tự ý uống tamiflu?

 
 
 
 
 
Mùa cúm, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, không tự ý uống tamiflu /// Nguyên Mi

Mùa cúm, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ, không tự ý uống tamiflu    Nguyên Mi

 

 

Mùa cúm

Chị Trần Thanh Tâm (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) có hai con nhỏ, gồm bé gái 4 tuổi và bé trai 2 tuổi, thì cả hai lần lượt đều bị cúm. Thấy con gái sốt 2 ngày liên tục, uống thuốc hạ sốt không hết, kèm theo ho và chảy nước mũi và bé than đau mỏi chân tay, chị đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Bác sĩ chẩn đoán bé bị cúm, cần cách ly điều trị và theo dõi sát diễn biến bệnh.
 
Con gái chưa hết bệnh thì qua ngày hôm sau, đến lượt bé trai 2 tuổi bị các triệu chứng y như chị và cũng được theo dõi, điều trị cúm.
 
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng ghi nhận, tuần vừa qua, nhiều bệnh nhi đến khám và xét nghiệm có kết quả dương tính với cúm A. Các bé sốt cao liên tục từ 39-40 độ C, ngày đầu tiên vẫn chơi nên phụ huynh chủ quan. Sau đó, thấy con mệt, họng đau, hơi đau mắt, nhiều phụ huynh đưa trẻ đi khám và phát hiện cúm.
 
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: Bệnh cúm đáng lo ngại là khả năng lây lan nhanh, số lượng người mắc tăng nhanh và có thể gây thành dịch, đặc biệt là ở những nơi đông người.
 
Bệnh lây từ dịch tiết đường hô hấp như hắt hơi, ho, sổ mũi đẩy siêu vi ra không khí khiến người khác hít phải và gây bệnh nhanh.
 
Siêu vi cúm dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ trên 50 độ C hoặc tia nắng mặt trời khi ra môi trường. Ở điều kiện thời tiết lạnh và độ ẩm thấp thì vi rút cúm lại tồn tại bên ngoài lâu. Vì vậy, mùa này là mùa cúm.

Không tự ý dùng tamiflu

Đặc biệt, trước tình trạng trẻ mắc cúm gia tăng và lây lan nhanh, nhiều phụ huynh đã “mách nước” lẫn nhau “săn” mua tamiflu cho con uống.
 
Trong khi đó, thuốc tamiflu đang khan hiếm và trên thị trường bị đội giá rất cao. Chị Ngô Bảo Minh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết chị vừa mua tamiflu với giá 180.000 đồng/viên (gấp 4-5 lần bình thường), có nhà thuốc bán đến 200.000 – 250.000 đồng/viên.
 
“Đa số bệnh do vi rút cúm sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày nên không cần thiết phải “săn” tamiflu”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khẳng định.
 
Các bác sĩ cảnh báo, tamiflu là thuốc kháng vi rút, phải dùng theo hướng dẫn và có chỉ định của bác sĩ, người dân không được tự mua uống.
 
“Chỉ một số bệnh nhân có cơ địa đặc biệt, có thể gây biến chứng viêm phổi và đe dọa tính mạng như phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, phổi mạn tính mới phải dùng thuốc”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Nhận biết bệnh cúm

Theo bác sĩ Khanh: Bệnh cúm là bệnh do vi rút (siêu vi) cúm chứ không phải bệnh “cảm cúm” dân gian thông thường. Vi rút gây bệnh cúm thường là: cúm A (H1N1), A (H3N2), B (Victoria), B (Yamagata).
 
Triệu chứng của bệnh do vi rút cúm không giống với bệnh cảm thông thường (có khi được gọi là cảm cúm). Bệnh cúm thường sốt cao, đau nhức mình mẩy, đau đầu, mệt mỏi và kèm triệu chứng hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng); trong khi bệnh cảm thông thường chủ yếu là triệu chứng hô hấp chứ không sốt cao”, bác sĩ Khanh lưu ý.
 
Bác sĩ Nam cho biết thêm: Bệnh cúm thường diễn tiến trong khoảng 1 tuần và đa phần sẽ tự khỏi. Chỉ có một vài trường hợp diễn tiến rất nặng, thường gặp là biến chứng viêm phổi diễn tiến nhanh, lan tỏa cả 2 phổi, có thể gây suy hô hấp nặng và tử vong nếu không được điều trị nhanh, phù hợp, kịp thời.
 
Các biến chứng khác của cúm có thể là viêm tai, viêm phế quản, viêm não… Đôi khi tình trạng nhiễm cúm làm suy giảm chức năng bảo vệ của đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng trong vùng xoang, họng tấn công gây bội nhiễm nặng. 
 
Cách phòng cúm
Để phòng bệnh cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần:
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
– Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
– Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
– Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
 
 
 
VIÊN AN