28/11/2024

Ngành khó tuyển, đóng cửa hay phối hợp đào tạo ?

Một số ngành ở các trường ĐH đang trong tình trạng không tuyển sinh được, nên đóng cửa ngành hay tiếp tục tuyển sinh là bài toán ‘đau đầu’ với lãnh đạo nhiều trường hiện nay.

 

Ngành khó tuyển, đóng cửa hay phối hợp đào tạo ?

Một số ngành ở các trường ĐH đang trong tình trạng không tuyển sinh được, nên đóng cửa ngành hay tiếp tục tuyển sinh là bài toán ‘đau đầu’ với lãnh đạo nhiều trường hiện nay.



 
 
 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Năm 2020, dự kiến nhiều ngành học sẽ đóng cửa do không có thí sinh  	 /// Ảnh: Ngọc Dương

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Năm 2020, dự kiến nhiều ngành học sẽ đóng cửa do không có thí sinh   Ảnh: Ngọc Dương

 

 

TIếp tục, phải bù lỗ kinh phí

Trong phương án tuyển sinh 2020 vừa công bố, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành công nghệ vật liệu dệt may và kỹ thuật nữ công. Trước đó, năm 2019 trường thông báo tuyển chương trình đại trà 50 chỉ tiêu ngành công nghệ vật liệu dệt may và 30 chỉ tiêu ngành kỹ thuật nữ công.
 
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới trường có quyết định trên. Trước hết, đây là những ngành ít thí sinh đăng ký, do vậy nếu tiếp tục đào tạo trường phải bù lỗ kinh phí. Bên cạnh đó, do ít thí sinh tham gia xét tuyển nên điểm chuẩn không cao, ảnh hưởng đến mặt bằng điểm đầu vào chung của trường. Theo ông Dũng, mỗi năm ngành kỹ thuật nữ công chỉ tuyển được 20 – 30 sinh viên.

Sẽ tính đến việc phối hợp để đào tạo giữa các trường. Khi đó, sinh viên vẫn được theo học ngành đăng ký ban đầu, trường vẫn mở lớp mà không phải tính đến phương án nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh. Cách làm này tăng hiệu quả trong tuyển sinh và đào tạo giữa các trường gần nhau

Tiến sĩ TRẦN LĂNG (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên)

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng quyết định tạm dừng tuyển sinh một vài ngành trong năm tới như ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường… Lý do những năm gần đây các ngành này khó tuyển.
 
Trong khi đó, dù khó tuyển trong nhiều năm nhưng có trường vẫn tiếp tục tuyển sinh thêm một năm nữa. Tiến sĩ Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai, cho biết dự kiến trường sẽ tiếp tục tuyển sinh các ngành khó tuyển trong năm 2020 nhưng với chỉ tiêu khoảng 30 thí sinh mỗi ngành. Theo quy định, ngành đào tạo nếu 3 năm liên tiếp không tuyển sinh được thì sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành nên trường sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh và tiếp tục thêm 1 năm nữa.
 
Cũng theo tiến sĩ Thắng, 2 ngành ngoài sư phạm như khoa học môi trường và quản lý đất đai mới có quyết định tuyển sinh bậc ĐH năm đầu tiên vào 2019. Kết quả, ngành khoa học môi trường mở được lớp nhưng chỉ có 7 người học. Ngành quản lý đất đai thì không mở được lớp do chỉ có 2 – 3 thí sinh trúng tuyển. “Có thể do quyết định tuyển sinh có muộn, thông tin đến với người học chưa nhiều nên việc tuyển khó khăn. Năm tới trường sẽ tiếp tục tuyển sinh 2 ngành này với chỉ tiêu khoảng 30 – 40 thí sinh mỗi ngành”, tiến sĩ Thắng nói.
 
Trước đó, năm 2019 Trường ĐH Đồng Nai là một trong số các trường nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh do không đủ người học. Trong đó, bậc ĐH có tới 4 ngành không có thí sinh nào trúng tuyển gồm: sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử và quản lý đất đai. Các ngành này dù không có thí sinh trúng tuyển nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức rất cao so với các ngành khác, từ 18,5 đến 24,7 điểm.

Các trường phối hợp đào tạo

Trong khi đó, một trong những phương án đang được tính tới ở các trường có nhiều ngành khó tuyển là phối hợp với trường khác trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
 
Năm 2019, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có 2 ngành điểm chuẩn ở mức 20 – 22 nhưng không có thí sinh trúng tuyển là công nghệ sau thu hoạch và công nghệ kỹ thuật xây dựng. Dù không mở được lớp năm trước đó, nhưng trường vẫn dự kiến sẽ tiếp tục tuyển trong năm 2020.
 
Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng nhà trường, trường sẽ tiếp tục tuyển nhưng sẽ tiến hành chặt chẽ để tránh tình trạng thí sinh phải chuyển qua trường khác vào phút cuối như năm vừa qua. Các phương án đẩy mạnh công tác tuyển sinh được đặt ra như xét tuyển nhiều phương thức và phối hợp với trường ĐH khác cùng đào tạo ngành này để mở lớp.
 
Cụ thể, theo PGS-TS Xê: “Nếu đủ số lượng thì trường sẽ mở lớp đào tạo riêng, không đủ thì trường sẽ phối hợp với trường khác có đào tạo ngành này. Những học phần đủ lớp sẽ đào tạo tại trường, học phần không đủ trường sẽ gửi sinh viên tới học tại trường khác và công nhận tín chỉ tương đương. Trường sẽ có trách nhiệm trong việc tổ chức cho sinh viên học tập để đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường”.
 
Trường ĐH Phú Yên cũng có nhiều ngành khó tuyển trong năm 2019. Kết thúc đợt 1 tuyển sinh, trường này có khoảng 200 người trúng tuyển nhưng chủ yếu nguồn tuyển bằng phương thức học bạ. Phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia, dù điểm chuẩn bằng sàn nhưng chỉ 76 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trong năm 2019. Nhiều ngành bậc ĐH chỉ có 1 – 2 thí sinh trúng tuyển như: sư phạm lịch sử, sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh. Thậm chí, các ngành như sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn không có thí sinh trúng tuyển.
 
Tiến sĩ Trần Lăng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường chưa họp bàn chốt phương án tuyển sinh các ngành trong năm 2020. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, các trường ĐH có thể tính đến phương án cùng phối hợp với nhau trong tuyển sinh và đào tạo các ngành khó tuyển.
 
Theo ông Lăng, năm 2018 một thỏa thuận giữa 4 trường ĐH địa phương đã được ký kết gồm: Trường ĐH Phú Yên, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, Trường ĐH Quảng Nam và Trường ĐH Khánh Hòa. Một trong các nội dung của thỏa thuận này là cùng phối hợp đào tạo ngành ít thí sinh đăng ký mà các trường có đào tạo. Chẳng hạn, 4 trường cùng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non nhưng số lượng thí sinh không đủ mở lớp ở mỗi trường thì sẽ phối hợp để đào tạo tại một trường.
 
“Khi đó, sinh viên vẫn được theo học ngành đăng ký ban đầu, trường vẫn mở lớp mà không phải tính đến phương án nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh. Cách làm này tăng hiệu quả trong tuyển sinh và đào tạo giữa các trường gần nhau”, tiến sĩ Lăng chia sẻ.
 
Ngoài cách làm trên, cũng theo ý kiến cá nhân, tiến sĩ Lăng cho rằng có thể tiến tới cách phối hợp giữa trường ĐH địa phương và trường ĐH tại TP.HCM. Theo đó, sinh viên có thể học 2 năm đầu tại trường địa phương và 2 năm sau tại TP.HCM trong cùng một ngành. Cách làm này cũng giúp tiết kiệm chi phí cho người học. Tuy nhiên để thực hiện cách phối hợp này, các trường phải ngồi lại với nhau để cùng bàn về quá trình đào tạo và công nhận tín chỉ lẫn nhau.
 
 
 
HÀ ÁNH