Tìm việc qua ‘chợ’ việc làm online
Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp đã gần hơn thông qua ‘chợ’ việc làm online.
Tìm việc qua ‘chợ’ việc làm online
Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp đã gần hơn thông qua ‘chợ’ việc làm online.
Việc đưa “chợ” việc làm online vào hoạt động sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm việc Ảnh: T.Hằng
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Cuối tháng 12.2019, lần đầu tiên Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với 6 tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm online. Khác với các phiên giao dịch việc làm truyền thống – người lao động (NLĐ) đến phỏng vấn trực tiếp với các nhà tuyển dụng tại sàn việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, tại phiên “chợ” việc làm online, có sự kết nối, liên thông giữa các doanh nghiệp (DN) ở nhiều tỉnh thành.
Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết thông thường mỗi phiên giao dịch việc làm, chỉ 30 – 40 DN tham gia. Khi kết nối giữa các địa phương, có tới 118 DN đăng ký tuyển dụng 6.670 vị trí. Vì vậy, đến với phiên “chợ” việc làm online, cả NLĐ và DN có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng. NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.
Tình cờ biết đến “chợ” việc làm online khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội khai báo thất nghiệp, Trần Minh Hùng (28 tuổi), quê Ninh Bình, bộc bạch: “Mình cũng đã tìm việc qua cả kênh truyền thống lẫn kênh online nhưng thường vẫn phải đến trực tiếp để xem xét, nộp hồ sơ và gặp trực tiếp nhà tuyển dụng. Tại “chợ” việc làm online, mình thấy có sự sàng lọc khá tốt, đều là các nhà tuyển dụng có chất lượng. NLĐ có thể kết nối DN từ xa thông qua máy tính với âm thanh, hình ảnh rõ ràng. Đặc biệt, cách thức này còn giúp NLĐ và DN rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại. Nhờ đó mình tìm được công việc tại TP.Đà Nẵng mà không mất một chi phí nào”.
Chị Bùi Ngọc Ngà, 32 tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội, bày tỏ: “Những lần trước, mình chuẩn bị hồ sơ, gửi hồ sơ ứng tuyển, mất rất nhiều thời gian chờ đợi mới được gọi. Lần đầu tham gia phiên giao dịch việc làm online, mình thấy khá thoải mái và hài lòng. Thời gian nhanh gọn, không tốn chi phí, thông tin chính thống, tránh hiện tượng lừa đảo qua môi giới trung gian”.
Từ năm 2020, phát triển thị trường lao động online
Theo ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), trước đây, một số trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương đã thí điểm phiên giao dịch việc làm online nhưng với quy mô nhỏ, ít DN tham gia. “Lần đầu tiên, có sự kết nối 6 tỉnh trải dài cả Bắc – Trung – Nam. Trong đó, có những địa phương có nguồn nhân lực dồi dào như Thanh Hóa, những địa phương cần nhiều lao động như Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh. Như vậy, NLĐ ở Thanh Hóa sẽ không phải vào trực tiếp Bình Dương để tuyển dụng mà có thể ở tại Thanh Hóa vẫn được phỏng vấn trực tiếp ở Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh. Cơ hội tìm việc làm NLĐ và cơ hội tìm kiếm nhân sự của DN cũng sẽ cao hơn”, ông Huy nói.
“Chợ” việc làm online không chỉ được tổ chức kết nối cung cầu lao động dịp cuối năm, tới đây sẽ được các địa phương tổ chức hằng tuần và liên kết các tỉnh thành tổ chức “chợ” phiên hằng tháng theo chuyên đề. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trong năm 2020, các hoạt động giao dịch việc làm sẽ được bộ này quan tâm và đổi mới, hình thức phong phú và đa dạng hơn.
Ông Lê Văn Thanh cho hay hiện Bộ đang triển khai thu thập các thông tin thị trường lao động. Tới đây, các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để tư vấn việc làm cho NLĐ. Không chỉ giúp NLĐ đang có nhu cầu tìm việc, đến với “chợ” việc làm online, NLĐ còn được các nhà tuyển dụng, các chuyên gia tư vấn định hướng, tư vấn công việc phù hợp. NLĐ cần nâng cao trình độ có thể kết nối với các cơ sở đào tạo.
THU HẰNG