Về tay người Thái, bia Sài Gòn vẫn chưa công bố Báo cáo thường niên 2017
Đã nửa năm trôi qua nhưng đến nay, Sabeco vẫn không nộp Báo cáo thường niên 2017.
Về tay người Thái, bia Sài Gòn vẫn chưa công bố Báo cáo thường niên 2017
Đã nửa năm trôi qua nhưng đến nay, Sabeco vẫn không nộp Báo cáo thường niên 2017.Công ty bia Sài Gòn bị nhắc nhở lần 2 chậm công bố thông tin NGỌC DƯƠNG
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết đến nay, cơ quan này vẫn chưa nhận được Báo cáo thường niên 2017 của Tổng công ty cổ phần bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đây là lần nhắc nhở thứ hai của Sở Giao dịch chứng khoán và yêu cầu Sabeco khẩn trương nộp báo cáo kèm công văn giải trình về việc chậm công bố thông tin.
Theo quy định, các công ty đại chúng phải lập báo cáo thường niên và công bố chậm nhất 20 ngày sau khi báo cáo tài chính năm được kiểm toán nhưng không quá 120 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính. Như vậy tính đến nay Sabeco đã trễ hạn đến hơn 60 ngày so với quy định.
Trước đó vào cuối tháng 4, Sabeco tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu bổ sung các thành viên Hội đồng quản trị. Ông Koh Poh Tiong đến từ tập đoàn Thaibev, đại diện Công ty TNHH Việt Nam Beverage đang sở hữu hơn 53% vốn điều lệ, đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco và thêm 3 thành viên Hội đồng quản trị cũng từ nhà đầu tư ngoại này.
Kể từ đó đến nay, Sabeco đã nhiều lần hoãn Đại hội cổ đông thường niên 2018 và mới đây công ty này thông báo sẽ tổ chức vào ngày 21.7. Đặc biệt tại Đại hội cổ đông thường niên sắp tới, nhà đầu tư ngoại sẽ lấy ý kiến cổ đông để sửa đổi điều lệ, thay đổi ngành nghề kinh doanh của Sabeco. Phía cổ đông lớn đề nghị bỏ các hoạt động kinh doanh sản phẩm gạo, đường mía, đường củ cải hay hoạt động định giá, đấu giá quảng cáo và kinh doanh du lịch lữ hành nội địa cùng quốc tế.
Theo giải thích, các ngành nghề được đề nghị bỏ không phải là lĩnh vực hiện Sabeco đang kinh doanh và công ty cũng sẽ không triển khai các hoạt động này trong tương lai, nên việc loại bỏ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các ngành nghề này lại làm hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, nhà đầu tư Thái Lan cũng đề xuất thay đổi mô hình cơ cấu quản lý tại Sabeco. Cụ thể, doanh nghiệp này cho rằng thời gian qua, hoạt động của Ban kiểm soát tại Sabeco chưa cho thấy tính độc lập và hiệu quả thật sự. Do đó, hãng này đề xuất đổi mô hình có Ban kiểm soát sang mô hình có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị thay cho Ban kiểm soát. Điều kiện là công ty phải đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập.
Riêng khoản “nợ” gần 2.500 tỉ đồng đang bị Bộ Tài chính đòi từ lợi nhuận còn lại cuối năm 2016 trở về trước chưa chia hết thuộc về cổ đông nhà nước tại Sabeco đến nay vẫn chưa có lời giải.
MAI PHƯƠNG