Thầy giáo gom ve chai làm thiết bị thí nghiệm để trò vui học hoá
Nguyên liệu là vỏ hộp sữa của con gái, đồ ve chai; kiến thức chuyên môn kỹ thuật học trên mạng… thầy giáo Nguyễn Văn Nhã chế tạo nhiều thiết bị giúp bài học sôi động, dễ hiểu với học trò.
Thầy giáo gom ve chai làm thiết bị thí nghiệm để trò vui học hoá
Nguyên liệu là vỏ hộp sữa của con gái, đồ ve chai; kiến thức chuyên môn kỹ thuật học trên mạng… thầy giáo Nguyễn Văn Nhã chế tạo nhiều thiết bị giúp bài học sôi động, dễ hiểu với học trò.
Ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Mỏ Cày Nam, Bến Tre), giờ học môn hóa trở nên sinh động với các thiết bị dạy học do thầy Nguyễn Văn Nhã chế tạo, giúp trò dễ hiểu nhớ lâu.
Thầy Nguyễn Văn Nhã là giáo viên trẻ năng động, nhiệt tình, nhạy bén với chuyên môn. Phương pháp giảng dạy kết hợp đồ dùng dạy học do thầy chế tạo giúp học sinh dễ hiểu, nhớ lâu, chất lượng bộ môn hằng năm cao”
Cô Lê Thị Ngọc Thảo – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Từ những trăn trở trong giảng dạy
Băn khoăn với việc giảng dạy sao cho học sinh dễ hiểu, thực hành hiệu quả, nhớ lâu, thầy Nguyễn Văn Nhã suy nghĩ, nghiên cứu làm ra các thiết bị dạy học phù hợp, an toàn.
Ý tưởng đầu tiên của thầy là chế tạo máy ly tâm tách kết tủa từ ve chai phế liệu. Vật dụng không có đủ, thầy tìm mua ở các chợ và dùng hộp sữa của con gái mình sau khi uống bỏ đi làm vật liệu chế tạo máy.
Khó khăn lớn nhất là thầy không có chuyên môn về kỹ thuật, nên việc chế tạo máy nhiều lần thất bại. Không nản lòng, thầy lên mạng nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm chế tạo máy và lại nhiều lần thất bại nữa.
Những lúc như vậy, ban giám hiệu, đồng nghiệp trong trường và nhất là bà xã của thầy – cô Đặng Thị Luyến, giáo viên dạy hóa cùng trường – luôn động viên thầy cố gắng. Thầy Nhã tâm sự đây là động lực giúp thầy đi đến thành công.
Sơ đồ sự phân bố electron do thầy chế tạo sử dụng toàn bộ đèn LED, chỉ cần bật công tắc là giáo viên có thể giảng dạy, học sinh nhìn dễ hiểu. Bảng sơ đồ có thể bảo quản sử dụng lâu dài.
Việc giảng dạy các phản ứng hóa học phải thực hành trong phòng thí nghiệm, nhưng ở năm học 2018-2019 tủ pha loãng hóa chất của trường bị hỏng. Thầy suy nghĩ chế tạo tủ khác thay thế, giá thành thấp mà có thể tự động xử lý hết các khí độc trong quá trình pha trộn hóa chất.
Đây cũng là điều thầy trăn trở vì trong quá trình làm thí nghiệm giảng dạy, giáo viên và học sinh trực tiếp pha Cl2, NO2, SO2, H2S, H2SO4, HNO3… là những hóa chất rất độc, khi hít vào hoặc va chạm thường bị dị ứng và rối loạn tiêu hóa.
Thiết bị pha loãng hóa chất và xử lý khí độc ra đời từ trăn trở đó. Với thiết bị này, khi làm thí nghiệm, máy tự động xử lý khí độc giúp giáo viên pha trộn hóa chất tránh được nguy hiểm.
Người “săn” giải thưởng
Thầy Nguyễn Văn Nhã hướng dẫn học sinh xem phản ứng hóa học trong máy pha loãng hóa chất và xử lý khí độc do thầy tự chế – Ảnh: LƯ THẾ NHÃ
Hằng năm, ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đều phát động giáo viên làm đồ dùng dạy học bổ sung thiết bị hiện có. Cuộc thi nhằm mục đích tạo ra những thiết bị dạy học gắn lý thuyết với thực hành, giúp học sinh dễ hiểu. Cuộc thi này được hầu hết giáo viên tham gia và năm nào thiết bị do thầy Nhã sáng chế cũng đoạt giải nhất.
Các thiết bị do thầy Nhã chế tạo không chỉ đoạt giải cấp trường, mà còn đoạt giải cao ở hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do tỉnh Bến Tre tổ chức: năm học 2014-2015, “Máy ly tâm tách kết tủa từ ve chai phế liệu” đoạt giải nhì; năm học 2016-2017, “Sơ đồ sự phân bố electron của 20 nguyên tử 16 ion đầu tiên trong bảng hệ thống tuần hoàn” đoạt giải ba; năm học 2018-2019, “Thiết bị pha loãng hóa chất và xử lý khí độc” đoạt giải nhì…
Chưa hết, thầy Nhã không dừng lại là “kỹ sư” chế tạo những thiết bị phục vụ việc dạy và học. Thầy cho biết đang nghiên cứu tìm ra phương pháp dạy học mới, sửa chữa những thiết bị nhà trường hiện có đã hư hỏng và làm mới những đồ dùng dạy học nhà trường chưa có.
Bên cạnh đó, thầy còn giúp đỡ những em học lực yếu hoặc có hoàn cảnh khó khăn cùng cố gắng đào tạo nhiều em học sinh giỏi, tham dự các kỳ thi học sinh giỏi.
Bạn Trần Ngọc Quỳnh Mai, học sinh lớp 11A1, cho biết giờ thực hành môn hóa học với các thiết bị của thầy Nhã chế tạo rất sinh động, giúp học sinh dễ hiểu, nhớ lâu hơn là học lý thuyết suông.
Nhà giáo của năm
Theo ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, thầy Nguyễn Văn Nhã là giáo viên trẻ (33 tuổi) không chỉ giỏi chế tạo thiết bị dạy học mà đã có nhiều năm là giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh. Năm học 2018-2019, thầy Nhã được Bộ Giáo dục – đào tạo tôn vinh là “Nhà giáo của năm”.