Học sinh bất ngờ với đề thi ‘từ bỏ cũng là một lựa chọn’
“Khi mở đề ra, nhiều bạn rất bất ngờ về cấu trúc đề khi thấy có 3 câu là nghị luận xã hội và phân tích. Nhiều bạn bị ba mẹ bắt học cái này, cái kia, thực sự tụi em cũng rất muốn nói câu từ bỏ cũng là một lựa chọn”
Học sinh bất ngờ với đề thi ‘từ bỏ cũng là một lựa chọn’
“Khi mở đề ra, nhiều bạn rất bất ngờ về cấu trúc đề khi thấy có 3 câu là nghị luận xã hội và phân tích. Nhiều bạn bị ba mẹ bắt học cái này, cái kia, thực sự tụi em cũng rất muốn nói câu từ bỏ cũng là một lựa chọn”
Đà Nẵng ra đề thi học kỳ ‘từ bỏ cũng là một lựa chọn’ khiến học sinh bất ngờ, trong khi giáo viên nói ‘đề này dễ gây hiểu nhầm, bi quan’.
Ngày 18-12, học sinh khối 12 các trường tại TP Đà Nẵng đã thi học kỳ 1 môn ngữ văn. Đề thi do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng ra, trong đó yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ trước quan điểm “từ bỏ cũng là một lựa chọn” khiến học sinh bất ngờ, đồng thời dấy lên nhiều ý kiến tranh luận.
“Khi mở đề ra, nhiều bạn rất bất ngờ về cấu trúc đề khi thấy có 3 câu là nghị luận xã hội và phân tích. Nhưng nội dung đề đi đúng trọng tâm của học sinh lớp 12 hiện nay. Nhiều bạn bị ba mẹ bắt học cái này, cái kia, thực sự tụi em cũng rất muốn nói câu từ bỏ cũng là một lựa chọn”, Phương Anh – học sinh Trường THPT Trần Phú – chia sẻ.
Em cũng cho biết phải mất một khoảng thời gian để xác định cách làm bài như thế nào, nhưng em thích: ”Nếu so với đề thơ thì em thích đề này hơn vì em có thể nói thẳng lòng mình ra được”.
Còn học sinh Thiện Chương nhận xét đề thi ngữ văn có sự phân hóa học sinh, những bạn có trải nghiệm, kỹ năng sống tốt sẽ thuận lợi khi làm bài hơn.
Tuy nhiên theo Thiện Chương, đề thi “đề cập đến vấn đề quá lớn lao, đòi hỏi có sự từng trải, va vấp ngoài đời, nên với học sinh thì hơi quá”. Song, Chương cho rằng với đề thi này, các bạn được thể hiện bản thân mình.
Nói về đề thi này, một giáo viên dạy văn lâu năm tại Đà Nẵng nhìn nhận: “Với những người từng trải thì phải nói đề thi này rất hay. Còn với học sinh đại trà rất khó. Giáo viên đi gieo sự lạc quan, tư duy tích cực, không từ bỏ mục tiêu, trong khi đề này dễ gây hiểu nhầm, bi quan”.
Trong khi đó một giáo viên khác đánh giá đây là một dạng đề nghị luận xã hội không quá sức học trò, và đây là đề đổi mới nên vấp phải sự tranh luận.
Giáo viên này cũng cho rằng đề có cái hay là “lẩy” ra việc nhiều cha mẹ đang gây áp lực cho con cái khiến các em không còn là mình. Nhưng ở ngữ liệu – nội dung văn bản lựa chọn ra đề không phù hợp với lứa tuổi học trò. Câu hỏi mang hơi hướng người nổi loạn vì vỡ mộng và có xu hướng tiêu cực.
Cũng theo giáo viên này, đối tượng học sinh 12 đang là tuổi vào đời, nhà trường nên dạy các em phải biết vươn lên, không từ bỏ để đạt được ước mơ…
Đề thi hay, đúng tâm lý học sinh khi các em chịu quá nhiều áp lực về học hành, gia đình… khiến các em không còn là chính mình, không thuộc về chính mình nữa. Các em có quyền lựa chọn, có quyền từ bỏ những định kiến áp đặt lên mình…”
Một hiệu trưởng ở Đà Nẵng
Bà Lê Thị Bích Thuận – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng – cho biết những ngày qua, sở cũng nhận được nhiều ý kiến, có ý kiến khen, có ý kiến nói đề quá tầm với học sinh. Sở cũng tiếp thu và cũng định hướng cho thầy cô trong quá trình chấm dựa trên suy nghĩa sáng tạo, tư duy của các em để cho điểm.
“Đề mong muốn các em bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình về một vấn đề, hiện tượng trong xã hội. Các em dùng lập luận của mình để khi ra đời các em có chính kiến của mình”, bà Thuận chia sẻ.
Theo bà Thuận, trong chương trình thì cần tạo cho các em quen với các dạng đề thi THPT quốc gia để các em không bỡ ngỡ.