28/11/2024

Học sinh đóng vai Vua Hùng, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh…

Những tác phẩm văn học như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Thầy bói xem voi, Chí Phèo… đã được học sinh kể lại bằng hình thức sân khấu hóa một cách gần gũi và dễ thương.

 

Học sinh đóng vai Vua Hùng, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh…

Những tác phẩm văn học như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Thầy bói xem voi, Chí Phèo… đã được học sinh kể lại bằng hình thức sân khấu hóa một cách gần gũi và dễ thương.

 
 
 
 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du thể hiện tác phẩm văn học bằng hình thức sân khấu hóa /// Bảo Châu

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du thể hiện tác phẩm văn học bằng hình thức sân khấu hóa   Bảo Châu

 

 

Ngày xửa ngày xưa là chủ đề của hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn của học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM).

Thông qua hình thức sân khấu hóa, từng nhóm học sinh đã thực hiện 24 tiểu phẩm kể lại các tác phẩm văn học một cách sinh động, hấp dẫn.

Chẳng hạn nhóm học sinh lớp 6/5, dưới sự dẫn dắt của nhân vật Thỏ do học sinh Bảo Trâm đóng vai đã cùng các thành viên hóa thân thành Vua Hùng, Mỵ Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh…chuyển tải truyền thuyết về Sơn Tinh, Thủy Tinh. Không chỉ thể hiện với diễn xuất tự nhiên, giản dị, mà nhóm học sinh này không quên đầu tư phần âm thanh, các đạo cụ như voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…

Hay bằng sự sáng tạo, dí dỏm, nhóm học sinh khác tạo nên những tiếng cười qua phần thể hiện tác phẩm Cóc kiện Trời, Thầy bói xem voi. Mỗi nhóm thể hiện hình ảnh thầy bói có nét độc đáo khác nhau qua phần chào hỏi: “Ta là thầy bói vừa đẹp trai, tài giỏi, xem bói cho từ già tới trẻ, từ làng trên xuống làng dưới…”. Hay đó là câu nói hay sử dụng trên mạng xã hội tạo sự vui vẻ trong khi nhập vai: “Cho thầy một Like nào”…

Được biết, thông qua hoạt động trải nghiệm này, giáo viên sẽ đánh giá và dùng kết quả cho bài kiểm tra một tiết của môn ngữ văn. Tham gia trong hoạt động này, em Đặng Ngọc Phúc Lâm, học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du, cho biết không chỉ hiểu về tác phẩm đã học mà các thành viên trong nhóm còn có cơ hội thể hiện các kỹ năng làm việc nhóm, bày tỏ quan điểm, diễn xuất…  

Cô Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ ý tưởng của hoạt động trải nghiệm bắt nguồn từ việc tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các giáo viên được tập huấn trong thời gian gần đây. Đồng thời phù hợp với định hướng đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh mà Sở GD-ĐT TP.HCM đang hướng đến.

Đặc biệt, theo cô Bảo Ngọc: “Từ việc tham gia sân khấu hóa với các tiểu phẩm, các em thấy được vẻ đẹp của các tác phẩm văn học dân gian, bài học sâu sắc mà từng tác phẩm mang đến, để từ đó yêu môn học này hơn”.

Học sinh đóng vai Vua Hùng, Sơn Tinh, Thủy Tinh... - ảnh 1

Học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây trong một tiểu phẩm   Bảo Châu

 

Tương tự, cũng để lấy điểm kiểm tra thành phần môn ngữ văn, Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức chuyên đề ngữ văn có tên gọi Chuyện làng Vũ Đại. Theo đó, học sinh khối 11 đã sân khấu hóa thông qua việc đóng kịch, hát, vẽ tranh thể hiện kiến thức hiểu biết về 3 tác phẩm văn học nổi tiếng Một bữa no, Lão Hạc, Chí Phèo.

Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Trường THPT Đào Sơn Tây, chia sẻ từ kiến thức đã học, đã hiểu các em thể hiện bằng sự sáng tạo của mình, hóa thân thành các nhân vật trong các tác phẩm, trải nhiệm bằng cảm xúc khiến các em hiểu bài hơn. Hơn nữa, sau khi thực hiện chuyên đề, học sinh sẽ thấy học văn nhiều cảm xúc, chứ không khô khan trên trang sách.

 

BÍCH THANH