Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống 1.272 mẫu xét nghiệm để làm gì?
Xét nghiệm thực tế theo báo cáo là 80 mẫu, nhưng khoa vi sinh y học Bệnh viện Xanh Pôn đã ghi khống lên 1.272 mẫu. Tại sao họ lại làm thế?
Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống 1.272 mẫu xét nghiệm để làm gì?
Xét nghiệm thực tế theo báo cáo là 80 mẫu, nhưng khoa vi sinh y học Bệnh viện Xanh Pôn đã ghi khống lên 1.272 mẫu. Tại sao họ lại làm thế?
10 ngày đã trôi qua kể từ khi vụ gian lận xét nghiệm tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội được phát hiện, báo cáo ban đầu của thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã cho thấy có tình trạng ghi khống kết quả xét nghiệm.
Bà Trần Thị Nhị Hà, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết theo tường trình ban đầu của bệnh viện, sau khi báo chí phát hiện vụ việc và đưa tin vào trưa 9-12, các cán bộ có liên quan của khoa vi sinh y học đã ghi khống kết quả này, lý do ghi là vì… sợ!
Từ những tường trình ban đầu này cho thấy lỗ hổng kinh khủng về xét nghiệm tại các bệnh viện. Theo Sở Y tế Hà Nội, sở sẽ tiếp tục kiểm tra xem còn có tình trạng cắt que thử và gian lận xét nghiệm.
Có đến gần 1.300 mẫu thử bị ghi khống thì rõ ràng công tác kiểm chuẩn, đánh giá độc lập kết quả xét nghiệm ở đây là chưa ổn.
Ông Tạ Thành Văn (hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội)
Lộn xộn xét nghiệm
Theo tường trình của khoa vi sinh y học Bệnh viện Xanh Pôn, trong hai tháng 7 và 10-2019, khoa đã nhận 2 hộp que thử (tổng số 40 que) của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Lục Tỉnh để xét nghiệm kiểm chứng xét nghiệm HIV.
Do công ty này chỉ cho khoa 40 que thử, không đủ số lượng xét nghiệm cần kiểm chứng, nên khoa, cụ thể là phó khoa phụ trách là Chu Thị Loan, đã chỉ đạo cắt đôi que thử để thực hiện xét nghiệm.
Có 40 que thử, cắt đôi thành 80 mẫu, nhưng số ghi trên sổ sách (theo báo cáo là ghi khống) lại là 1.272 mẫu. Thật khó giải thích cho mối liên quan của các số liệu này. Bà Nhị Hà cho hay toàn bộ các thông tin này đã được gửi cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội để giải quyết theo trình tự sau khi có tin báo tội phạm.
Chuyện lạ chỉ xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cựu nhân viên một công ty chuyên bán sinh phẩm xét nghiệm chia sẻ từ hàng chục năm trước đã có tình trạng cắt đôi que thử xét nghiệm.
“Nếu bán cho bệnh viện 1.000 que thì một thời gian sau họ lại gọi vào mua 500 que. Giá bán một que thử khi đó là 1,2-1,3 USD, sau đó chúng tôi mua lại với giá 0,8 USD. Sau này chúng tôi chuyển công việc và nghĩ rằng tình trạng đó đã hết rồi, không ngờ lại xảy ra vụ ở Bệnh viện Xanh Pôn” – cựu nhân viên này cho hay.
Theo bà Nhị Hà, thời điểm thanh tra, do số que thử được cho đã hết nên đoàn thanh tra vẫn chưa xác minh được tổng số que thử bị cắt và số bị ghi khống… “Trên clip mà nhóm phóng viên quay được, Sở Y tế nhận thấy màu của que thử mua chính danh và que thử nhận tài trợ có khác nhau” – bà Hà nói.
Nhưng qua clip cho thấy ngoài que thử HIV, bệnh viện còn cắt đôi que thử viêm gan B và trộn mẫu máu để xét nghiệm. Thanh tra cho đến nay chưa phát hiện cắt đôi que thử viêm gan B, trộn mẫu máu xét nghiệm chung, số que thử HIV bị cắt phát hiện được thì quá ít ỏi (chỉ 40 que), cho thấy còn nhiều vấn đề ẩn giấu điều gì đó, chưa được xác minh rõ ràng.
Tin cậy kết quả xét nghiệm lẫn nhau được không?
Hiện chưa có một văn bản nào giữa các bệnh viện ở Hà Nội thông báo việc các bệnh viện cùng hạng (ví dụ như Xanh Pôn cùng hạng với Thanh Nhàn, Đức Giang…) công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Ngày 7-7-2017, thứ trưởng Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Viết Tiến đã ký quyết định ban hành danh mục xét nghiệm để áp dụng liên thông, công nhận xét nghiệm giữa các bệnh viện.
Có 22 kỹ thuật xét nghiệm huyết học và 26 kỹ thuật xét nghiệm vi sinh, 17 kỹ thuật hóa sinh được đưa vào danh mục, để các bệnh viện, phòng xét nghiệm được đánh giá, công nhận chất lượng từ mức 1 trở lên, hoặc phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 có thể liên thông kết quả lẫn nhau.
Thời điểm đó, đây là quyết định rất được trông đợi, hi vọng các bệnh viện cùng tuyến hay phòng xét nghiệm đạt chuẩn có thể công nhận xét nghiệm lẫn nhau, trong các trường hợp tình trạng bệnh lý vẫn có thể sử dụng kết quả xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán bệnh viện cùng tuyến, cùng hạng trước đó đã thực hiện.
Cho đến nay, việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện mới được thực hiện rất ít. Bệnh viện nào cũng cho rằng việc xét nghiệm lại hay không là quyết định của bác sĩ, tùy tình trạng bệnh nhân.
Nhưng còn một vấn đề thấy rõ, dịch vụ xét nghiệm là con gà đẻ trứng vàng, và chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện đang có sự chênh lệch rõ rệt. Bệnh viện Xanh Pôn – bệnh viện hạng 1 của Hà Nội – đã có sự lộn xộn. Và trong tình huống này, chỉ có người bệnh là chịu thiệt.