Cuộc bầu cử tổng thống ở Sri Lanka hồi giữa tháng 11 đánh dấu sự trở lại của những gương mặt cũ khi ông Gotabaya Rajapaksa đắc cử và sau đó bổ nhiệm anh trai Mahinda làm thủ tướng. Từ năm 2005 – 2015, ông Mahinda giữ chức tổng thống còn ông Gotabaya làm bộ trưởng quốc phòng. Ngay sau khi đắc cử, ông Gotabaya tuyên bố sẽ đàm phán lại thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm, vốn được chính quyền tiền nhiệm Maithripala Sirisena ký kết, theo tờ Hindustan Times.
Cảng biển chiến lược
Công du Ấn Độ trước tiên
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 29.11 bắt đầu chuyến công du đầu tiên sau khi đắc cử và nước ông dừng chân là Ấn Độ. Tại đây, Thủ tướng Narendra Modi công bố khoản vay 450 triệu USD để giúp Sri Lanka phát triển kinh tế, hạ tầng và tăng cường an ninh sau vụ khủng bố hồi tháng 4 làm 258 người thiệt mạng, theo AFP.
Hambantota là cảng nước sâu nằm gần tuyến hàng hải huyết mạch từ châu Á sang châu Âu và được cho là đóng vai trò lớn trong sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, theo Reuters. Cảng Hambantota được xây dựng bằng vốn đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ Trung Quốc, đi vào hoạt động từ cuối năm 2010 nhưng liên tục chịu lỗ. Đến tháng 7.2017, chính quyền Tổng thống Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe chính thức ký hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD cho Công ty China Merchants Port Holdings (CMPort) thuê trong vòng 99 năm để có tiền trả bớt số nợ ước tính lên đến 8 tỉ USD vay từ Trung Quốc trước đó nhằm phát triển hạ tầng.
Thỏa thuận bị phía nhà Rajapaksa và người dân phản đối quyết liệt vì cho rằng gây tổn hại an ninh quốc gia và rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc. Song song đó, còn có nhiều lo ngại về khả năng Trung Quốc có thể sẽ sử dụng cảng Hambantota như một căn cứ hải quân để phục vụ mục đích tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương.
Nỗ lực sửa sai
Nhiều nhà quan sát nhận định sự trở lại của anh em nhà Rajapaksa sẽ khiến Sri Lanka càng trở nên gần gũi với Trung Quốc và lạnh nhạt với Ấn Độ. Tuy nhiên, chính quyền Rajapaksa lại đang có những bước đi khác. Trong cuộc phỏng vấn sau khi đắc cử, ông Gotabaya nhấn mạnh mong muốn Sri Lanka là nước trung lập, không quá lệ thuộc vào nước nào. Dù thừa nhận mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc trong giai đoạn ông Mahinda cầm quyền nhưng ông Gotabaya nói đó “đơn thuần là thương mại”. Đồng thời, ông tuyên bố việc cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm là sai lầm của chính quyền tiền nhiệm, theo Hãng PTI.
“Một cảng biển quan trọng về kinh tế, chiến lược không thể so sánh với một khoản vay nhỏ để đầu tư. Hợp đồng này là không thể chấp nhận và chúng tôi đáng ra phải nắm quyền kiểm soát. Chúng tôi muốn nhận đầu tư giúp đỡ đất nước nhưng không muốn dính dáng đến sự cạnh tranh quân sự và địa chính trị”, Tổng thống Gotabaya nói.
Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Mahinda, ông Ajith Nivard Cabraal nói với Bloomberg hôm 29.11 rằng Sri Lanka muốn khôi phục lại nguyên trạng, theo đó nước này trả nợ đúng hạn cho Trung Quốc theo thỏa thuận cũ còn Trung Quốc giao lại cảng Hambantota. “Thỏa thuận song phương là những văn kiện quan trọng nhưng chúng tôi cũng muốn xem xét lại khía cạnh lợi ích quốc gia. Nếu lợi ích đó bị chính quyền trước mang ra đổi chác thì chính quyền mới cần tìm cách điều chỉnh trên tinh thần thân thiện (với Trung Quốc – NV)”, ông Cabraal nói.
Bình luận về thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói dự án Hambantota được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và đối thoại, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc muốn hợp tác với Sri Lanka để biến Hambantota thành trung tâm hàng hải ở Ấn Độ Dương, phát triển kinh tế địa phương. Giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ, nhận định nếu Sri Lanka muốn Trung Quốc đồng ý hủy thỏa thuận thuê cảng thì phải đưa ra đề nghị nào đó cân bằng, hoặc thậm chí hấp dẫn hơn về mặt tài chính.
BẢO VINH