26/11/2024

Dạy xác suất cho học sinh lớp 2: Không phải ‘lôi’ chương trình lớp 11 về dạy

Trong vai trò thành viên Ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới môn toán, tiến sĩ Phạm Sỹ Nam, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, đã có những chia sẻ về việc đưa môn học xác suất vào dạy học sinh lớp 2.

 

Dạy xác suất cho học sinh lớp 2: Không phải ‘lôi’ chương trình lớp 11 về dạy

Trong vai trò thành viên Ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông mới môn toán, tiến sĩ Phạm Sỹ Nam, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, đã có những chia sẻ về việc đưa môn học xác suất vào dạy học sinh lớp 2.


 
 
 

Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam phát biểu tại hội thảo chiều nay /// Hà Ánh

Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam phát biểu tại hội thảo chiều nay   Hà Ánh

 

 
Chiều nay 9.11, hội thảo xu hướng giáo dục trên thế giới và Việt Nam đã diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Môn toán bỏ phần kiến thức nào?

Tại hội thảo, tiến sĩ Nam đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về môn toán trong chương trình hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Theo đó ông Nam chỉ ra những mặt đạt được của chương trình hiện hành với môn toán như đảm bảo tính phổ thông cơ bản, hiện đại và thiết thực. Đặc biệt đã có ý kiến cho rằng nhờ đó nhiều người Việt Nam có nền tảng toán học tốt.
 
Tuy nhiên, hạn chế của chương trình hiện nay là tiếp cận nội dung, chú trọng truyền đạt kiến thức, thiếu chú trọng hình trực quan. Nguyên tắc “đồng tâm” được áp dụng có chỗ không hợp lý dẫn đến quá tải, có kiến thức đưa vào sớm quá, tính liên thông các cấp chưa tốt.
 
Hơn nữa, về cách tổ chức dạy học thì học sinh thường được yêu cầu làm bài tập tổng hợp, trong khi từng đơn vị kiến thức chưa nắm vững.
 
“Có một số nội dung dù học ở lớp 9 nhưng lên lớp 10 vẫn học lại”, ông Nam nhấn mạnh.
 
Cũng theo ông Nam, về tổ chức dạy học thì chưa coi trọng việc tổ chức dạy học trải nghiệm, trải nghiệm trong thực tiễn. Đây cũng là một yếu tố khiến chương trình hiện hành đang bị “nặng”. Nếu cầm 2 cuốn sách giáo khoa của Việt Nam và Mỹ, có thể thấy sách của Mỹ có thể dùng để “tập tạ” còn Việt Nam rất mỏng nhưng chương trình vẫn “nặng”.  
 
Trên cơ sở phân tích đó, tiến sĩ Nam cho biết quan điểm khi xây dựng chương trình mới rất chú trọng sự tinh giản. Bên cạnh đó còn bảo đảm tính thiết thực, hiện đại, thống nhất, nhất quán, phát triển liên tục…
 
Trong chương trình phổ thông mới, môn toán sẽ bỏ đi phần số phức trong kiến thức lớp 12 của chương trình hiện hành. Bên cạnh đó, những nội dung có tiềm năng trong việc giáo viên làm tăng mức “nặng”, những thủ thuật không có ý nghĩa cũng được bỏ đi. Ví dụ, phần phương trình lượng giác chỉ còn phần kiến thức cơ bản, không còn phần phương trình đối xứng…
 
Học những khái niệm cơ bản về xác suất
 
Thay vào đó, theo thành viên ban soạn thảo này, một số nội dung mới của môn toán được tăng lên, ví dụ như xác suất thống kê vì phần kiến thức này đi vào đời sống nhiều nhất.
 
Nói đến đây, tiến sĩ Nam đã dừng lại để lý giải thêm về việc dạy xác suất cho học sinh lớp 2.
 
“Có nhiều người khi nói đến xác suất, thống kê thấy rất khó, vì chương trình hiện hành xác suất chỉ học ở lớp 11 và lớp 12 không còn dạy. Còn thống kê thì học rải rác ở tiểu học, cấp 2 chỉ có trong lớp 7 và cấp 3 lớp 10. Còn chương trình mới thì kiến thức này được dạy từ lớp 2”, tiến sĩ Nam nói.
 
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nam, dạy xác suất và thống kê ở tiểu học nhưng không phải là lôi chương trình của lớp 11 vào dạy cho học sinh lớp 2. Đó là tên của mạch kiến thức, còn việc dạy như thế nào thì đòi hỏi một tiến trình dạy học.
 
Theo đó, học sinh lớp 2 được học các khái niệm cơ bản của xác suất, như là “chắc chắn” hay “không chắc chắn”. Ví dụ nói “trời đang mưa, con đi ra ngoài trời chắc chắn con sẽ bị ướt” thì đó chính là xác suất chứ không phải học xác suất như lớp 11.
 
“Ở đây, chúng ta dạy các bé kiến thức cơ bản, khái niệm cơ bản về xác suất và thiên về xác suất thực nghiệm”, thành viên ban soạn thảo khẳng định.
 
Học toán để hiểu hơn về cuộc sống
 
Một trong những điểm mới trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán là phải khơi nguồn sáng tạo. Theo ông Nam, với chương trình toán việc khơi nguồn này sẽ thông qua các hoạt động trải nghiệm, thực hành các phần mềm toán học trong phòng máy tính. Nhờ các phần mềm này, học sinh có thể làm được nhiều thứ như phác họa mô hình dàn giáo thông minh, nhiều hình ảnh hoa văn hình khối, thiết kế hoa văn cho viên gạch bông…
 
Giải đáp câu hỏi về chương trình mang tính địa phương, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Nam, môn toán không đặt ra tính địa phương nhưng có khoảng mở thực hành trải nghiệm, được quy định cụ thể trong chương trình. Trong đó, cuối bậc THPT thì tùy lớp phần này có thể lên tới 18%.
 
Trong hội thảo, tiến sĩ này đặt ra 2 câu hỏi từ thực tế rằng tại sao vỏ lon bia có dạng hình trụ và vì sao Grab lấn át taxi truyền thống và khẳng định kiến thức toán học có thể lý giải. Từ đó, ông nói: “Cùng với sự thay đổi ngoài xã hội thì việc dạy ở trường phổ thông cũng cần thay đổi để học sinh có thể vận dụng được kiến thức. Trong dạy học phải tạo cơ hội để học sinh thông qua kiến thức có thể hiểu hơn về cuộc sống“.
 
 
 
HÀ ÁNH