Gia tăng rối loạn giấc ngủ
Cuộc sống nhiều áp lực làm gia tăng rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ ngày càng có xu hướng trẻ hoá.
Gia tăng rối loạn giấc ngủ
Cuộc sống nhiều áp lực làm gia tăng rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ ngày càng có xu hướng trẻ hoá.
Khi chúng ta dùng điện thoại di động trong phòng tối hoặc thiếu ánh sáng có thể gây chết tế bào võng mạc của con người và ảnh hưởng tới thị lực – Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngoài bận rộn, áp lực trong cuộc sống, thói quen xem điện thoại, chơi game trễ… cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ.
Sợ nhất lúc lên giường
Sau khi mất mát người thân, ông N.V.T., ngụ ở TP.HCM, đã bị mất ngủ. Không biết đây là một bệnh nên ông không đi khám mà tìm những loại thuốc ngủ để uống.
Mất ngủ suốt 30 năm nên cái mà ông sợ nhất, ám ảnh nhất lại chính là “chiếc giường” vì lên giường để ngủ mà không ngủ được là một cảm giác rất mệt. Nhiều người mong đến giờ để được ngủ, còn ông T. suốt một đêm dài ông chỉ thỉnh thoảng thiếp đi chút, “có một giấc ngủ ngon” là giấc mơ xa vời đối với ông.
Ông T. đến bệnh viện khám với một thân hình gầy rộc, mắc thêm bệnh trầm cảm. Lúc đầu uống thuốc ngủ ông còn ngủ được chút nhưng sau này ngay cả uống thuốc ngủ cũng vẫn khó ngủ nên ông tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám.
BS Hoàng Đình Hữu Hạnh, phụ trách đơn vị rối loạn giấc ngủ của bệnh viện này, cho biết ông T. đã uống nhiều loại thuốc ngủ thực chất chính là thuốc gây nghiện nặng để ngủ. Với ca bệnh này, bác sĩ không thể điều trị để phục hồi hoàn toàn mà chỉ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh liên quan đến stress gia tăng
Theo BS Hữu Hạnh, xã hội ngày càng bận rộn, áp lực nên những bệnh liên quan đến stress gia tăng, trong đó có rối loạn giấc ngủ. Trong rối loạn giấc ngủ, mất ngủ chiếm hơn 50%. Rối loạn giấc ngủ nói chung và mất ngủ nói riêng gia tăng cao.
Người trưởng thành cần ngủ 8 tiếng mỗi ngày, còn ngủ dưới 6 tiếng/ngày được coi là mất ngủ. Khi mất ngủ sẽ có hai câu chuyện cần quan tâm, đó là thời gian ngủ, kiểu rối loạn. Có 3 kiểu rối loạn giấc ngủ đó là khó đi vào giấc ngủ (nằm mãi không ngủ được), khó duy trì giấc ngủ (cứ ngủ được 2 giờ đồng hồ là dậy, không duy trì được giấc ngủ lâu) và khó quay lại giấc ngủ (thức giấc và không ngủ lại được nữa).
Giấc ngủ có nhiều chức năng như phục hồi thể chất tốt. Khi có giấc ngủ sâu, cơ thể sẽ được tái tạo, thải ra những mệt mỏi, chất độc để thức dậy sẽ thấy sảng khoái đón chào một ngày mới bắt đầu. Trong lúc ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi, tuổi thọ mới được kéo dài, còn mất ngủ kéo theo tâm lý sợ hãi, hoang mang…
Một người ngủ không đủ 6 giờ đồng hồ một ngày hoặc bị một trong những triệu chứng rối loạn giấc ngủ trên thì nên đi khám. Vì sau 3 tháng bị rối loạn giấc ngủ thế này sẽ được gọi là mất ngủ mãn tính. Có đến 70-80% những người bị mất ngủ cấp tính khi đến điều trị sẽ phục hồi hoàn toàn. Còn nếu trong thời gian mất ngủ cấp tính mà không điều trị sẽ gây ra mất ngủ mãn tính. Lúc đó, điều trị sẽ khó khăn hơn, thậm chí không phục hồi được.
Hầu hết những người có vấn đề về giấc ngủ đi khám đều than phiền khó ngủ lúc đầu giấc. Đa số là do nguyên nhân tâm lý và thu xếp giấc ngủ không tốt. Rối loạn giấc ngủ ngày càng có khuynh hướng trẻ hóa. Trước đây, thường phải sau 40 tuổi mới có những rối loạn về giấc ngủ.
Điều trị mất ngủ bằng y học cổ truyền
Theo PGS Trịnh Thị Diệu Thường – trưởng khoa y học cổ truyền Đại học Y dược TP.HCM, bệnh mất ngủ có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như vệ sinh giấc ngủ (thức giấc cùng một giờ hằng ngày, giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ, không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương…), điều trị bằng thuốc hóa dược, thuốc thảo dược, liệu pháp tâm lý hành vi, thiền định, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, châm cứu…
Trong đó, châm cứu là phương pháp an toàn thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc, được sử dụng từ rất lâu đời, an toàn, hiệu quả.
Theo PGS Diệu Thường, tùy theo chẩn đoán y học cổ truyền, có nhiều hình thức châm cứu khác nhau được sử dụng để điều trị mất ngủ. Để đạt hiệu quả điều trị bằng phương pháp châm cứu, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình thăm khám để chẩn đoán chính xác thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh; tuân thủ phác đồ điều trị, khai báo những thay đổi triệu chứng qua các lần điều trị châm cứu; không châm cứu khi quá đói, quá no hoặc có các bệnh rối loạn đông cầm máu, viêm loét da, nhiễm trùng.
PGS Diệu Thường cũng khuyến cáo, mất ngủ là bệnh lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh, có thể là khởi đầu của một bệnh lý thực tổn. Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ những rối loạn tâm thần như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu, các nguyên nhân thực thể khác như đau cấp và mãn tính (đau khớp, viêm loét dạ dày tá tràng…), lạm dụng thuốc và các chất kích thích…
Đôi khi người bệnh mắc chứng mất ngủ mà không có bất cứ nguyên nhân cụ thể về bệnh tâm thần hay bệnh thực thể nào. Vì vậy khi bị mất ngủ, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất, tránh lạm dụng các loại thuốc ngủ, thuốc an thần khiến bệnh trầm trọng hơn.
Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ người bị rối loạn giấc ngủ chiếm khoảng 23% dân số, trong đó 50% người bị mất ngủ suốt hơn một tháng. Ở Việt Nam, thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm 10-20%. Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng mất ngủ trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM, kết quả có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ và khoảng 30% bệnh mất ngủ có liên hệ bệnh tâm thần.
25 tuổi đã rối loạn giấc ngủ do điện thoại
Hiện nay nhiều người mới 25-30 tuổi đã bị rối loạn giấc ngủ. Khi bác sĩ hỏi chuyện những người đến khám này thì mới thấy những người trẻ hiện tiếp xúc với tivi, máy vi tính, điện thoại nhiều, nhất là vào buổi tối trước lúc đi ngủ… và thường không ngủ đúng giờ. Ánh sáng, sóng điện từ, thói quen thu xếp giấc ngủ không tốt, ngủ không đúng giờ… đều có thể gây ra rối loạn giấc ngủ. Với những người trẻ bị rối loạn giấc ngủ chỉ cần chỉnh lại nếp sinh hoạt, nếu cần cho uống thêm thảo dược, chỉ sau 4-8 tuần trở về bình thường.