TP.HCM làm gì để thoát ngập?
Chưa biết 30 – 50 năm nữa miền Nam VN có “chìm” thật hay không nhưng thực tế, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM và ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
TP.HCM làm gì để thoát ngập?
Chưa biết 30 – 50 năm nữa miền Nam VN có “chìm” thật hay không nhưng thực tế, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM và ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương
Ngập lụt không còn là nguy cơ
Những ngày qua, dư luận liên tục chứng kiến nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học và cả cơ quan nhà nước xoay quanh vấn đề: Đến 2050, phần lớn miền Nam VN có thật sự bị nước biển nhấn chìm, như dự báo mới nhất của Tổ chức khoa học Climate Central hay không.
Trong khi các cơ quan chức năng lên tiếng phủ nhận kịch bản giả định của Climate Central, khẳng định chưa đủ cơ sở khoa học, chồng chéo các hiện tượng cực đoan đẩy nguy cơ rủi ro tăng cao, thì một số chuyên gia lại cho rằng những con số nghiên cứu là đáng tin cậy, thậm chí quá trình ngập lụt có thể còn diễn ra sớm hơn so với dự báo.
Dù quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các ý kiến đều gặp nhau ở một điểm: Đây là lời cảnh báo mà các nhà lãnh đạo cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch TP.HCM cũng như khu vực ĐBSCL. Vấn đề sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt thật sự là vấn đề nguy cấp và phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Ngập lụt tại TP.HCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng Ảnh: Ngọc Dương |
Thực tế, tại TP.HCM, chưa kịp qua mùa mưa, người dân TP lại phải gồng mình chống chọi với mùa triều. Nhìn lại khoảng 1 thập niên qua, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng ngày càng lên cao, năm sau “đè” năm trước. Cụ thể, tháng 10.2013, lần đầu tiên TP.HCM đón đợt triều cao chạm mốc 1,68 m. 1 năm sau, tháng 10.2014 đỉnh triều 1,68 m tiếp tục lặp lại và ngay sau đó xác lập kỷ lục mới 1,70 m vào tháng 12. Đến 2017, mực nước triều dâng tại TP.HCM lên tới 1,72 m và chính thức cán mốc 1,80 m vào tháng 9 vừa qua. Tương tự, ĐBSCL cũng là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu kéo theo thiên tai dị thường. Chỉ trong vòng 3 tháng, các tỉnh, thành hạ nguồn ĐBSCL phải hứng chịu liên tiếp 2 đợt nước rút, nước lên kỷ lục làm xáo trộn đời sống người dân. Giữa tháng 7, khi Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế xác nhận rằng mực nước đầu mùa lũ tháng 6, tháng 7 năm nay trên dòng Mê Kông đang ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm, thì cũng là lúc mực nước ở ĐBSCL của VN rút xuống mức rất thấp so với cùng kỳ. Chờ mãi nước không về, nhưng chỉ 2 tháng sau, các đô thị hạ nguồn lại hứng chịu trận ngập kinh hoàng nhất trong 30 năm qua.
Chưa tính đến nước biển dâng, quá trình đô thị hóa và các hoạt động khai thác nước ngầm không kiểm soát diễn ra ồ ạt thời gian qua cũng đang tự nhấn chìm TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL. Kết quả đo đạc của Bộ TN-MT tại 347 mốc đo từ năm 2005 – 2017 ở TP.HCM cho thấy TP đang lún biến đổi từ 1,1 – 81,4 cm, trung bình 23,27 cm, tốc độ lún từ 0,09 – 6,78 cm/năm (trung bình 1,99 cm/năm).
Với tất cả những “con số biết nói” trên, rõ ràng ngập lụt hay thậm chí một số khu vực có thể biến mất trong tương lai hoàn toàn không chỉ còn là nguy cơ.
Muốn tiêu thoát phải trữ nước
Đầu tháng 4, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình “Giảm ngập nước” năm 2019 với mục tiêu sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi.
Theo đó, TP sẽ triển khai đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng, bao gồm 77 dự án chuyển tiếp, khởi công mới 47 dự án và chuẩn bị đầu tư 94 dự án.
PGS-TS Châu Nguyễn Xuân Quang (Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng ngay cả khi hoàn thành các dự án chống ngập đang được triển khai, TP vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hoá, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp…
Giải pháp hiệu quả nhất vừa giúp giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong hiện tại, vừa giải quyết các yếu tố thời tiết bất định trong tương lai là phát triển không gian điều tiết nước mưa. Theo ông Quang, không gian điều tiết sẽ làm giảm đỉnh, thể tích dòng chảy tràn, cải thiện chất lượng nước mặt, bổ cập nước ngầm, phát triển đô thị xanh và tăng mỹ quan đô thị. Ưu điểm của giải pháp này là có thể đầu tư phân kỳ, ngay lập tức có tác dụng mà không cần đầu tư hoàn chỉnh theo hệ thống. Đồng thời có thể bố trí phân tán như lồng ghép chức năng điều tiết vào các hồ, kênh, rạch, sông ngòi hiện hữu, lồng ghép trong các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển khu dân cư hoặc trong quy mô gia đình.
Đồng tình, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Cầu đường, cảng TP.HCM, cho hay trước đây trên địa bàn TP có rất nhiều hồ mang chức năng chứa nước, điều tiết nước mặt. Tuy nhiên sai lầm trong quy hoạch đã khiến các hồ bị lấp, thay thế hoàn toàn bằng nhà ở, cao ốc. Giải pháp duy nhất để sửa sai thời điểm này là phải khôi phục lại hệ thống thoát nước của TP. “Ở Nhật, TP nào cũng phải xây hồ điều tiết để thoát nước, đồng thời dự trữ, sử dụng hệ thống nước mưa. VN cũng nên đưa vào quy định có tính chất nhà nước, yêu cầu mỗi cụm dân cư, khu đô thị đều phải có một hồ điều tiết dung tích phù hợp”, ông Trường nói.
Xây trục thoát nước ngầm, cống ngăn triều?
Kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D & C, gợi ý TP.HCM sở hữu mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chính là lợi thế có sẵn để TP tận dụng trở thành những hồ điều tiết tự nhiên khổng lồ, dung tích lớn để trữ nước, tạo bậc thang hồ chứa để trữ và điều tiết thoát nước.
Theo ông Công, cần xây dựng 1 trục thoát nước ngầm đường kính khoảng 3 m dọc theo các tuyến đường, đi qua tất cả các điểm ngập. Hồ trữ nước và hệ thống ống ngầm sẽ kiểm soát toàn bộ mực nước phía trong TP, từ đó mới phát huy tác dụng của các tuyến đê bao.
“Song song với thoát nước mặt, để giải quyết ngập do triều, các cống ngăn triều là phương án hữu hiệu nhất. Bằng chứng là sau khi TP đặt 3 cửa cống có tác dụng điều tiết, ngăn triều tại khu vực Q.Bình Thạnh, toàn bộ khu vực bên trong bao gồm đoạn ngã ba Nơ Trang Long, khu Cầu Đỏ hoàn toàn thoát ngập. Do đó, nếu hệ thống cống ngăn triều của Trung Nam (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) hoàn thành và vận hành tốt, có thể đạt tới 70% hiệu quả ngăn triều tại các khu vực được tác động”, ông Công hiến kế.
Khai thác nước ngầm khiến TP.HCM và ĐBSCL lún sâu
Trong nghiên cứu của mình, TS Tạ Thị Thoảng, Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, chỉ ra rằng khai thác nước ngầm là nguyên nhân chính khiến đất nền TP.HCM ngày càng lún sâu. Nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 – 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 ở khu vực trung tâm lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.
Các nhà nghiên cứu từ ĐH Utrecht (Hà Lan) cũng chỉ ra rằng tốc độ sụt lún trung bình ở ĐBSCL liên quan đến khai thác nước ngầm là khoảng 1,1 cm/năm, cá biệt có nơi hơn 2,5 cm/năm. Nếu tiếp tục khai thác với tốc độ hiện tại, đất ở miền Tây sẽ lún khoảng từ 35 – 140 cm vào năm 2050.
Giãn dân để thoát ngập
Tại các TP lớn, đặc biệt là TP.HCM, tình trạng bê tông hóa diễn ra ngày càng kinh khủng. Cao ốc, nhà cao tầng không chỉ khiến hiệu ứng nhiệt tăng lên, lưu thông không khí bị cản lại mà còn lấp hết các đường thoát nước tự nhiên, gây ngập úng triền miên. Do đó ở góc độ quy hoạch, cần nhanh chóng hình thành các đô thị vệ tinh, thực hiện giãn dân để giãn nhiệt, giảm tình trạng bê tông hóa cục bộ, giúp khu vực trung tâm TP thoát ngập.
(TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM)
HÀ MAI