Trung Quốc đang khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm
Đó là ý kiến khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào hôm qua (5.11) của một trong số các chuyên gia tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia VN (VLA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong hôm nay 6.11 và ngày mai.
Trung Quốc đang khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm
Đó là ý kiến khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên vào hôm qua (5.11) của một trong số các chuyên gia tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 11, do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia VN (VLA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong hôm nay 6.11 và ngày mai.
Tàu dân binh Trung Quốc bảo vệ vòng trong cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép ở bãi Tư Chính – Phúc Tần, tháng 9.2019 Ngư dân cung cấp
Hội thảo lần này quy tụ gần 300 đại biểu. Trong đó có khoảng 150 đại biểu là các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới, đến từ nhiều nước, cùng một số đại sứ và trưởng cơ quan đại diện. Hội thảo có 6 phiên toàn thể và 6 phiên chuyên ngành. Dự kiến có khoảng 50 bài tham luận và phản biện, 3 bài phát biểu dẫn đề.
Đến với hội thảo lần này, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), tham gia phiên thảo luận về “Các vấn đề của các quốc gia trên Biển Đông: Các mối đe doạ, rủi ro và cơ hội”.
Trả lời Thanh Niên tối qua (5.11), ông Poling đánh giá: “Hai năm qua, Trung Quốc tăng nhanh số lượng tàu cảnh sát biển và tàu dân quân trên khắp Biển Đông”. Từ đó, theo ông, các tàu này ở Trung Quốc đang hoạt động rộng khắp khu vực “đường lưỡi bò” ở mức độ chưa từng có.
“Các tàu Trung Quốc thường xuyên gây rối tàu dân sự của VN, Philippines và Malaysia. Mục tiêu của Bắc Kinh là gia tăng rủi ro ở vùng biển này để khiến các tàu dân sự các nước khác chấp nhận từ bỏ quyền lợi hợp pháp vì lo sợ. Và Trung Quốc đang ngày càng khiến tình hình trở nên nguy hiểm. Những diễn biến gần đây là một minh chứng”.
Cũng tham dự hội thảo trên, ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế - Đại học Hải chiến Mỹ, khi trả lời Thanh Niên vào hôm qua đã đề xuất rằng: “Các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể thương lượng cùng nhau để đạt được một thỏa thuận về Biển Đông”.
Sau đó, theo ông, các nước đã thỏa thuận sẽ ký một bộ quy tắc ứng xử riêng và mời Trung Quốc giữ vai trò quan sát hoặc tham gia một phần. Đồng thời bộ quy tắc này phải bao hàm cả các nội dung cần thiết như tổ chức điều tra chung và phối hợp xử lý các sự cố hàng hải, nhấn mạnh việc tàu chiến và tàu chấp pháp không được dùng vũ lực tấn công tàu dân sự.
Đặc biệt, tham dự hội thảo có Giáo sư Rüdiger Wolfrum, cựu thẩm phán – Chủ tịch Tòa án quốc tế về luật Biển (ITCLOS) – là 1 trong 5 thành viên bồi thẩm đoàn của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Rüdiger Wolfrum cho rằng: “Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cần ý chí chính trị của tất cả quốc gia liên quan, đặc biệt là các quốc gia giáp Biển Đông. Nguyên tắc của pháp luật đòi hỏi sự tuân thủ của các bên”.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Học viện Ngoại giao, Ban tổ chức hội thảo cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm duy trì một diễn đàn uy tín hàng đầu khu vực để các chuyên gia, học giả thảo luận một cách cởi mở, khoa học về Biển Đông, góp phần nhận diện rõ hơn các diễn biến và xu thế mới trên Biển Đông, tác động đối với tình hình an ninh và phát triển trong khu vực và quốc tế; các cơ hội và thách thức đối với hợp tác trong khu vực.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để xây dựng và duy trì kết nối mạng lưới chuyên gia và học giả nghiên cứu về Biển Đông trên phạm vi thế giới.
Vũ Hân
NGÔ MINH TRÍ