Máy châm cứu tự động điều khiển từ xa
Từ nền tảng châm cứu y học cổ truyền, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y dược TP.HCM đã phát triển những chiếc máy châm cứu hiện đại, điều khiển từ xa, có tiềm năng mở rộng ứng dụng trong tương lai.
Máy châm cứu tự động điều khiển từ xa
Từ nền tảng châm cứu y học cổ truyền, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y dược TP.HCM đã phát triển những chiếc máy châm cứu hiện đại, điều khiển từ xa, có tiềm năng mở rộng ứng dụng trong tương lai.
Mới đây, ứng dụng thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khoẻ từ xa của nhóm vừa giành giải nhất cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019 do Sở KH-CN TP.HCM chủ trì với chủ đề “Thông minh hơn để cuộc sống tốt hơn”.
Đây là một trong nhiều hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019.
7 năm cải tiến
Hằng ngày, bà Tô Thị Điệp (76 tuổi, Bình Dương) đều đến Bệnh viện Đa khoa An Phú (Bình Dương) trị liệu cột sống. Một năm sau khi chuyển sang “làm bạn” với những chiếc máy châm cứu, bà chia sẻ máy vẫn cho cảm giác như được bác sĩ trực tiếp thao tác trên cơ thể.
Chiếc máy trên là một mẫu sản phẩm trong nhiều dòng cải tiến của mô hình châm cứu tự động, do nhóm nghiên cứu của ThS Lê Minh Luật – giảng viên bộ môn châm cứu Trường ĐH Y dược TP.HCM – bắt tay thực hiện từ năm 2012 dựa trên hệ thống y học cổ truyền và châm cứu hiện đại kết hợp công nghệ điện, laser.
Theo bác sĩ Trương Nguyên Trúc – trưởng khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa An Phú, bệnh viện đang sử dụng trên 10 máy châm cứu của nhóm ThS Luật. “Điểm mạnh nằm ở kích thước nhỏ gọn, dùng pin thay vì điện trực tiếp. Châm cứu bằng máy nhìn chung sẽ đỡ tốn công vê kim, giữ nhịp đều, ngoài ra hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn” – bác sĩ Trúc nói.
Nhiều năm qua, nhóm nghiên cứu liên tục cải tiến sản phẩm. Nhóm ứng dụng thêm thiết bị điện xung giúp hẹn giờ và tự động ngắt khi hoàn tất. Đầu năm 2019, nhóm tiếp tục nâng cấp thành hệ thống châm cứu 4.0 điều khiển từ xa, lúc này trang bị thêm bộ điều khiển có camera và màn hình cho phép tương tác giữa bệnh nhân với thầy thuốc thông qua thiết bị kết nối mạng.
ThS Lê Thị Thanh Tâm – phòng nghiên cứu khoa học và công nghệ Trường ĐH Y dược TP.HCM, thành viên dự án – cho biết sản phẩm dòng mới nhất giúp người dùng có thể tự áp dụng các bài châm cứu cơ bản.
Thông qua công nghệ IoT, máy sẽ tính toán và định vị chính xác các huyệt đạo, bệnh nhân chỉ cần đặt các miếng điện xung và chọn chế độ phù hợp. “Ngoài ra, khi muốn hỗ trợ, bệnh nhân sử dụng phần mềm liên kết để kết nối lập tức với bác sĩ hướng dẫn” – bà Tâm nói.
Theo ThS Luật, trước đây các sáng chế về thiết bị và kỹ thuật châm cứu qua kim hoặc điện xoa bóp qua miếng dán thường phải điều khiển trực tiếp, một số thiết bị có khả năng di động và điều khiển từ xa nhưng thường chỉ cố định một vùng cơ thể, không đáp ứng điều trị đồng thời nhiều vị trí khác nhau.
“Sắp tới, chúng tôi hướng đến tạo ra thiết bị có độ tương tác cao, trợ giúp theo dõi và chăm sóc sức khỏe các bệnh nhân ở nhiều nơi khác nhau” – ông Luật nói.
Nhà khoa học làm kinh tế
Ông Luật chia sẻ dự án đã được nhóm ấp ủ từ lâu, xuất phát từ nhu cầu giảng dạy, bên cạnh việc có được một sản phẩm hỗ trợ điều trị lâm sàng trong lĩnh vực y học cổ truyền hiệu quả và đạt chuẩn.
Theo ông, khó khăn của nhiều dự án khoa học phần lớn bắt nguồn từ tiềm lực đầu tư cho dự án còn hạn chế, trước hết là về vốn, kế đó là trình độ khoa học kỹ thuật, nhân lực và nhất là độ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông cho biết thêm những hỗ trợ của nơi làm việc và nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn, môi trường một số tổ chức đôi khi có những giới hạn nhất định, như thường áp đặt cứng nhắc các khung điều kiện và chỉ tiêu nghiên cứu, bên cạnh thủ tục pháp lý nghiên cứu phức tạp, làm không ít nhà nghiên cứu nản lòng.
“Tâm lý cả nể ý kiến lãnh đạo và quan điểm của các thầy cô lớn cũng tác động làm cho nhiều nghiên cứu mang tính đối phó theo chỉ tiêu, hoặc không thể tìm được đầu ra. Do đó, nhiều công trình thường ở dạng chết sau khi nghiên cứu, thậm chí ngay lúc triển khai đề tài” – ông Luật nói.
Còn bà Tâm chia sẻ thêm đa số nhà khoa học không phải là dân kinh tế, do đó khi đưa ra thị trường gặp không ít rào cản về chiến lược và định hướng. Thậm chí với những người thuần công việc nghiên cứu, việc xây dựng và quản lý một đội ngũ gồm nhiều thành phần từ sản xuất đến bán hàng, marketing… cũng là trở ngại lớn.
Ứng dụng thiết bị châm cứu thông minh chăm sóc sức khỏe từ xa là 1 trong 3 giải pháp được trao giải nhất tại Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019, bên cạnh các giải pháp Phần mềm truy xuất nguồn gốc trên nền tảng công nghệ blockchain và Nền tảng quản lý tập trung nội dung trình chiếu trên màn hình DiGiAds.
Các ý tưởng đoạt giải đều sẽ được xem xét nhận ươm tạo từ 6 tháng đến 2 năm, cũng như hỗ trợ đăng ký tham dự chương trình SpeedUp của Sở KH-CN và có cơ hội tìm kiếm thêm các nhà đầu tư.
Riêng ứng dụng thiết bị châm cứu thông minh còn được một tập đoàn cam kết đầu tư và hỗ trợ về các khâu kinh doanh định hướng có thể đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới.
Những hạt giống trong nhà trường
Theo ThS Lê Thị Thanh Tâm, dù là ngành đặc thù với áp lực học tập rất lớn, sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn có những ý tưởng độc đáo có thể ứng dụng cao. Gần đây, các dự án giường bệnh thông minh hay các máy kiểm soát huyết áp, nhịp tim… của sinh viên được đánh giá khá cao tại nhiều cuộc thi sáng tạo trong và ngoài trường. Tuy nhiên, theo bà, mỗi ý tưởng khi thành sản phẩm cần được hỗ trợ vốn rất nhiều.
Hiện nay, mỗi nghiên cứu khoa học chỉ được nhà trường hỗ trợ một nguồn vốn còn khiêm tốn, nên nhiều sản phẩm chỉ dừng lại ở mô hình, chưa thể đưa ra một mẫu có thể ứng dụng, chứ chưa nói đến việc triển khai sản xuất hàng loạt ra ngoài thị trường.