29/11/2024

UOB ngừng buôn ngoại tệ, giá USD ngân hàng vọt lên 22.990 đồng

Hôm nay, 27-6, giá USD tại các ngân hàng đã lên mức cao nhất từ trước đến nay: 22.990 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá bán USD đã lên đến 23.120 đồng/USD.

 

UOB ngừng buôn ngoại tệ, giá USD ngân hàng vọt lên 22.990 đồng

Hôm nay, 27-6, giá USD tại các ngân hàng đã lên mức cao nhất từ trước đến nay: 22.990 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá bán USD đã lên đến 23.120 đồng/USD.


UOB ngừng buôn ngoại tệ, giá USD ngân hàng vọt lên 22.990 đồng - Ảnh 1.

Giá bán USD tại các ngân hàng đã gần chạm 23.000 đồng/USD – Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Ngày 13-6, giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank ở mức 22.840 đồng/USD. Tuy nhiên sau đó giá bán USD liên tục tăng theo diễn biến thị trường. Đến chiều nay, giá bán USD tại Vietcombank là 22.975 đồng/USD, tăng 135 đồng/USD so với ngày 13-6.

Tại Sacombank, giá bán USD lên mức 22.990 đồng/USD. Đây cũng là mức giá cao nhất trên thị trường tính tới thời điểm này.

Ngân hàng Eximbank cũng nâng giá bán USD lên 22.970 đồng/USD. Còn tại Vietinbank mức giá này là 22.962 đồng/USD.

Giá USD tại các ngân hàng tăng vọt ngày hôm nay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỉ giá trung tâm ngày hôm nay thêm 15 đồng, lên 22.640 đồng/USD.

 

Trong khi ngưỡng 23.000 đồng vẫn được các ngân hàng cầm cự thì tại thị trường tự do, giá bán USD lên 23.120 đồng/USD và giá mua USD tiền mặt là 23.050 đồng/USD.

Đây là đợt tăng thứ ba của giá USD tính từ đầu năm đến nay và cũng là đợt tăng mạnh nhất.

Các ngân hàng lý giải việc giá USD tăng vọt từ giữa tháng 6 do cộng hưởng bởi hàng loạt yếu tố như Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, nhập siêu trở lại trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn một thông tin khác cũng tác động đến giá USD, đặc biệt là giá USD tiền mặt là việc Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) dừng buôn bán ngoại tệ tiền mặt trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Việc này diễn ra sau khi UOB ký thỏa thuận bán lại một phần tài sản, trong đó có hoạt động bán buôn ngoại tệ tiền mặt trên phạm vi toàn cầu của UOB cho Travelex Currency Exchange Ltd (Nhật Bản).

UOB là đối tác nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt lớn của các ngân hàng tại Việt Nam, chiếm khoảng 80-85% thị trường.

Ngoại tệ tiền mặt thường được các ngân hàng nhập khẩu dùng vào việc chi trả lãi và vốn gốc tiền gửi ngoại tệ dân cư, kiều hối, du lịch… Do vậy việc UOB dừng hoạt động này cũng gây ra một số lo lắng nhất định trên thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số ngân hàng cho biết đang thỏa thuận với các đối tác khác như CIMB (Malaysia), Bank Of America và Bank Of China để tiếp tục thực hiện dịch vụ nhập ngoại tệ tiền mặt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, khẳng định hiện các ngân hàng không thiếu ngoại tệ tiền mặt và cung cầu ngoại tệ trên thị trường cũng không căng thẳng.

Theo ông Minh, do UOB cũng đã thông báo cho trước cho các ngân hàng nên đã có sự chuẩn bị.

Ông Minh cũng cho biết giá USD tăng liên tục những ngày qua là do tác động từ việc lên giá của đồng USD trên thị trường thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Tuy nhiên theo báo cáo từ các ngân hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về vẫn bán cho các ngân hàng chứ không găm giữ.

So với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn thấp hơn 329-349 đồng/USD.

Chênh lệch giữa giá USD tự do và giá USD bán ra tại các ngân hàng cũng không cao, chỉ từ 130 -150 đồng/USD.