27/11/2024

Vì sao metro Bến Thành – Suối Tiên tăng vốn tỉ đô?

Sau kiểm toán, tổng mức đầu tư tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên được chốt lại khoảng 47.300 tỉ đồng, tương đương 2,49 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 tỉ USD. Hàng loạt lý do tăng vốn cũng được tiết lộ trong báo cáo mới nhất của Chính phủ.

 

Vì sao metro Bến Thành – Suối Tiên tăng vốn tỉ đô?

Sau kiểm toán, tổng mức đầu tư tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên được chốt lại khoảng 47.300 tỉ đồng, tương đương 2,49 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 tỉ USD. Hàng loạt lý do tăng vốn cũng được tiết lộ trong báo cáo mới nhất của Chính phủ.


 

Vì sao metro Bến Thành - Suối Tiên tăng vốn tỉ đô? - Ảnh 1.

Nhiều hạng mục của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên được gấp rút hoàn thiện – Ảnh: TT

 

Báo cáo về dự án xây dựng metro số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Thủ tướng ký gửi Quốc hội ghi nhận sau khi cập nhật ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ngành. 

Tổng mức đầu tư điều chỉnh đang được dự kiến khoảng 2,49 tỉ USD, tương đương 47.300 tỉ đồng.

Trong đó, vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản khoảng 41.800 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM khoảng 5.490 tỉ đồng.

So với tổng vốn đầu tư dự án ban đầu được duyệt khoảng 1,09 tỉ USD, tổng vốn đầu tư metro Bến Thành – Suối Tiên tăng khoảng 1,4 tỉ USD sau 13 năm phê duyệt.

Lý do điều chỉnh tổng vốn đầu tư theo báo cáo của Chính phủ là do biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.

Tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án.

Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm 2040 thay vì năm 2020 như dự án ban đầu.

Áp dụng các trang thiết bị, hệ thống tiên tiến nhằm đạt sự an toàn cao nhất, đầu tư đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa, cho tòa nhà trung tâm điều khiển cả hệ thống đường sắt đô thị của thành phố và đầu tư cho trụ sở công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị.

 

Tỉ giá yen Nhật – đồng Việt Nam, tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 cũng làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng lên.

Điều đáng nói là các nội dung điều chỉnh dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội từ tháng 10-2011 và được Bộ Chính trị thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư vào tháng 10-2018 nhưng đến nay các bộ, ngành vẫn chưa hoàn thành việc điều chỉnh vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng vốn giải ngân dự án đến nay đạt 15.808 tỉ đồng, đạt 38% tổng vốn ODA. Nguồn vốn đối ứng giải ngân từ ngân sách thành phố đến thời điểm báo cáo ước đạt khoảng 1.700 tỉ đồng, đạt 32% tỉ lệ tổng vốn đối ứng.

Về tiến độ thực hiện tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, báo cáo của Chính phủ cũng ghi nhận tiến độ ban đầu được duyệt dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017, đưa vào khai thác năm 2018. 

Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng gói thầu số 2, phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và 1b, xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu 1b, thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.

Sau khi rà soát và cập nhật lại tiến độ dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, UBND TP.HCM đang đề xuất điều chỉnh thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác vào quý 4-2021, thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng dự án vào năm 2026.

 

 

BẢO NGỌC