30/11/2024

Chuyến đi khó khăn của ông Mattis

Trung Quốc tuyên bố “không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất” trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

 

Chuyến đi khó khăn của ông Mattis

Trung Quốc tuyên bố “không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất” trong chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
 
 
Bộ trưởng James Mattis và Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa thảo luận tại Bắc Kinh /// Reuters

Bộ trưởng James Mattis và Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa thảo luận tại Bắc Kinh   REUTERS

 
Ngày 27.6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hội đàm tại Bắc Kinh. Trong bài phát biểu mở đầu lễ đón, ông Nguỵ cho rằng chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ diễn ra vào thời điểm then chốt “để cải thiện sự tin tưởng về mặt chiến lược giữa hai nước”, theo Reuters. Đáp lời, ông Mattis bày tỏ có thể đối thoại một cách thực sự cởi mở và thẳng thắn với phía Trung Quốc.
 
Bộ trưởng Mattis là lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc thăm Trung Quốc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới quan sát nhận định đây là chuyến công du không hề dễ dàng. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ông Mattis là tìm kiếm sự hợp tác từ Bắc Kinh trong việc tiếp tục tác động để CHDCND Triều Tiên tuân thủ các cam kết về phi hạt nhân hóa như đã nêu trong tuyên bố chung giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump hôm 12.6. Tuy nhiên, quan hệ Washington – Bắc Kinh lại đang trong giai đoạn trắc trở liên quan đến an ninh và thương mại.
 

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngụy nói chỉ có tôn trọng lẫn nhau và tránh đối đầu mới giúp Mỹ và Trung Quốc cùng nhau phát triển. Ông cũng kêu gọi quân đội hai nước tăng cường kiểm soát nguy cơ và gia tăng hợp tác. Tuy nhiên, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy cũng “làm rõ quan điểm và quan ngại của Trung Quốc”, đồng thời tuyên bố nước này “sẽ cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và không nhượng bộ về vấn đề an ninh”. Trong cuộc tiếp đón bộ trưởng Mỹ vào chiều cùng ngày, truyền hình Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta không thể mất đi dù một tấc đất do tổ tiên truyền lại”.

 
Trước đó, Bộ trưởng Mattis đã nhiều lần chỉ trích hành động tăng cường quân sự hoá phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Hồi đầu tháng, ông nhấn mạnh việc Bắc Kinh triển khai các hệ thống vũ khí trên các đảo nhân tạo phi pháp là “đe dọa và áp bức”. Theo chủ nhân Lầu Năm Góc, việc Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay là nhằm phản đối hành động nói trên và Bắc Kinh sẽ đối mặt “với những hậu quả lớn hơn nữa trong tương lai” nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
 
Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh hôm qua, ông Mattis không nêu rõ nội dung đã trao đổi với ông Ngụy nhưng cho biết cuộc hội đàm diễn ra “rất tốt”. Theo bộ trưởng Mỹ, hai bên cần tổ chức cuộc đối thoại chiến lược minh bạch để giải quyết những vấn đề hiện nay.
 
Ngày 27.6, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận cho rằng Trung Quốc “cần có biện pháp tự vệ” trước kế hoạch của Mỹ về tăng cường đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang chực chờ bùng nổ khi hai bên liên tục tuyên bố các biện pháp ăn miếng trả miếng lẫn nhau. Cùng ngày, AFP đưa tin Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về siết chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài vào nước này nhằm đảm bảo không gây hại đến an ninh quốc gia cũng như ngăn chặn nguy cơ bị đánh cắp các công nghệ then chốt. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố việc siết chặt không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào nhưng theo nhiều nguồn tin từ Nhà Trắng, quan ngại lớn nhất hiện nay của chính phủ Mỹ chính là Trung Quốc.

THUỴ MIÊN