Cần ‘cơ chế thoáng’ cho đáp án thi THPT quốc gia
Đề văn năm nay được đa số giáo viên và nhiều học sinh khen hay. Trong khi đó đề thi toán lại được nhận xét quá dài.
Cần ‘cơ chế thoáng’ cho đáp án thi THPT quốc gia
Đề văn năm nay được đa số giáo viên và nhiều học sinh khen hay. Trong khi đó đề thi toán lại được nhận xét quá dài.
Thí sinh thoải mái ra về sau khi thi xong môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG
Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 cho biết trong ngày thi đầu tiên, tổng số thí sinh đến dự thi môn ngữ văn là hơn 900.000 thí sinh, môn toán gần 917.000 thí sinh, đều đạt tỉ lệ trên 99%.
Sau hai buổi thi, có 45 thí sinh vi phạm quy chế thi (khiển trách 1, đình chỉ 44), không có cán bộ nào vi phạm quy chế.
Câu hỏi nghị luận xã hội hỏi rộng quá, thí sinh sẽ hiểu theo nhiều cách và làm bài theo nhiều hướng khác nhau. Do đó, tư duy của người chấm bài cũng phải “mở” chứ đừng cứng nhắc, sẽ rất tội cho thí sinh
Cô Nguyễn Minh Ngọc (giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM)
Thầy trò đều thích thú với đề văn
Nguyễn Ngọc Long, thí sinh dự thi tại điểm THPT Việt Đức, Hà Nội, hào hứng cho biết: Đề thi có tính phân loại cao và đặt ra vấn đề rất thời sự, nên cảm thấy thích thú.
Theo Long thì không phải học sinh phổ thông không quan tâm tới các vấn đề lớn của đất nước nên những đề văn liên quan tới việc bảo vệ hay phát huy tiềm lực, bao gồm cả tiềm lực thiên nhiên và tiềm lực về con người là những điều dễ viết chứ không khó.
Một thí sinh ở điểm thi THPT Chu Văn An, Hà Nội cho biết đề ra phần cảm thụ văn học tuy khó nhưng không chán như mọi năm vì cách hỏi mới. Tương tự bài thơ trong phần đọc hiểu cũng bất ngờ nhưng lại đặt ra vấn đề gần gũi, thời sự.
Cô Hà Thanh, giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội, nhận định: Các câu hỏi liên quan tới tiềm lực, học sinh sẽ có cảm hứng nếu các em quan tâm tới những vấn đề thời sự kinh tế – xã hội.
Riêng câu hỏi nghị luận văn học, cô Hà Thanh đánh giá cao cách hỏi hướng đến kiểm tra kỹ năng phân tích, tổng hợp của học sinh.
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cũng đánh giá: “Chưa bao giờ tôi thấy có một đề thi tầm quốc gia có tính phân hóa tốt như đề thi văn năm nay”.
Thậm chí với câu hỏi này, sự phân hóa cả trong việc thí sinh nào biết cách phân bố thời gian tốt nhất để làm, vì nếu không biết sẽ dễ không đủ thời gian để làm hết yêu cầu.
“Những người ra đề văn đã rất dũng cảm…”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Trần Hinh, khoa văn học Trường ĐH KHXH&VN (ĐHQG Hà Nội), cho rằng đề thi văn năm nay đã thể hiện được xu hướng đổi mới trong thi cử và đánh giá, có sự nâng cấp đáng kể trong cả hai phần đọc hiểu và làm văn.
Việc lựa chọn một đoạn trong một bài thơ chính luận có phần “gai góc” như “đánh thức tiềm lực” đã chứng tỏ sự dũng cảm, mạnh dạn của người ra đề ngữ văn năm nay.
“Là người cùng thế hệ với Nguyễn Duy, nên tôi rất hiểu ở ngay thời điểm ra đời, bài thơ đã chịu rất nhiều áp lực.
Không phải ai lúc ấy cũng có thể chia sẻ và đồng cảm với nhà thơ. Việc lựa chọn một đoạn thơ chính luận như thế để ra đề cho học sinh lớp 12 đã thể hiện được sự dũng cảm của những người làm đề”, thầy Hinh phân tích.
Theo thầy Hinh, với tầm tuổi 18 của học trò trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, việc đặt ra suy nghĩ về trách nhiệm cá nhân đối với việc “đánh thức tiềm lực” đất nước là vô cùng cần thiết.
“Có thời chúng ta quên mất rằng nếu con người thờ ơ, tham lam, hời hợt và không được trang bị những kiến thức mới mẻ, khoa học thì các “tài nguyên” ấy vẫn chỉ là số không”, thầy Hinh chia sẻ thêm.
TS Nguyễn Ngân Hoa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng có nhận xét: “Dù ai nói gì thì tôi vẫn thấy đề văn năm nay căn bản, có tầm và thể hiện bản lĩnh của người ra đề”.
Băn khoăn với đáp án cho câu hỏi “mở”
Đề hay, thí sinh hào hứng nhưng kết quả như thế nào vẫn còn lệ thuộc vào hướng dẫn chấm.
Thậm chí đề càng mở, càng đặt ra các vấn đề nóng bỏng được dư luận nói chung và giới trẻ nói riêng quan tâm thì càng cần cẩn trọng trong việc xây dựng một đáp án, làm sao để có thể đánh giá công bằng, nhưng có thể chấp nhận những ý kiến trái chiều, khích lệ thí sinh sáng tạo, bày tỏ chính kiến.
Đây là những băn khoăn của nhiều giáo viên với đề thi năm nay.
Thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng: “Câu hỏi nghị luận xã hội là câu hỏi ý nghĩa. Nhưng việc trình bày một vấn đề mang tính trăn trở, lớn lao như thế trong một đoạn văn chỉ có 200 chữ e là sẽ khó lòng trọn vẹn. Thí sinh viết không tới còn có thể rơi vào sáo mòn, hô hào khẩu hiệu”.
“Đáp án phải định hướng cho người chấm bài thi một cơ chế thoáng, không đóng khung nội dung câu chữ học sinh cần trình bày. Giám khảo chấm bài cũng đừng máy móc theo kiểu đếm chữ hoặc tìm “từ khoá” để cho điểm.
Đáp án cần đưa ra nhiều tình huống bài làm của thí sinh. Người chấm cũng cần chấp nhận những ý kiến trái chiều của thí sinh nếu các em lập luận chặt chẽ…” – một giáo viên môn văn ở Q.5 (TP.HCM), đưa ra ý kiến.
Trong khi đó, cô Như Hương, giáo viên Trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội), cho biết: “Khi góp ý cho phương án chấm thi của Bộ GD-ĐT, tôi cũng đề nghị cân nhắc nên dành điểm nghiêng về nội dung đáng kể hơn yêu cầu hỏi về nghệ thuật trong câu dành cho nghị luận văn học.
Bởi đề thi cho toàn quốc, với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Học sinh thành phố có thể làm tốt nhưng học sinh nhiều vùng nông thôn, miền núi có thể sẽ gặp khó”.
Thêm ngữ liệu lớp 11 để tránh điểm thi quá cao?
Đề thi năm nay đã có thêm phần kiến thức trong giảng văn lớp 11. Theo thầy Trần Hinh, cái mới chỉ thể hiện ở phần dung lượng của kiến thức, chứ không mới ở cách thức.
Những năm qua cũng đã từng ra đề so sánh nhiều rồi.
Vì vậy, việc đưa thêm ngữ liệu của lớp 11 trong đề thi năm nay chỉ nhằm tránh vì đề quá dễ nên dẫn đến điểm thi quá cao như năm ngoái mà thôi.
Thêm nữa, hai cứ liệu được đưa so sánh để thấy được sự đối lập giữa Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ, thật ra thiếu thuyết phục.
Bởi lẽ, sự đối lập trong Chiếc thuyền ngoài xa nằm trong ý đồ triết lý của Nguyễn Minh Châu, trong khi sự đối lập giữa cảnh phố huyện và hình ảnh đoàn tàu của Thạch Lam, vốn chỉ là một “sự chân thật mộc mạc”.
Ngọc Hà ghi