Khó tái diễn chu kỳ khủng hoảng mới
Cứ 10 năm lại có một cơn khủng hoảng, chu kỳ này đã diễn ra gần 5 thập niên qua. Năm 2019 rơi vào đúng chu kỳ tiếp theo cuộc khủng hoảng từ năm 2009. Đó là lý do nhiều chuyên gia lo ngại chu kỳ khủng hoảng sẽ tái lặp.
Khó tái diễn chu kỳ khủng hoảng mới
Cứ 10 năm lại có một cơn khủng hoảng, chu kỳ này đã diễn ra gần 5 thập niên qua. Năm 2019 rơi vào đúng chu kỳ tiếp theo cuộc khủng hoảng từ năm 2009. Đó là lý do nhiều chuyên gia lo ngại chu kỳ khủng hoảng sẽ tái lặp.
Cắt giảm thủ tục hành chính là một trong những yếu tố giúp tránh khủng hoảng
Khủng hoảng đã manh nha từ năm 2016
Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhìn lại các mốc thời gian năm 1979, 1989, 1999 và 2009, VN từng trải qua những năm bất ổn kinh tế khiến tăng trưởng “chùng” lại thời gian dài. Bốn “cái dớp” xuất hiện trong 4 thập niên qua đều xuất phát từ việc “hồ hởi phấn khởi quá đà” trước đó.
|
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong một hội thảo khoa học mới đây đã nêu lo ngại về chu kỳ khủng hoảng 10 năm của VN và cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải xây dựng kịch bản đánh giá rủi ro, thách thức nhằm có biện pháp đối phó trong thời gian tới.
Đồng ý với lo ngại của Chính phủ, TS Huỳnh Thế Du cho rằng thời điểm trước khủng hoảng thường xuất hiện tâm lý lạc quan, kỳ vọng thái quá vào nền kinh tế.
“VN cần hết sức thận trọng để tránh sự lạc quan thái quá khiến nền kinh tế lại gặp trục trặc. Không dự báo thì thôi, còn đã có các dự báo thì chúng ta phải nỗ lực tìm giải pháp để tránh tối đa chu kỳ lặp lại này”, TS Du cảnh báo và cho rằng, trục trặc của nền kinh tế sẽ xảy ra khi để tăng tín dụng vào những lĩnh vực không tạo ra giá trị, khó kiểm soát như đầu cơ bất động sản, mua bán chứng khoán đẩy giá… Khi bong bóng bất động sản nổ ra, nhà đầu tư cũng không còn động cơ để quay lại lĩnh vực đầu tư trước, hoặc bỏ mặc trong tâm lý rất “vật vờ”. Trong lịch sử phát triển, có nhiều lần kinh tế VN rơi vào tình cảnh “vật vờ” như vậy chỉ vì đã trót đổ nhiều nguồn lực vào những sản phẩm tăng trưởng nóng, bong bóng và không đúng giá trị thực.
Tuy nhiên, TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật – Đại học Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng khủng hoảng kinh tế thật ra đã manh nha từ năm 2016 nhưng một số biện pháp vĩ mô, cải cách tương đối mạnh mẽ từ phía Chính phủ đã kịp thời “phanh” những bất ổn này. Đó là khẳng định vai trò kinh tế tư nhân tại Nghị quyết T.Ư 5 và 6; quyết tâm cắt giảm đầu tư công trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy…
“Chính quyết tâm đổi mới của Chính phủ giúp duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Thế nên, nếu không quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống, bất ổn kinh tế có thể xảy ra”, TS Hảo nhấn mạnh.
“Né” được khủng hoảng sẽ tạo cú hích lớn
Ông Hảo cũng nhìn nhận có nhiều tiến triển lạc quan có thể xua tan được “bóng ma khủng hoảng” trong tương lai gần. Biểu hiện bên ngoài cho thấy thị trường chứng khoán VN đang có tín hiệu tốt. Vì chỉ khi làm ăn kinh doanh có hiệu quả, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán thì thị trường mới lên được. Yếu tố thứ hai là phụ thuộc vào kết quả thực hiện đúng Nghị quyết T.Ư 7, tiết kiệm đầu tư công thành công, sẽ dôi dư khoản khá lớn cho ngân sách quốc gia. Bộ máy công chức hiện đang chiếm 5% GDP, nếu tiết kiệm được khoản chi đó, VN có thể tăng trưởng GDP lên 2 con số.
“Tín hiệu tốt nhất là việc cắt giảm, sắp xếp lại bộ máy làm việc. Đây là tiền đề quan trọng để tránh cho VN sa chân vào chu kỳ khủng hoảng kinh tế”, TS Hảo nhấn mạnh. Dấu hiệu thứ ba để đẩy lùi “dớp” khủng hoảng là nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh tại các bộ. Khởi đầu là Bộ Công thương và sau đó là hàng loạt bộ khác.
TS Huỳnh Thế Du cho rằng việc tránh được khủng hoảng từ dự báo là cực kỳ quan trọng, tạo đà tâm lý tốt cho giai đoạn tăng trưởng mới. “Vấn đề là chúng ta làm thế nào vừa chống vừa xây mới quan trọng. Tránh được bất ổn vĩ mô, né được cái “dớp” khủng hoảng này, tạo niềm tin đấu tranh chống tham nhũng, tính quyết liệt từ các nghị quyết… sẽ tạo cú hích lớn cho nền kinh tế VN”, TS Du nhận định.
NGUYÊN NGA