07/11/2024

Tiềm ẩn khủng bố sinh học bằng vi rút nhân tạo

Các nhà khoa học lo ngại sự tiến bộ của khoa học giúp việc tái tạo vi rút trở nên dễ dàng cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều loại vũ khí sinh học mới.

 

Tiềm ẩn khủng bố sinh học bằng vi rút nhân tạo

Các nhà khoa học lo ngại sự tiến bộ của khoa học giúp việc tái tạo vi rút trở nên dễ dàng cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nhiều loại vũ khí sinh học mới.
 
 
 
 

Tiến bộ khoa học đang có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra vũ khí sinh học	
 /// Ảnh: AFP

Tiến bộ khoa học đang có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra vũ khí sinh học  ẢNH: AFP

 
Chính phủ Mỹ mới đây mô phỏng một cuộc tấn công bằng vũ khí sinh học với hậu quả vô cùng khủng khiếp khi vi rút “Clade X” gây bệnh và lan nhanh đến mức chỉ trong vòng 1 năm có tới 150 triệu người trên thế giới thiệt mạng.
 
Cuộc diễn tập nhằm thử nghiệm khả năng ứng phó với đại dịch toàn cầu gây ra bởi khủng bố sinh học, theo trang Science Alert. Giới khoa học cho rằng “Clade X” hiện chỉ là giả định nhưng nguy cơ bệnh dịch quy mô lớn do các dòng vi rút nhân tạo gây ra đang sắp thành hiện thực.
 
Vi rút nhân tạo là sản phẩm của lĩnh vực sinh học tổng hợp, với khả năng ứng dụng lớn trong y học, nhưng đồng thời là mối đe dọa nếu không được sử dụng đúng mục đích. Theo tờ The Guardian, Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây yêu cầu Viện Hàn lâm khoa học quốc gia nghiên cứu về nguy cơ này và kết quả vừa công bố cho thấy mối đe doạ rất đáng lo ngại. Giáo sư vi sinh vật và miễn dịch học Michael Imperiale tại Đại học Michigan (Mỹ) dẫn đầu nhóm chuyên gia cho biết sự tiến bộ của khoa học ngày nay đã khiến việc tạo ra vũ khí sinh học trở nên dễ dàng. Theo đó, các khoa học gia có thể tái tạo những vi rút chết người, khiến vi khuẩn độc hại hơn hoặc chỉnh sửa cơ chế di truyền của vi trùng để chúng sản sinh độc tố khi xâm nhập cơ thể người.
 
Cách đây 20 năm, nhà di truyền học Eckard Wimmer tại Đại học Stony Brook (Mỹ) đã cảnh báo nguy cơ từ sinh học tổng hợp một cách thực tế khi tái tạo được vi rút bại liệt. Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu tại Đại học Alberta (Canada) đã tổng hợp một chủng vi rút gây bệnh truyền nhiễm tương tự đậu mùa. Trước khi bị xoá sổ vào năm 1979, đậu mùa là một trong 4 đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, đã cướp đi sinh mạng khoảng 500 triệu người.
 
Theo ông Imperiale, ngày nay mã di truyền của hầu hết mọi chủng vi rút đều có trên mạng và không loại trừ khả năng bị các phần tử khủng bố lợi dụng để tái tạo, thậm chí tổng hợp nên vi rút nguy hiểm hơn. “Công nghệ đã có sẵn. Dĩ nhiên cần kiến thức chuyên môn nhưng việc thực hiện khá dễ”, ông cảnh báo. Bên cạnh đó, quy trình làm biến đổi gien có thể khiến các dòng vi khuẩn nguy hiểm kháng mọi loại thuốc kháng sinh và người bị nhiễm sẽ không chữa trị được. Một loại vũ khí sinh học đáng sợ khác là vi trùng biến đổi gien có khả năng bám lại trong ruột và tiết ra độc tố. Theo ông Imperiale, đây là nguy cơ hoàn toàn mới mà con người chưa hề chuẩn bị đối phó.
 
Bên cạnh việc tấn công bằng vi rút, vi khuẩn và vi trùng, các chuyên gia còn cảnh báo về một loại vũ khí sinh học có thể không gây ra tác hại tức thời nhưng còn nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Theo đó, một yếu tố tác động di truyền có thể được tạo ra và lây nhiễm khiến ADN của con người bị biến đổi hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo chính phủ Mỹ nên xem xét lại cách giám sát bệnh dịch để sớm phát hiện các vũ khí sinh học này ngay khi chúng mới xuất hiện.
 
Khủng bố sinh học
Khủng bố sinh học là hành vi dùng các thực thể sinh học như vi khuẩn, vi rút, chất độc sinh học để gây bệnh hoặc chết chóc. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ xếp loại nguy cơ khủng bố sinh học hàng đầu gồm vi khuẩn gây bệnh tularemia, bệnh than, bệnh đậu mùa, độc tố botulinium, vi khuẩn yersinia pestis và các vi rút gây sốt xuất huyết như Ebola.Vụ khủng bố sinh học lớn nhất từng được ghi nhận là vào năm 1984 tại bang Oregon (Mỹ). Khi đó, giáo phái Rajneeshee mưu đồ giành quyền kiểm soát chính quyền địa phương đã cho lây lan vi khuẩn Salmonella (có thể gây bệnh thương hàn hoặc tiêu chảy) tại các quầy hàng cung cấp rau quả cho thành phố Dalles. Theo thống kê, 751 người bị nhiễm bệnh nhưng không có trường hợp tử vong.

 

KHÁNH AN