Sống không lệ thuộc vào các mạng xã hội như Facebook, thích tận dụng mọi mối quan hệ đời thật là quan điểm của nhiều bạn trẻ. Theo họ, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội, với người trẻ muốn thành công.
Sao không trò chuyện thật?
Phạm Chí Mỹ, cựu nhân viên lập trình, cử nhân ngành điện – điện tử Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết Facebook quá phức tạp, luôn tồn tại tranh cãi, ai cũng muốn bảo vệ quan điểm cá nhân mình. Mỹ chọn cách không lệ thuộc Facebook, không dành nhiều thời gian online, không bình luận nhiều, cũng không có những bài viết về những vấn đề tiêu cực.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Kim Nguyên, học lớp 12A19, Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM, cho hay Facebook và nhiều mạng xã hội khác như một tấm gương phản chiếu mình là ai, do đó Nguyên chọn Facebook chỉ như một hình thức để giải trí, tham khảo các đề thi trong một số nhóm ôn đại học online, chia sẻ những câu chuyện đẹp, tử tế. “Nhiều bạn không online Facebook thì không chịu được. Đi cà phê, ăn uống cũng phải chụp hình ảnh đẹp và đăng Facebook, rồi đếm like, chờ bình luận, và cuộc trò chuyện với thế giới ảo thì cứ kéo dài mãi. Sao không trò chuyện thật, nói chuyện thật với những người bạn thật của mình, người thân thật của mình ngồi ở ngay bên cạnh?”, Nguyên nói.
Đỗ Anh Việt, 22 tuổi, CEO của GTV SEO, một công ty marketing online nhưng không mất quá nhiều thời gian để online, thậm chí nếu không có điện thoại thông minh (smart phone) ở bên mình cả ngày, anh cũng không cảm thấy quá thiếu thốn.
“Facebook hay YouTube của tôi đều có bộ phận quản lý riêng. Về email tôi cũng chia thành nhiều địa chỉ, để không mất nhiều thời gian để phải nhìn vào hộp thư, kiểm tra, trả lời”, Anh Việt nói. CEO này cũng cho hay, anh không ghi chép nhiều trên máy tính, mà thích ghi chép vào sổ tay hơn, bởi theo các nghiên cứu đọc được, việc này sẽ tốt hơn cho não bộ.
Bước ra đời thật, tham gia nhiều sự kiện với nhiều bạn trẻ khác là cách để học hỏi hay hơn là online Bảo Vy
|
Tận dụng thế mạnh công nghệ để phục vụ công việc
Trần Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc kỹ thuật của Inspectorio VN, người ViệtNam đầu tiên trở thành Google Developer Expert (GDE) trong lĩnh vực Flutter (được sử dụng phát triển ứng dụng di động cho Androi và iOs) cho biết mỗi người trẻ cần bước ra khỏi những vùng an toàn của bản thân để khám phá những giá trị lớn lao khác mà mình có thể thực hiện được.
Theo Trường Sinh, nhiều người lầm tưởng là những lập trình viên thường xuyên chỉ ngồi biết lướt web và viết code, lệ thuộc mạng xã hội, nhưng đó chỉ là một phần. Anh đã rút ra những kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội để phục vụ công việc, cho không chỉ những bạn trẻ làm trong mảng lập trình, mà còn tất cả các lĩnh vực khác.
“Tôi không đọc tài liệu bằng tiếng Việt mà đọc tài liệu bằng tiếng Anh, không tra từ điển, nếu chưa hiểu thì đọc lại bản tiếng Việt để nắm thông tin. Tôi không dùng Facebook để đăng những bài viết hay tin tức liên quan đến công nghệ. Thay vào đó, tôi dùng Twitter. Tôi không dùng Facebook để đăng những bài viết hay tin tức liên quan đến công việc mà dùng LinkedIn để đăng nhưng bài viết dạng này”, Trường Sinh cho biết.
“Nhiều bạn trẻ có thói quen thắc mắc một vấn đề thì cứ nhắn tin trên Facebook. Tôi chọn cách khác, đó là ‘tag’ họ trên Facebook hoặc dùng tính năng Direct Message bằng Twitter. Tôi không đọc tin bài giật gân, mà thay vào đó là các tin bài khoa học công nghệ từ những nguồn tin cậy như Medium, Hacker Noon, Freecodecamp, Dev.to, Grokking Vietnam. Tôi không chọn lên YouTube xem hài mà lên đây để xem các chương trình về công nghệ như JSConf, DevFest, GOTOconf, Google IO…”, Trường Sinh chia sẻ.
BẢO VY