Biết tuốt để làm gì?
Năm học mới bắt đầu, con trẻ cắp sách tới trường cũng là lúc những ưu tư về sự học của con có cơ hội trỗi dậy. Trong đó đặc biệt là chuyện thời đại khác rồi, xã hội khác rồi, việc học của con cũng sẽ phải khác.
Biết tuốt để làm gì?
Năm học mới bắt đầu, con trẻ cắp sách tới trường cũng là lúc những ưu tư về sự học của con có cơ hội trỗi dậy. Trong đó đặc biệt là chuyện thời đại khác rồi, xã hội khác rồi, việc học của con cũng sẽ phải khác.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (Q.Tân Bình, TP.HCM) thực hành trong tiết học về kỹ năng mạnh mẽ (chương trình do Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thực hiện từ cuối năm học 2018-2019) – Ảnh: H.HG.
Dư luận một dạo “dậy sóng” khi trong một trò chơi trên truyền hình, người chơi là một nữ kỹ sư cho biết cô không biết El Nino là gì. Cô cũng không biết canh cua nấu với rau đay.
“Nếu các em không theo ngành cần đến toán thì học đạo hàm, tích phân làm gì? Nếu các em ấy không theo ngành văn thì cần biết năm sinh của ông nhà văn nọ, nhà thơ kia làm gì?
Tư duy “biết tuốt”
Đây liệu có phải chuyện lớn? Xin thưa, chả có gì là lớn, chưa đến mức nghiêm trọng. Thời đại số, không biết thì tra, không nấu được món canh đó thì đi ăn nhà hàng.
Nếu mình đủ tài để kiếm sống, thu nhập đủ để ăn món đó ở nhà hàng. Mặt khác, đó không phải là cô ấy không biết mà là chưa biết. “Chưa” chuyển thành “đã” trong thời đại này rất dễ, chỉ cần hỏi “ông” Google.
Quan trọng hóa chuyện đó, coi những người không biết những điều đó là “kém cỏi” chính là tàn dư của lối tư duy cũ, cứ đòi người ta phải biết tuốt, biết tuốt mới là giỏi giang. Xin thưa, cuộc đời có bao nhiêu đâu, nên nạp hiểu biết trên trời dưới biển vừa thôi.
Cô gái ấy nếu rỗng kiến thức của công việc cô ấy đang làm thì mới đáng chê trách. Chưa biết canh cua nấu với rau đay nhưng có khi cô ấy lại biết nhiều món khác thì sao? Chưa biết El Nino, lĩnh vực ngoài chuyên môn của cô ấy, nhưng cô ấy lại biết về từ thông, về bán dẫn thì sao?
Biết tuốt làm gì? Thời đại Google, biết tuốt khéo lại thành ra “dở hơi”. Tại sao lúc nào cũng phải mướt mải trong bi kịch tìm bằng được những viên ngọc không vết, tìm bằng được sự toàn mỹ? Sao lại cứ lấy những trò chơi trên truyền hình làm thước đo tài năng?
Trong khi đó chỉ là trò chơi thôi, ai đọc nhiều, nhớ nhiều lĩnh vực thì thắng. Chả có ích gì cho khoa học nếu cố gắng để cái gì cũng biết như thế…
Đến sự nhồi nhét vô bổ
Chính vì tư duy coi những người biết tuốt, biết cả những thứ chả cần biết là vĩ đại, mà dẫn đến trường học bắt học cả những kiến thức vô bổ (vô bổ vì ra đời sẽ không dùng đến). Nếu các em ấy không theo ngành cần toán thì học đạo hàm, tích phân làm gì?
Nếu các em ấy không theo ngành văn thì cần biết năm sinh của ông nhà văn nọ, nhà thơ kia làm gì? Các em không biết được hết các thứ thì lại kêu trời lên là các em học lệch.
Cứ đằng thẳng ra, bắt các em học hết thì thời gian đâu để các em học kỹ năng sống? Học bơi để chống đuối nước, học cách tồn tại và thoát khỏi đám cháy, và quan trọng nhất là học cách học trong một thời đại đổi thay nhanh chóng và lượng thông tin, kiến thức tăng trưởng với cấp độ chóng mặt như hiện nay?
Cải cách giáo dục, giảm mạnh việc dạy – học thêm tốn tiền và thời gian, tâm lực của trẻ em và gia đình là việc không khó làm. Nhiều chuyên gia đã đề cập tới việc mạnh dạn cắt giảm khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa hiện nay, thậm chí có thể giảm tới 50%. Khi các em lên cấp III có định hướng nghề nghiệp, phân ban là rất nên.
Cắt giảm những tích phân, đạo hàm đối với các em theo nghề phi tự nhiên, cắt giảm những số liệu ngày tháng năm lịch sử cụ thể với các em theo nghề tự nhiên…
Nhớ một cách cơ học làm gì? Học để làm người, để thành nhân, không phải để thành cuốn từ điển bách khoa. Cắt giảm như thế để trẻ em chỉ cần đầu tư ít thời gian cũng học được hết. Như thế các em sẽ không phải đi học thêm, hoặc rất ít.
“Kiến thức” (tôi cho vào đấu nháy vì phần lớn là những thứ vô bổ hoặc tra cứu dễ dàng) ít thế thì cầu học thêm giảm đi, cung cũng sẽ giảm.
Các thầy cô giáo nào muốn ép học sinh đi học thêm cũng sẽ khó hơn vì học sinh đáp ứng được yêu cầu bài vở một cách dễ dàng. Trẻ có thêm thời gian chơi. Chơi cũng chính là học: đến bảo tàng, ra sân vận động…
Hành hạ học sinh
Thời gian đâu, đầu óc đâu mà nhồi hết các kiến thức trong sách giáo khoa phổ thông, tất yếu học sinh phải quay cóp, học trò quay cóp, giáo viên làm ngơ.
Để các em còn tốt nghiệp mà ra đời sống chứ, không có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông thì lại khó tìm việc. Công việc thì lại chả liên quan đến đạo hàm, tích phân, chả liên quan đến năm sinh ông nhà văn, nhà thơ kia…
Nếu cần thì sau này ra đời các em tự bồi bổ thêm qua các kênh khác, chứ sao lại hành hạ tuổi thơ của các em, bắt các em nhớ đủ thứ để thoả mãn tư duy rằng biết đủ thứ mới là tài giỏi?