Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nói gì về ‘vi khuẩn ăn thịt người’?
Trước thông tin ‘vi khuẩn ăn thịt người’ gây hoang mang, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã lên tiếng trấn an: Không cần quá hoảng loạn…
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nói gì về ‘vi khuẩn ăn thịt người’?
Trước thông tin ‘vi khuẩn ăn thịt người’ gây hoang mang, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đã lên tiếng trấn an: Không cần quá hoảng loạn…Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, “vi khuẩn ăn thịt người” thật ra trong y khoa có bàn nhưng không phải là về căn bệnh mà nhiều người đang lo lắng.
Cách diễn đạt “ăn thịt người” là do vi khuẩn tiết ra 2 độc tố gây “thối rữa thịt”. Nhưng vi khuẩn này có tên là Aeromonas hydrophila. Còn căn bệnh mà “mạng xã hội đang bàn tán” có tên là Whitmore (hay bệnh melioidosis), do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
Theo bác sĩ Khanh, bệnh Whitmore không phải mới có đây mà y khoa đã biết từ rất lâu. Bệnh là do vi khuẩn Burkholderia có trong đất và nước không sạch, chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua vùng da trầy xước. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là “ăn thịt người”. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.
Bệnh này không có lây từ người sang người và cũng không dễ mắc nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ. Bệnh có một số triệu chứng cấp tính: sốt, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người.
Về phòng ngừa, khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.
Về điều trị “vi khuẩn ăn thịt người”, quan trọng là bác sĩ điều trị phải nghĩ đến bệnh làm xét nghiệm để điều trị đúng kháng sinh, nếu không bệnh sẽ tái phát. “Nói chung, mọi người không nên quá lo lắng”, bác sĩ Khanh nói.
DUY TÍNH